Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đi tìm một lời giải cho bài toán nông thôn và đô thị
19 | 09 | 2008
Điều quan trọng nhất là từ cuối thế kỷ XX bước sang thế kỷ XXI, một quan điểm càng tỏ ra không ổn, đang bị phê phán, và thực tế của nhiều vùng phát triển trên thế giới đã bác bỏ. Đó là quan điểm cho rằng vai trò của nông nghiệp, nông thôn ngày càng thu hẹp và hạ thấp, tỷ trọng của nông nghiệp trong GDP giảm, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ tăng, dẫn đến sự kết thúc của văn minh nông nghiệp để thay thế bằng văn minh công nghiệp.



Một ý hướng mới nổi lên và đang ngày càng có sức thuyết phục: vai trò của nông nghiệp và nông thôn chẳng những không bị giảm sút, mà đang hình thành những nét mới mẻ và đặc sắc. Vai trò mới đó được mở rộng và nâng cao hơn nhiều so với nhiều thế kỷ trước của những nền văn minh đã qua. Có thể phác họa như sau :

1. Về nông nghiệp :

Ngay cả khi đất nước đã thành nước công nghiệp, thậm chí nước hậu công nghiệp, thì nông nghiệp hiện đại luôn luôn là một ngành kinh tế và một loại dịch vụ có năng suất và hiệu quả dịch vụ cao, có giá trị sử dụng thiết yếu không gì có thể thay thế được. Chúng tạo ra giá trị gia tăng lớn, có thể, cần phải và hiện đang trở thành một ngành rất quan trọng của kinh tế tri thức.

2 Về nông thôn :

Nói nông thôn tức là nói đến kinh tế nông thôn, xã hội nông thôn, cuộc sống nông thôn . Và như vậy thì, nông thôn không phải là địa bàn thứ yếu, kém phát triển về mọi mặt, và hậu phương phụ thuộc vào thành thị, cho nên tại đó, con người, nhất là lớp trẻ khao khát hướng ra thành thị văn minh còn tại nông thôn là nơi chất chứa mọi nét cổ hủ, lỗi thời. Không phải vậy. Trong sự quá tải và đầy ô nhiễm của cuộc sống đô thị, người ta ngày nhận ra rằng nông thôn hiện đại chính là :

Một dạng tổ chức và vận hành cuộc sống có nhiều ưu việt, trong đó không thiếu những đô thị và thị trấn văn minh với những nét thú vị hơn đô thị nhiều

Là một địa bàn có thế mạnh để giữ gìn và tô điểm cho môi trường sinh thái của loài người, ở đấy chính là “cả hai lá phổi và trái tim” của sự sống trên trái đất.

Là một không gian rộng lớn, có kinh tế và đời sống phát triển, tại đó con người được sống gắn bó, hài hòa với thiên nhiên, cây cỏ, chim muông, sông núi, đất trời, thoát khỏi sự ngột ngạt của những khối bê tông, sắt thép và kính của những ngôi nhà chọc trời chen nhau.

Là một nơi nghỉ ngơi lành mạnh, một nguồn giải trí phong phú, một vùng du lịch đa dạng, một cõi yên tĩnh, thanh bình để con người khôi phục và tăng cường sức sống, có điều kiện để trầm lặng suy tư, chuẩn bị những quyết định lớn và những hành động quan trọng.

Nền nông nghiệp và nông thôn hiện đại không chỉ là một nhân tố thụ động, cung cấp một số nguồn lực, phương tiện và điều kiện cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mà có một vai trò rất chủ động, là một cỗ máy động cơ, là một tuốc-bin phát lực của toàn bộ nền kinh tế và xã hội. (không dùng các từ “động cơ” hoặc “động lực”, vì như vậy dễ bị hiểu theo nghĩa hẹp, chỉ thiên về tinh thần). Chừng hơn một thập kỷ qua, trên thế giới người ta càng ngày càng nói nhiều về “nền nông nghiệp bền vững”, bộ phận hợp thành thiết yếu của nền kinh tế hiện đại phát triển bền vững : một nền nông nghiệp bền vững phải đạt được cả ba mục tiêu : đạt hiệu quả kinh tế cao, bảo đảm công băng kinh tế và công bằng xã hội, gìn giữ và làm phong phú môi trường.

