Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Lại chuyện bán rẻ, mua đắt
18 | 07 | 2008
Chuyện VN phải nhập khẩu muối chưa nguôi ngoai thì nay lại thêm một thông tin gây chấn động: VN phải nhập khẩu than. Trong khi mới hồi đầu năm, chuyện khai thác than thổ phỉ vô tội vạ và xuất lậu hàng triệu tấn than/năm không kiểm soát được vẫn còn âm ỉ và chuyện này vẫn chưa được xử lý rốt ráo.

Theo nguồn tin từ Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản VN (TKV), Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã nhất trí với phương án của Tập đoàn Điện lực VN (EVN), đàm phán các hợp đồng mua than dài hạn cho các nhà máy nhiệt điện và tham gia cổ phần vào các mỏ than ở nước ngoài. Mới đây, hợp đồng khung nhập khẩu 3,5 triệu tấn than với hai đối tác là BT Berau Indonesia và Maintime Hongkong đã được ký kết. Dự kiến năm 2009, những tấn than đầu tiên sẽ cập cảng VN. TKV cũng đang cử đoàn đi khảo sát ở Úc để xúc tiến nhập khẩu than cho các nhà máy nhiệt điện. Vậy là, từ một nước có thương hiệu trong xuất khẩu than, năm nay lần đầu tiên VN phải đi đàm phán... nhập khẩu than!

Hiện nay, sản lượng khai thác than của VN đạt khoảng 45-50 triệu tấn/năm. Khoảng 15-20 triệu tấn trong số này sử dụng cho nhu cầu trong nước, còn lại là xuất khẩu. Nhưng đó cũng chỉ là con số báo cáo. Chưa ai thống kê được con số than thổ phỉ đang ngày đêm chảy lậu qua biên giới. Theo TKV, nhu cầu than cho sản xuất điện đến năm 2010 mới thiếu hụt. Năm 2012, riêng nhu cầu than cho các nhà máy nhiệt điện là 32,5 triệu tấn, hụt khoảng 8 triệu tấn so với khả năng cung ứng. Trả lời trên bản tin VTV ngày 27-6, Thứ trưởng Bộ Công Thương Bùi Xuân Khu nói rằng, nhập khẩu than là “chuyện bình thường”, vì nhu cầu phát triển các nhà máy nhiệt điện hiện đang tăng cao. Nhưng ông cũng thừa nhận “dự báo còn nhiều điểm yếu kém” và cho biết bộ đang có kế hoạch điều chỉnh lại quy hoạch ngành than. Và quả thật chuyện cũng không có gì mà ầm ĩ, nếu than nhập khẩu là loại than chuyên dùng, chất lượng cao trong nước chưa sản xuất được. Nhưng theo TKV, than nhập khẩu cho các nhà máy nhiệt điện là than nhiệt, chất lượng thấp hơn than đá xuất khẩu của VN hiện nay, nhưng yêu cầu số lượng lớn. Vì vậy sản xuất trong nước không đáp ứng đủ. Giá cả than nhập chưa ai công bố, nhưng theo một số chuyên gia, sẽ không rẻ, vì nhu cầu sử dụng than đang tăng cao, dẫn đến các điều khoản đàm phán mua sẽ ngày càng khó khăn và bất lợi hơn. Hiện các nhà cung cấp luôn từ chối bán than dài hạn, vì nước họ muốn dự trữ nguồn năng lượng quốc gia. Như vậy, rất có khả năng VN xuất khẩu than giá rẻ, nhưng sẽ phải mua than giá đắt. Đó là chưa tính đến khả năng bị ép giá, khi nguồn cung than của VN đang ngày càng cạn kiệt, do khai thác kiểu tận thu các mỏ lộ thiên, mà không đầu tư công nghệ để khai thác các mỏ ở độ sâu và địa hình phức tạp hơn.

Đáng lo hơn, chuyện yếu kém trong quản lý, dự báo, quy hoạch không chỉ ở ngành than. Hiện VN nổi tiếng có nhiều tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản phong phú nhưng đều đang trong tình trạng khai thác lãng phí, xuất khẩu thô. Như dầu thô, sắt thép, quặng apatic, ruby và các loại đá bán quý khác. “Rừng vàng, biển bạc” cũng đang bị khai thác cạn kiệt. Vì vậy, cần đưa các mặt hàng này vào độc quyền quản lý Nhà nước để có kế hoạch đầu tư và bảo vệ lâu dài. Tránh hiện tượng mua đắt, bán rẻ; tài nguyên đất nước chỉ làm giàu cho một số người, còn đất nước ngày một nghèo thêm.

 



Nguồn: www.nld.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường