Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cơ hội cho gạo VN vào châu Phi
26 | 11 | 2008
Nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước châu Phi rất lớn nhưng lượng gạo xuất khẩu của VN mới chỉ ở mức 12%

Lần đầu tiên trong lịch sử xuất khẩu (XK) gạo của VN, các thành viên Khối Cộng đồng Kinh tế và Tiền tệ Trung Phi (CEMAC), Liên minh Kinh tế và Tiền tệ Tây Phi (UEMOA) đến VN để gặp gỡ trực tiếp với các hiệp hội và doanh nghiệp (DN) XK gạo của ba nước VN, Lào, Campuchia tại hội nghị “Gặp gỡ giữa bên mua và bên bán” diễn ra từ ngày 25 đến 27-11 ở TPHCM. Đây là sự kiện có ý nghĩa trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu ảnh hưởng đến XK nói chung và XK gạo nói riêng, nhất là lượng gạo tồn đọng ở kho của các DN VN còn khá nhiều với khoảng 800.000 tấn, chưa kể lượng lúa gạo tồn trong dân.

Không còn mua bán qua trung gian

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang: Tính đến ngày 18-11, VN đã XK được 4,075 triệu tấn gạo, trong đó có hơn 1 triệu tấn sang châu Phi (chiếm 25,6% lượng gạo XK). Trong các mặt hàng XK sang khối CEMAC và UEMOA, gạo luôn đạt kim ngạch cao nhất (trên 70%) với 151 triệu USD (9 tháng đầu năm 2008). Song từ trước đến nay, dù là thị trường quan trọng nhưng gạo VN sang những thị trường này đều được bán thông qua các DN hoặc các tổ chức kinh tế thuộc các châu lục khác nên sự hiểu biết giữa bên mua và bên bán còn nhiều hạn chế. Ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng Thư ký Hiệp hội Lương thực VN, đánh giá: Được tiếp cận trực tiếp với đối tượng tiêu thụ gạo không những giúp hiệp hội, DN nắm được nhu cầu tiêu thụ, giá cả mà còn tác động tích cực đến nông dân, bảo đảm lợi ích hài hòa giữa người sản xuất – DN XK – người tiêu thụ.

Bà Phan Thị Thúy Truyển, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư – Thương mại – Du lịch An Giang, cho biết: Về phía các DN XK VN, do chưa hiểu tường tận về đối tác cũng như khả năng thanh toán chưa đủ độ an toàn nên XK gạo sang các thị trường này rất dè dặt. Lần này, được sự hỗ trợ của Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) cùng đại diện các khối CEMAC, UEMOA về thủ tục, nhất là khả năng thanh toán nên ngay trong tháng 12, tỉnh An Giang sẽ tổ chức một đoàn khảo sát đến Trung Phi và Tây Phi để ký hợp đồng XK. Còn bà Lệ Chi, đại diện một DN XK gạo, cũng hy vọng tìm được đối tác để XK gạo 25% tấm.

Chuyển sang nhập gạo VN

Cũng tại hội nghị này, VCCI đã ký thỏa thuận hợp tác với Phòng Thương mại, Công nghiệp và Nông nghiệp Guinea Bissau nhằm hỗ trợ DN hai bên đẩy mạnh giao thương, đặc biệt trong xuất nhập khẩu gạo. Bà Macaria Barai, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát triển và Hợp tác quốc tế khu vực Tây Phi, đánh giá cao chất lượng và giá cả cạnh tranh của gạo VN so với Thái Lan và Indonesia. Đồng thời là đại diện của Guinea Bissau, bà Macaria Barai cho biết nhu cầu tiêu thụ gạo của nước này là 140.000 tấn/năm, trong đó 50% gạo sản xuất nội địa và 50% nhập khẩu từ Thái Lan, Indonesia. Tuy nhiên, lần này, Guinea Bissau quyết định chuyển sang mua khoảng 35.000 tấn gạo VN (chiếm một nửa lượng gạo nhập khẩu) và sẽ phối hợp với một ngân hàng ở châu Phi để DN VN không phải lo lắng về tiến độ thanh toán.

Đại diện khối CEMAC cho hay nhu cầu nhập khẩu của các quốc gia như Cameroon, Congo, Cộng hòa Trung Phi... khoảng trên 500.000 tấn/năm. Tuy nhiên, hiện nay giá gạo mà các quốc gia này phải mua lên đến 800 USD/tấn vì vậy người dân phải chuyển sang tiêu thụ các loại lương thực khác thay gạo như sắn, khoai... Trong khi đó, giá gạo VN 5% - 25% tấm chỉ trên dưới 500 USD/tấn nên khối CEMAC sẽ xúc tiến mua trực tiếp gạo VN dù hiện nay, gạo VN sang châu Phi mới chỉ ở mức khiêm tốn là 12% so với tổng sản lượng gạo nhập khẩu. Đại diện khối UEMOA cũng cho rằng tiềm năng XK gạo VN sang các nước Bờ Biển Ngà, Sénégal... là rất lớn vì hầu hết sản xuất nội địa chỉ đáp ứng 10% - 50% nhu cầu tiêu thụ nên nhập khẩu gạo là chính. Theo thống kê, từ năm 1996 – 2006, 8 nước thuộc khối này nhập khẩu hơn 24 triệu tấn và từ sau năm 2006 đến nay, tốc độ đô thị hóa ngày càng cao, đồng nghĩa với việc tiêu thụ gạo càng tăng nên đây là cơ hội để VN đẩy mạnh bán gạo.



Nguồn: Báo Người Lao Động
Báo cáo phân tích thị trường