Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cà phê trong vòng xoáy trượt giá
05 | 12 | 2008
Do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính, thị trường nông sản thế giới bước vào thời kỳ khủng hoảng nghiêm trọng.
Tình hình này tác động đến nhiều mặt hàng nông sản trong nước, sau cao su đến cà phê... rớt giá thảm hại.

Riêng đối với cà phê - một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực, tháng 2/2008 giá xuất khẩu (FOB) tại Tp.HCM đã từng đạt 2.520 USD/tấn; tháng 9 giảm mạnh, xuống ở mức 2.000 USD/tấn; giữa tháng 10 giá tiếp tục giảm, còn 1.700 USD/tấn; đến tháng 11 rơi xuống tồi tệ, chỉ còn khoảng 1.480 USD/tấn.

Giá xuất khẩu đang rơi tự do

Theo ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vinacas), chưa bao giờ giá cà phê lại giảm nhanh như những tháng vừa qua. Trượt theo giá, sản lượng xuất khẩu cà phê của Việt Nam cũng sút giảm mạnh tại các thị trường trọng điểm, như: Đức, Mỹ, Italia. Chỉ nói riêng trong tháng 8/2008, sản lượng cà phê xuất khẩu vào Đức giảm trên 28%, vào Mỹ giảm 48%, vào Italia giảm 22%...

Ngoài nguyên nhân chính do tác động của khủng hoảng tài chính, giá cà phê xuất khẩu “trượt dốc không phanh” còn chịu sức ép phục hồi của đồng USD. Bên cạnh đó, nhiều quỹ đầu tư đồng loạt rút vốn ra khỏi hoạt động đầu tư nông sản, dẫn tới sự giảm cầu trên các thị trường kỳ hạn, làm giá nông sản giảm đột ngột. Việc nhiều quốc gia tăng trợ giúp nông nghiệp để đảm bảo an ninh lương thực cũng khiến nông sản mất giá, điển hình như cao su giảm 50%, cà phê giảm 32%. Hệ quả là việc làm và thu nhập của nông dân giảm theo.

Hiện nay các tỉnh Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ đã vào mùa thu hoạch cà phê vụ mới. Tỉnh Đắc Lắc - thủ phủ cà phê cả nước, với diện tích 178.196 ha, dự kiến đạt sản lượng khoảng 400.000 tấn, tăng 50.000 tấn so với vụ trước. Đến nay lượng cà phê cũ trong dân đã cạn kiệt. Giá cà phê nhân xô đầu vụ, được niêm yết tại trung tâm xúc tiến thương mại thành phố Buôn Ma Thuột ngày 4/11 là 24.200 đồng/kg. Tất nhiên đây là mưc giá “đỉnh”, nhiều hộ chỉ bán được 23.500 - 24.000 đồng/kg.

Nếu tính từ đầu năm 2008 đến nay, giá cà phê ở Tây Nguyên rơi theo nhịp “tụt - tụt dần”. Vào dịp tháng 2/2008, giá cà phê xô tại Đắc Lắc, Lâm Đồng là 40.000 - 42.000 đồng/kg, đến tháng 9 còn 34.000 - 35.000 đồng/kg; tháng 10 tụt xuống 26.000 - 27.000 đồng/kg. Hiện tại chỉ còn 24.000 - 25.000 đồng/kg.

Nếu so với giá đầu năm, 1 tấn cà phê nông dân mất 14 - 16 triệu đồng. Nhiều chuyên gia kinh tế ở Đắc Lắc còn cho rằng, với sản lượng cà phê được mùa và giá cả thảm hại như hiện nay, so với thời kỳ “hoàng kim” nông dân thiệt hại tới 64.000 tỷ đồng (tương đương 400 triệu USD). Có thể nói, trong cơn khủng hoảng tài chính nông dân là đối tượng đầu tiên bị điêu đứng.

Nông dân được mùa... trắng tay

Tỉnh Đắc Nông có 72.000 ha cà phê, dự báo sản lượng vụ này đạt tới 132.000 tấn, tăng 15.000 tấn so với vụ trước. Hiện các đại lý mua cà phê nhân xô trên thị trường chỉ với giá 23.500 - 24.000 đồng/kg. Trong khi đó, theo tính toán của bà con nông dân chi phí đầu tư cho cà phê vụ này thấp nhất cũng 25 triệu đồng/ha. Đấy là chưa kể giá thuê nhân công.

“Cấm hái cà phê xanh và hạn chế bán ồ ạt” là những biện pháp “nóng” vừa được UBND tỉnh Đăklăk và các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu cà phê khuyến cáo bà con nông dân, nhằm hạn chế tác động xấu của cuộc khủng hoảng giá cà phê hiện nay.

Tuy vậy, nhiều hộ vì chịu sức ép của nợ nần, của chi tiêu gia đình vì từ đầu vụ đã mua chịu vật tư phân bón, thuốc trừ sâu, xăng dầu của các đại lý, cửa hàng nên đã phải bán một phần cà phê vừa thu hoạch với giá rẻ. Nghịch lý là trong khi các loại chi phí về vật tư, điện, nước, công lao động... so với vụ trước giá tăng gấp đôi, ngược lại giá cà phê lại giảm phân nửa.


Nguồn: vneconomy.vn
Báo cáo phân tích thị trường