Đây là cơ hội và cũng là thách thức thuộc loại lớn nhất của loài người thế kỷ XXI. Trong phiên họp thứ tám, tháng 4 và tháng 5.2000, Ủy ban về phát triển bền vững của LHQ đã vạch rõ nền nông nghiệp bền vững phải có 4 đặc trưng sau :

Khai thác hợp lý và nuôi dưỡng các nguồn lực toàn thế giới và đa dạng sinh thái cho thế hệ ngày nay và các thế hệ mai sau.

Đạt hiệu quả cao của nông nghiệp và kinh tế nông thôn bằng sự vận dụng công nghệ cao và quản lý hiện đại, nhất là công nghệ sinh học và công nghệ tin học, cách mạng xanh mới được sử dụng ở mỗi địa phương những cách làm nông nghiệp của địa phương mình, phát huy ở mỗi địa phương lối sống và văn hóa nông thôn của từng vùng.

Bảo đảm vai trò đích đáng rất chủ động và to lớn của nông dân (người lao động nông nghiệp và người chủ nông trại) trong mọi khâu của quá trình ra quyết định.

Phân phối công bằng quyền tiếp cận các nguồn lực và hưởng thụ các sản phẩm nông nghiệp và những thế mạnh của đời sống nông thôn.

Người ta nhấn mạnh 4 nhân tố sau đây :

*Sự tham gia chủ động, tích cực của các cộng đồng nông thôn, bao gồm những người lao động nông thôn, những chủ trang trại, những công nhân, các nông hội, các tổ chức phi Chính phủ, khu vực tư nhân,các cơ quan Nhà nước trong mọi khâu của quá trình ra quyết định và thực hiện quyết định.

* Môi trường chính sách quốc gia thuận lợi, giàu tính khuyến khích, hỗ trợ, không áp đặt hoặc can thiệp thô bạo hay tinh vi, không đối xử bất công với nông nghiệp và nông thôn.

*Thông tin minh bạch, thông suốt và có hiệu quả giữa các tác nhân có liên quan.

*Tập trung nghiên cứu ứng dụng những cách làm, những kỹ thuật tích đáng của từng địa phương, lối sống và văn hóa nông thôn ở từng địa phương.

Trong điều kiện toàn cầu hóa kinh tế và bùng nổ của cách mạng khoa học và công nghệ hiện nay,với nhiều công nghệ mới được coi là có giá trị toàn thế giới, thì cả 4 đặc trưng và 4 nhân tố thiết yếu của một nền nông nghiệp bền vững đều nêu lên và nhấn mạnh hai điểm : Một là, mở rộng dân chủ, phát huy vai trò chủ động, tích cực của đông đảo nông dân và các loại cộng đồng nông thôn. Hai là, coi trọng vận dụng (và nâng cao) những cách làm, những kỹ thuật nông nghiệp của từng địa phương

Gợi lên vài nét tổng quan về sự phát triển bền vững nông nghiệp và nông thôn được mở rộng và nâng cao hơn nhiều so với nhận thức và kinh nghiệm đã có trước đây của thế giới, để nhận thức rằng, chúng ta hoàn toàn có thể tìm ra một giải pháp hợp lý cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân nước ta trên cơ sở xác định đúng cách tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước với một triết lý phát triển phù hợp với thực tế đời sống và nền văn hóa nước mình.

Triết lý ấy được quán triệt vào trong 4 vấn đề sau đây :

a. Triết lý phát triển được thể hiện trong hoạch định chủ trương, chính sách và các biện pháp, trong đó chỉ ra được các việc làm cụ thể, ai sẽ làm những việc ấy, cách làm như thế nào và các mối quan hệ trong những công việc phải làm ấy.

b. Triết lý ấy sẽ chỉ đạo và thể hiện trong các bước đi hợp lý mà từng bước vừa kết hợp sức mạnh nội sinh là chủ yếu, đồng thời tranh thủ các nguồn lực và kinh nghiệm từ bên ngoài được vận dụng có hiệu quả và sáng tạo vào thực tế Việt Nam.

c. Trong hành trình với các bước đi hợp lý sẽ tìm ra khâu đột phá có ý nghĩa đòn bẫy cho toàn bộ các hoạt động. Chẳng hạn như, hiện nay vấn đề đất đai đang là một tình huống bức xúc trong việc vi phạm nghiêm trọng quyền của người nông dân trong sử dụng đất, có thể nói đó một quyền thiêng liêng đối với người nông dân. Đã đến lúc vấn đề về sở hữu đất đai nói chung và đất nông nghiệp nói riêng cần phải được nhìn nhận và suy nghĩ một cách nghiêm túc về mặt lý luận cũng như về thực tiễn khi mà khái niệm “quốc gia công thổ” đang bị vận dụng một cách tùy tiện và thất nhân tâm,. gây nên bao nghịch lý.

d. Từ khâu đột phá nhằm tạo ra sức bật mạnh mẽ đưa nông nghiệp và nông thôn bứt lên, triết lý phát triển cũng đòi hỏi những hành động thiết thực, tránh những phô trương hình thức cũng như cách đánh trống bỏ dùi.

