Đảm bảo người trồng tiêu có lãi
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch VPA, cho biết chính sự điều phối hợp lý và đoàn kết giữa các doanh nghiệp đã tránh được tình trạng bị các nhà nhập khẩu ép giá. Giá xuất khẩu bình quân trong 6 tháng đầu năm trên 2.137 USD/tấn (tiêu đen), 3.285 USD/tấn (tiêu trắng), giá trong nước dao động 35.000 - 40.000 đồng/kg. Dù có giảm so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng hầu hết DN và người trồng tiêu đều đảm bảo lợi nhuận. Đồng quan điểm trên, UBND huyện Chư Sê (Gia Lai), cho biết lúc đầu huyện rất lo ảnh hưởng khủng hoảng sẽ gây khó khăn cho xuất khẩu. Tuy nhiên, giá tiêu ngày càng nhích lên nên ai cũng mừng. Hiện giá tiêu trong nước đã tăng lên 42.000 - 45.000 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất dao động chỉ 20.000 đồng/kg.
Làm thương hiệu, nâng giá trị
Những năm qua hồ tiêu có bước phát triển rất vững chắc và là một trong những sản phẩm ổn định trong ngành nông nghiệp. Đời sống người dân trồng tiêu ngày càng cải thiện, đặc biệt số hộ trồng tiêu ở huyện Chư Sê tỉnh Gia Lai giàu lên ngày càng nhiều. Hiện tại, trong 6 quốc gia sản xuất hồ tiêu chủ lực trên thế giới, Việt Nam đứng đầu với sản lượng khoảng 100.000 tấn/năm, bỏ xa Ấn Độ (50.000 tấn), Brazil (33.000 tấn), Malaysia (23.000 tấn), Indonesia (20.000 tấn) và Sri Lanka (15.000 tấn). Từ sự áp đảo về sản lượng nên Việt Nam có tiếng nói rất quan trọng đối với ngành hồ tiêu quốc tế. Thị trường xuất khẩu của hồ tiêu VN được mở rộng ra 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, đặc biệt là các loại tiêu chất lượng cao được xuất vào Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU… ngày càng tăng. Sở dĩ hồ tiêu chúng ta phát triển nhanh và khẳng định được vị thế hàng đầu là nhờ hội tụ các điều kiện thuận lợi về thiên nhiên ưu đãi cho vùng đất bazan màu mỡ, nông dân cần cù chịu khó, ham học hỏi, ngành chuyên môn quan tâm hỗ trợ tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, DN mạnh dạn đầu tư xây dựng những nhà máy chế biến với các thiết bị tiên tiến và tìm kiếm thị trường xuất khẩu có hiệu quả… Thêm một lợi thế nữa, đó là năng suất hồ tiêu của Việt Nam đang bỏ xa nhiều nước trên thế giới như Ấn Độ chỉ đạt 300 - 500 kg/ha; Brazil 1 tấn/ha… vì vậy trong 5 - 7 năm tới, hồ tiêu Việt Nam sẽ tiếp tục thống trị ngôi đầu.
Vấn đề đặt ra đối với chúng ta lúc này là phải nhanh chóng nâng cao giá trị hồ tiêu, tương xứng với tiềm năng vốn có. Hiện tại tỷ lệ xuất thô còn cao, chiếm trên 60% sản lượng do đó kim ngạch mang về không cao. Theo VPA, do uy tín, năng lực, công nghệ chế biến… của các DN còn hạn chế chưa thể sánh kịp các nhà phân phối hồ tiêu hàng đầu thế giới, họ đã có thương hiệu nổi tiếng rất lâu nên được người tiêu dùng tín nhiệm. Vì vậy muốn đột phá vươn lên, tạo hướng đi riêng cần phải có thời gian và đầu tư quyết liệt. Về cơ bản, chất lượng tiêu của Việt Nam không thua các nước, vấn đề là tạo ra những DN lớn có uy tín, để tạo thế đứng trên thương trường.
Cùng với việc nâng cao chất lượng, VPA đang tập trung xây dựng thương hiệu cho ngành hồ tiêu. Muốn chi phối thị trường, đưa sản phẩm giá trị gia tăng đến tay người tiêu dùng nhất thiết phải có thương hiệu mạnh. Hiện hồ tiêu Chư Sê đã có thương hiệu và sự phát triển rất bài bản, chất lượng lẫn năng suất tăng liên tục, kéo theo giá bán cũng cao hơn từ 10% - 15% so với các nơi khác. VPA đang xúc tiến xây dựng thương hiệu hồ tiêu cho Bà Rịa- Vũng Tàu; Phú Quốc; Bình Phước… Song song đó, tính toán xây dựng quy trình sản xuất sạch để truy suất nguồn gốc, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của thị trường thế giới.
(Theo SGGP)