Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
DN thủy sản quay lại sân nhà
21 | 11 | 2008
Đầu ra xuất khẩu gặp nhiều khó khăn nên các doanh nghiệp thủy hải sản đang tìm cách cạnh tranh trên thị trường nội địa bằng việc đa dạng sản phẩm và giảm giá hàng hóa

Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp (DN) thủy sản đã xuất khẩu được gần 4 tỉ USD, gần đạt kế hoạch năm 2008 là 4,2 tỉ USD. Con số còn lại tuy không lớn nhưng sẽ khó đạt được kế hoạch vì các thị trường xuất khẩu đang rơi vào tình trạng gần như ngừng giao dịch do khủng hoảng kinh tế thế giới.

Ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản VN (VASEP), cho biết sức tiêu thụ trên thị trường thế giới những tháng tới, kể cả những tháng đầu năm 2009 sẽ vẫn tiếp tục yếu. Trước tình hình trên, nhiều DN thủy sản đã phải điều chỉnh giảm sản lượng hàng xuất khẩu, đồng thời tìm cách quay lại khai thác thị trường nội địa.

Giảm sản lượng vì khó đầu ra

Các đơn vị xuất khẩu thủy sản đều cho biết sản lượng xuất khẩu gần đây giảm từ 30%-40% so với những tháng trước. Giá xuất khẩu cũng đang giảm từ 10%-15%, hoặc đứng giá. Chẳng hạn, giá xuất khẩu cá tra, ba sa từ 3,2 USD-3,4 USD/kg, nay giảm còn 3 USD. Các mặt thủy sản tiêu thụ tại Nga trước đây khá tốt nay cũng giảm mạnh, kéo giá cả giảm từ 20%-30%. Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Giám đốc Công ty Kinh doanh Thủy hải sản TPHCM.

Các thị trường châu Âu, Mỹ, các nước trong khu vực Đông Nam Á đều tiêu thụ rất kém. Hiện chỉ còn thị trường Hàn Quốc là tạm ổn, thị trường Nhật vẫn nhập hàng lai rai nhưng đang trong tình trạng kiểm soát dư lượng kháng sinh 100% nên gây nhiều khó khăn cho DN. Trước đây, mỗi tháng Công ty Kinh doanh Thủy hải sản TPHCM xuất khẩu từ 3-4 container, nay chỉ còn 1-2 container...

Bà Huỳnh Thị Thanh Giang, Phó Tổng Giám đốc Agifish An Giang, cũng than các mặt hàng thủy sản xuất sang châu Âu gần đây bị mất giá đến 30%, một số khách hàng còn hủy hợp đồng nên sản lượng sản xuất của đơn vị buộc phải giảm đến 40%. Còn tại Công ty Thủy sản Seajao VN, bà Tô Thị Kim Thịnh, phó giám đốc, cho biết: Đáng lo nhất là tình hình thị trường năm 2009 vì vào thời điểm này hằng năm đã có nhiều hợp đồng ký kết cho năm sau nhưng năm nay các khách hàng quen thuộc vẫn chưa thấy động tĩnh gì...

Giảm giá để tăng mãi lực

Theo các DN thủy hải sản, trong thực tế, thời gian gần đây thị trường trong nước cũng bị giảm sút. Tuy nhiên, đây vẫn là thị trường hấp dẫn vì lâu nay nhiều DN chưa chú trọng đến thị trường này. Để tập trung cho thị trường nội địa, Agifish An Giang đang có kế hoạch đa dạng hóa sản phẩm từ cá tra, ba sa đông lạnh cho đến hàng chục mặt hàng thủy hải sản chế biến khác.

Mới đây đơn vị đầu tư tiếp hệ thống băng chuyền chế biến hiện đại dành cho thị trường nội địa, với vốn đầu tư trên 12 tỉ đồng, tự động từ khâu ra thịt phi lê, tẩm bột, chiên, làm nguội và cấp đông. Mặt hàng cá sẽ được chế biến thành nhiều sản phẩm như: tẩm bột chiên, tẩm bột xù, chả tẩm bột chiên, phi lê tẩm bột... Công ty CP Thủy đặc sản Seaspimex VN quay lại thị trường nội địa bằng việc đầu tư thêm nhà máy đóng hộp trị giá 200 tỉ đồng.

Trong những tháng cuối năm 2008 và đầu năm 2009, các sản phẩm đóng hộp của Seaspimex như ghẹ, cá ngừ, bạch tuộc, tôm, xúc xích sẽ được tung ra thị trường nội địa với số lượng lớn...

Cùng với việc tăng nguồn hàng, đa dạng sản phẩm cho thị trường nội địa, không ít DN đang tính toán lại để có thể giảm giá sản phẩm bán nội địa. Ông Nguyễn Thanh Sơn nói: Giá cá tra, ba sa hiện nay chỉ còn 13.000 đồng/kg (trong khi giá thành chăn nuôi khoảng 17.500 đồng/kg) nhưng cũng không có người mua.

Để giải quyết tình trạng tồn nuôi tại các tỉnh ở miền Tây 20.000 tấn cá tra, ba sa và hàng chục tấn cá diêu hồng công ty giảm giá các mặt hàng thực phẩm chế biến từ thủy sản 10%-20%. Nhiều DN thủy sản khác cũng đang có kế hoạch giảm giá sản phẩm cho thị trường nội địa trong những tháng cuối năm.

Tăng sản lượng hàng Tết

Ngoài việc cung ứng hàng thủy hải sản cho thị trường nội địa, hiện nay nhiều đơn vị chế biến thủy hải sản đang gia tăng sản xuất hàng phục vụ Tết. Theo ông Lê Trọng Nghĩa, Phó Giám đốc Công ty Chăn nuôi và Chế biến Thực phẩm Sài Gòn (Sagrifood), công ty đang chuẩn bị khoảng 150 tấn hàng thực phẩm chế biến (lạp xưởng, chả giò, tôm, cua, ốc...) cho thị trường Tết, tăng 10%-15% so với cùng kỳ năm ngoái. Xí nghiệp Chế biến Hàng xuất khẩu Cầu Tre cũng đã có kế hoạch sản xuất 400 tấn hàng Tết, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước với giá bán sẽ ổn định như hiện nay. Công ty Kinh doanh Thủy hải sản TPHCM cũng tăng 10% sản lượng hàng Tết, dự kiến giá giảm từ 10%-20%..



Nguồn: Người Lao Động
Báo cáo phân tích thị trường