Đi tìm một giải pháp cho vấn đề nông thôn và nông dân nước ta đương nhiên phải xuất phát từ thực tế phát triển nông nghiệp của nước ta, đồng thời phải biết tìm hiểu và vận dụng những kinh nghiệm của thế giới. Không phải chỉ những kinh nghiệm từ những thành công và thất bại của những nước đi trước, mà còn là và phải là cách tư duy mới về nông nghiệp, nông thôn và nông dân trong bối cảnh của một thế giới mới. Vả chăng, với sự nghiệp Đổi Mới đang được đẩy tới một cách triệt để, đất nước ta đã tự đặt mình vào trong cùng một bình diện của sự phát triển, tiến hoá chung của cộng đồng quốc tế; bản thân là một hệ thống thích nghi phức tạp trong một hệ thống thích nghi phức tạp rộng lớn hơn.

Với một tư duy mới, biết vận dụng những nhận thức lý luận mới về vai trò của nông nghiệp, nông thôn và nông dân trong thế giới mới đã được đúc kết và phát triển từ kinh nghiệm của các nước đi trước, được chọn lọc để vận dụng sáng tạo và thích hợp vào điều kiện nước ta, phù hợp với bản sắc văn hóa và lối sống của dân tộc ta, sẽ tạo ra được một đột phá mới nhằm tìm lối ra cho nông thôn và nông dân chúng ta. Lối ra ấy tùy thuộc vào việc giải quyết mối quan hệ hữu cơ giữa chất lượng phát triển và sự phát triển bền vững, đang là những bức xúc hiện nay của nước ta.

Chất lượng phát triển bao gồm chất lượng kinh tế (sản xuất), chất lượng xã hội (nghĩa hẹp), chất lượng văn hóa (nghĩa rộng), chất lượng môi trường, chất lượng dân chủ, đặc biệt là chất lượng con người. Từng mặt chất lượng có yêu cần riêng, nội dung riêng và đóng góp riêng của nó. Các mặt chất lượng là một hệ thống, tương tác với nhau trong hệ thống. Chất lượng ấy thấm đượm bản sắc văn hóa Việt Nam. Mà nói đến bản sắc văn hóa Việt Nam là nói đến văn hóa “nhà- làng- nước”, trong đó, văn hóa nhà, văn hóa làng và văn hóa nước gắn bó, tương tác với nhau như những phân hệ trong hệ thống. Chính cái đó làm nên vẻ độc đáo của văn hóa Việt Nam. Văn hóa chính là chất ximăng kết dính con người với cộng đồng. Đánh mất cái này thì cộng đồng cũng không còn nữa. Điều này có tác động trực tiếp đến sự ôn định và phát triển.

Chính trên ý nghĩa này, khi bàn về nông thôn và nông dân, phải nhấn mạnh đến vấn đề “văn hóa làng”. Đây không là sự tiếc nuối những “vang bóng một thời”, những hoài niệm về một quá khứ đã ra đi mà không bao giờ còn trở lại như có người giải thích rằng đó là tuân theo cái quy luật nghiệt ngã của phát triển., của công nghiệp hóa và hiện đại hóa. E không phải vậy.

Nhận thức mới về nông nghiệp và nông thôn đã chỉ rõ : vai trò của nông nghiệp và nông thôn chẳng những không bị giảm sút, mà đang hình thành những nét mới mẻ đặc sắc. Vai trò mới đó được mở rộng và nâng cao hơn nhiều so với những thế kỷ trước của những nền văn minh đã qua.

