Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
"Rồng xanh" thức giấc
06 | 11 | 2008
Trên hành trình Bắc - Nam, qua địa phận Bình Thuận, người ta dễ dàng nhận ra những đồng lúa quanh năm khô hạn trước đây được thay thế bằng màu xanh ngút ngàn của thanh long. Thanh long đã và đang trở thành cây mũi nhọn của tỉnh. Nhưng để nâng cao hơn nữa giá trị xuất khẩu thì Bình Thuận còn nhiều việc phải làm.
Theo thống kê, đến tháng 8/2008, diện tích trồng mới thanh long của Bình Thuận đạt 980,6ha, nâng diện tích thanh long toàn tỉnh lên 10.011,6ha. Trong đỏ, Hàm Thuận Nam có diện tích lớn nhất với 5.600ha, Hàm Thuận Bắc 3.100ha... Bình Thuận hiện có hàng chục ngàn hộ chuyên canh thanh long, nhiều hộ do tích lũy được kinh nghiệm đã nâng năng suất thanh long lên 40 - 50 tấn/ha. Nhiều gia đình từ cuộc sống nghèo khó đã có thu hàng chục thậm chí hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Nhận thấy thanh long là cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương, ông Nguyễn Văn Tám, ngụ tại thôn 1 (xã Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc) quyết định trồng 1.500 trụ. Sau mấy vụ thu hoạch có lãi, ông trồng thêm 2.000 trụ. Đến nay, tổng thu nhập từ hơn 3.000 trụ thanh long của ông lên tới 200 – 300 triệu đồng/năm. Ngoài ông Tám, hộ ông Võ Văn Xô ở xã Phong Mỹ (TP. Phan Thiết) cũng có thu nhập trên 300 triệu đồng/năm nhờ 5.000 trụ thanh long.

Hiện, thị trường chính của thanh long Bình Thuận là Hồng Kông, Đài Loan (Trung Quốc)... Đặc biệt, cuối tháng 10/2008, thanh long Bình Thuận đã chính thức có mặt tại Hoa Kỳ, một trong những thị trường khó tính nhất thế giới. Tin vui này khiến bà con vô cùng phấn khởi. Tỉnh cũng đang có kế hoạch tăng diện tích trồng mới và sản xuất thanh long sạch với quy mô tập trung để đáp ứng tốt hơn nữa cho yêu cầu xuất khẩu. Ông Nguyễn Ngọc Hai, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Thuận cho biết, với mục tiêu phát triển cây thanh long theo hướng nâng cao chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án phát triển thanh long giai đoạn 2006 - 2010, hình thành vùng nguyên liệu tập trung và đầu tư xây dựng hạ tầng (thủy lợi, giao thông...). Tháng 9/2008, tỉnh triển khai việc tập huấn cho nông dân các huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Tuy Phong và La Gi triển khai mô hình phòng trừ ruồi đục quả trên thanh long, xây dựng mô hình sản xuất thanh long theo quy trình VIETGAP; đồng thời kiểm tra quy trình sản xuất của nông dân.

Theo tính toán, nếu đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, ước tính mỗi năm Bình Thuận sẽ thu hơn 100 tỷ đồng từ thanh long. Trên thực tế, vấn đề giá cả luôn làm các nhà vườn lo lắng. Anh Đoàn Ngọc Long ở thôn Phú Sum, xã Hàm Thuận Nam cho biết: “Gia đình tôi trồng thanh long từ năm 2002. Ban đầu trồng 100 trụ, đến nay gia đình tôi đã có 3.000 trụ, tương đương 3ha, mỗi năm cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng. Gần đây, do giá vật tư và phân bón tăng cao nên dù được mùa nhưng tiền lời cũng không đáng bao nhiêu. Chúng tôi mong tỉnh sớm có chính sách hỗ trợ để bà con yên tâm sản xuất”.

Ông Phạm Tấn Khế, Phó chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh cho rằng, với diện tích thanh long như hiện nay, Bình Thuận không nên mở rộng nữa mà tập trung chiều sâu bằng việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật ở các khâu trồng mới, chăm sóc và xử lý sản phẩm nhằm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường khó tính. Cũng theo ông Khế, hiện Hội đang kết hợp cùng các cơ quan chức năng tăng cường công tác vận động bà con nông dân sản xuất theo quy trình an toàn với tiêu chí “4 không”. Bước đầu, mô hình này được bà con nông dân đồng tình ủng hộ.




Nguồn: Kinh tế nông thôn
Báo cáo phân tích thị trường