Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thị trường bán lẻ VN ngày càng hấp dẫn
21 | 07 | 2008
Ngày cuối tuần, lượng người đến siêu thị Big C (Hà Nội) đông gấp vài lần thường nhật, các gian hàng tấp nập, gần hai chục quầy thanh toán hoạt động hết công suất mà hàng người đứng chờ thanh toán vẫn ngày một dài thêm.

Một nhân viên thu ngân tại siêu thị này cho biết, mỗi ngày cuối tuần như vậy, doanh số của một quầy thu ngân ít nhất cũng đạt khoảng 40 triệu đồng.

Tay đẩy một xe hàng đầy ắp, chị Phương Hoa - nhân viên một công ty xuất nhập khẩu tại Hà Nội, cho biết chị thường đi siêu thị cuối tuần để mua sắm cho nhu cầu tiêu dùng cả tuần của gia đình.  "Do công việc bận rộn nên tôi thường mua sắm ở siêu thị để tiết kiệm thời gian và giờ đã thành thói quen, lâu rồi tôi không ra chợ”, chị Phương Hoa nói.

Còn đối với chị Thùy Minh, nhân viên bán hàng lưu niệm, việc đi siêu thị đã trở thành thói quen từ gần chục năm nay bởi “mua sắm ở siêu thị rất hấp dẫn khi cả nhà có thể cùng đi và từng người đều được lựa chọn hàng theo nhu cầu, sở thích của mình”.

Mỗi người một lý do khác nhau và dòng người đổ về các siêu thị tại các thành phố ngày càng đông đã cho thấy xu hướng mua sắm của người dân đang thay đổi. Khi mức thu nhập được nâng lên, cuộc sống hiện đại bận rộn hơn, thay vì mua tại các chợ truyền thống, họ thích mua hàng tại các siêu thị và trung tâm thương mại – nơi có hàng hóa phong phú, phong cách phục vụ chuyên nghiệp.

Thống kê của Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho thấy, tỷ lệ mua sắm tại các siêu thị, trung tâm thương mại của người Việt Nam đã tăng từ 9% năm 2005, lên 14% năm 2007 và dự kiến sẽ tăng lên 24% vào năm 2010. Riêng tại hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ tương ứng là 15%; 24% và 37%.

Theo báo cáo thường niên của tập đoàn tư vấn quản lý hàng đầu thế giới A.T. Kearney vừa công bố mới đây, chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu của Việt Nam đã tiến 3 bậc so với năm 2007 và hiện chiếm ngôi vị số 1 của Ấn Độ - nước đã 3 năm liên tiếp dẫn đầu danh sách 30 nước được khảo sát.

Ông Pascal Billaud, Tổng giám đốc Big C – nhà phân phối, bán lẻ đã có mặt từ khá sớm tại Việt Nam nhận định rằng kinh tế tăng trưởng bền vững, dân số trẻ với thu nhập ngày càng cao và xu hướng tiêu dùng đang thay đổi là những nhân tố tác động tích cực đến thị trường bán lẻ Việt Nam thời gian tới.

Ông Pascal Billaud cho biết, sau 10 năm hoạt động tại Việt Nam, hiện Big C đã có 7 trung tâm thương mại và đại siêu thị tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Biên Hòa, Hải Phòng và Đà Nẵng; kinh doanh gần 50.000 mặt hàng, trong đó 95% được sản xuất tại Việt Nam.

Mặc dù vậy, các quan chức Bộ Công Thương đang tỏ ra lo ngại về khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam khi thời điểm 1/2009 đang đến gần, khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ cho các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, theo lộ trình cam kết trong WTO.

Ông Hoàng Thọ Xuân, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thị trường Trong nước cho rằng thị trường sẽ càng sôi động hơn với sự tham gia sâu rộng của các “đại gia” nước ngoài và “điều quan trọng quyết định khả năng cạnh tranh của các nhà kinh doanh bán lẻ Việt Nam không chỉ là chất lượng hàng hóa mà còn là phương thức phân phối và dịch vụ chăm sóc khách hàng”.

Theo thống kê của Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, hiện cả nước có trên 140 siêu thị và đại siêu thị, 20 trung tâm thương mại đang hoạt động và gần 1 triệu m2 mặt bằng kinh doanh bán lẻ đang được đầu tư phát triển.



Nguồn: TTXVN
Báo cáo phân tích thị trường