Nông thôn không phải là địa bàn thứ yếu, kém phát triển, mà người ta ngày nhận ra rằng, nông thôn hiện đại chính là một dạng tổ chức và vận hành cuộc sống có nhiều ưu việt, trong đó không thiếu những đô thị và thị trấn văn minh với những nét còn thú vị hơn đô thị vốn có rất nhiều như đã gợi ra ở trên. Với một nhận thức đúng đắn về vai trò mới của nông nghiệp và nông thôn trong thế giới hiện đại, chúng ta có thể từng bước khắc phục những sai lầm, thiếu sót đã qua và định hình một kịch bản xây dựng nông thôn mới phù hợp với triết lý phát triển của Việt Nam. Triết lý ấy dẫn dắt việc hình thành một chiến lược đúng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa phù hợp với bản sắc văn hóa Việt Nam, lối sống Việt Nam, con người Việt Nam trong bối cảnh của thời đại.mới.

Phải từ một chiến lược như vậy mới định hình được những hướng đi và những giải pháp đồng bộ nhằm giải quyết tốt vần đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Ba vấn đề ấy có những đặc điểm khác nhau, song có sự gắn kết chặt chẽ, không thể chia cắt, có tác dụng chi phối lẫn nhau. Trong đó, nổi rõ lên mối quan hệ tương tác giữa đô thị và nông thôn, từ mối quan hệ đó mà vấn đề nông dân được xác lập trên một bình diện mới : Nông dân là chủ thể của quá trình hiện đại hóa nông thôn chứ họ không phải chỉ là người đứng ngắm nhìn công cuộc công nghiệp hóa và đô thị hóa hết sức xa lạ, chẳng những thế đe dọa cuộc sống của họ, hoặc họ bị gạt ra ngoài rìa.

Nội dung của chiến lược ấy rất phong phú và đa dạng, nếu tìm về những điểm cốt lõi, sẽ thấy nổi bật lên những cụm vấn đề cơ bản sau đây :

* Hộ kinh tế gia đình nông thôn luôn giữ một vai trò rất quyết định của nông nghiệp và nông thôn mới trong quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa nông thôn. Hình thức trang trại cũng từ đấy mà phát triển lên. Vấn đề nông dân cũng sẽ được giải quyết từ đây, trong nông thôn hiện đại, người nông dân sẽ phải trở thành những doanh nhân nông nghiệp, những chủ trang trại được sự hỗ trợ của khoa học và công nghệ để phát triển kinh tế nông thôn bao gồm cả nông nghiệp, chăn nuôi, chế biến, dịch vụ…

* Phát huy dân chủ trong tất cả các mặt kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa để người nông dân mới tự quản lấy đời sống sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của họ. Định hình một xã hội dân sự lành mạnh và vững chắc. Các tổ chức hợp tác tự nguyện của nông dân trong các hợp tác xã do họ thành lập, các hội quần chúng như Hội nông dân do chính họ lập ra để thúc đẩy sự hợp tác cộng đồng, tương thân tương ái trong truyền thống, được phát huy lên một bước phát triển mới.

* Làng Việt Nam hiện đại đi lên từ làng tiểu nông xưa kia có khả năng chuyển đổi trong một không gian địa lý và môi trường xã hội thuận lợi, vừa phải, phù hợp với các hộ kinh tế gia đình nông thôn, các chủ trang trại mới, đảm bảo giữ gìn và xây dựng cảnh quan nông thôn gắn bó và hài hòa với thiên nhiên vùng nhiệt đới gió mùa của một đất nước bán đảo với hơn 3000km bờ biển.

* Con người Việt Nam của thời đại công nghiệp hóa, hiện đaị hóa và nền kinh tế tri thức có thể tìm được cho mình một khung cảnh sống thư giãn để lấy lại sức khỏe và cảm hứng sáng tạo sau những thời kỳ lao động căng thẳng và mệt nhọc nơi làng quê thanh bình đã làm sống lại “những con sông quê hương” trìu mến.

Những cụm vấn đề này cũng chính là những phân hệ trong hệ thống, tương tác với nhau trong hệ thống của một giải pháp tổng thể được dẫn dắt bởi một triết lý phát triển đất nước thể hiện được ý chí và nguyện vọng của nhân dân ta, trong đó, đại bộ phận là nông dân, phù hợp với điều kiện sống của con người Việt Nam, thấm đượm bản sắc văn hóa Việt Nam.


Liên hệ với người đăng tin này:
An Thu Hằng - anthuhang@agro.gov.vn

Xem tin gốc tại đây:

http://www.toquoc.gov.vn/tin-tuc/9045.ts?ccat=3



Báo cáo phân tích thị trường