Theo nghiên cứu của tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) thì có khả năng trong thời gian tới đây, các nước giàu sẽ tiến hành mua lại một diện tích đất rất lớn trên lãnh thổ Châu Phi hạ Sahara (phần châu Phi nằm ở phía nam sa mạc Sahara) nhằm phục vụ cho mục đích khai thác nông nghiệp, sản xuất lương thực hoặc khí đốt sinh học. Ông Jacques Diouf, tổng giám đốc Tổ chức nông lương LHQ cho biết, chính phủ một số nước và nhiều doanh nghiệp phương Tây khác có thể sẽ là chủ sở hữu của hàng triệu hecta đất nông nghiệp tại các nước đang phát triển với mục đích bảo đảm lượng dự trữ lương thực cho mình về lâu dài. Sở dĩ đất nông nghiệp ở Châu Phi được lựa chọn là do giá đất ở đây rẻ, thêm vào đó điều kiện khí hậu thuận lợi cho phép có thể trồng nhiều loại vụ mùa. Ngoài ra, lực lượng lao động giá rẻ rất dễ tìm kiếm, đường xá rộng rãi nên việc chuyên chở hàng hóa bằng đường bộ hoặc đường thủy cũng dễ dàng. Tuy nhiên, ông Diouf nhấn mạnh rằng việc gia tăng các cuộc giao dịch chuyển nhượng theo cấp số nhân như vậy có thể sẽ dẫn con người tới một thời kỳ mới mà ta gọi là “tân thuộc địa” trong đó các nước giàu sẽ được “ngồi mát ăn bát vàng” với những sản phẩm lương thực được “cống nộp” bởi dân nghèo còn đói ăn của Châu Phi.
Tờ nhật báo nước Anh “The Guardian” khẳng định cơn bão giá lương thực trên quy mô toàn cầu hiện nay đã khiến nhiều nước đổ xô đến Châu Phi. Giữa tháng 11 vừa qua, tập đoàn Daewoo Logistics vừa ra thông báo về dự án mua lại 1 triệu hecta đất tại Ma-đa-ga-xca trong thời gian 99 năm. Tập đoàn Hàn Quốc này có ý định trồng tại đây 5 triệu tấn ngô mỗi năm bắt đầu từ nay cho đến năm 2023, đồng thời sản xuất dầu cọ trên diện tích 120 000 hecta với sự tham gia chủ yếu của công nhân nông nghiệp Nam Châu Phi. Và tất nhiên, sản lượng lương thực thu được trước hết sẽ dành để phục vụ cho nhu cầu của người dân Hàn Quốc.
“Xét trên một khía cạnh nào đó, đây chỉ là những dự án kinh doanh thông thường, nhưng nó lại luôn nhận được sự ủng hộ từ phía chính phủ các nước bởi nhu cầu cấp thiết trong vấn đề an ninh lương thực phải được ưu tiên hàng đầu.” – ông Carl Atkin, cố vấn công ty Bidwells Agribusiness thừa nhận. (Bidwells Agribusiness là một công ty ở Cambridge đã từng tham gia thương lượng nhiều hợp đồng mua bán đất trên quy mô quốc tế.) Các nhà cầm quyền Ma-đa-ga-xca tuyên bố sẽ chỉ bật đèn xanh cho Daewoo sau khi phía này hoàn tất nghiên cứu về những nguy cơ ảnh hưởng đối với môi trường tuy nhiên vẫn hoan nghênh khoản đầu tư trên. Tính tới thời điểm hiện nay, cuộc chuyển nhượng khổng lồ này được đánh giá là hợp đồng lớn nhất trong số những hợp đồng đất đai đã kí kết kể từ khi giá lương thực tăng cao vào cuối năm 2007.
“Đây là một hợp đồng có quy mô lớn kỉ lục từ trước tới nay trong lĩnh vực mua bán đất nông nghiệp. Trước đây, chúng ta chỉ làm quen với những hợp đồng chuyển nhượng khoảng 100 000 hecta. Lần này, diện tích đất đã lớn gấp 10 lần.” – Carl Atkin khẳng định. Tháng 6 vừa qua, Hội nghị thượng đỉnh về an ninh lương thực đã đưa ra quyết định sẽ tăng cường đầu tư và hỗ trợ phát triển cho nông dân Châu Phi để họ có khả năng chống chọi được với nguy cơ tăng giá đồng thời nâng cao sản lượng nông nghiệp địa phương. Tuy nhiên, chính phủ và doanh nghiệp nhiều nước giàu nhưng thiếu đất canh tác đã quyết định không chờ đến khi thị trường quốc tế có động thái mới mà tự mình sẽ tìm cách tiếp cận với nguồn lương thực dài hạn bằng cách mua lại đất trồng trọt của các nước nghèo.
Trước mắt, các hợp đồng mua bán đất nông nghiệp nhìn chung đều được các nước đang phát triển chào đón nhiệt tình. Trong hoàn cảnh kinh tế đất nước đang suy thoái, bộ trưởng Cải cách ruộng đất Ma-đa-ga-xca lên tiếng đảm bảo rằng số tiền thu được từ việc bán đất sẽ được dành để đầu tư cho cơ sở hạ tầng và cải thiện cuộc sống tại các vùng bị đe dọa bởi nạn đói và lụt lội. Một quốc gia Châu Phi khác là Xu-đăng cũng đang tìm cách thu hút các nhà đầu tư mua lại 900.000 hecta đất của mình. Về phía Ê-ti-ô-pi-a, thủ tướng nước này đã thương lượng được với các nhà đầu tư Ả-rập, trong khi đó nhiều khu vực rộng lớn thuộc quốc gia Tan-za-ni-a cũng đã “lọt vào mắt xanh” của một số công ty phương tây đang quan tâm đến lĩnh vực sản xuất khí đốt sinh học. “Sẽ là một điều tốt nếu như đây là một cuộc thương lượng giữa các đối tác bình đẳng.” – Ông Duncan Green giám đốc nghiên cứu của Oxfam (tổ chức phi chính phủ quốc tế chống đói nghèo và bất công) bình luận. – “Nhưng vấn đề ở đây là trong cơn sốt đất này, các hộ nông dân nhỏ lẻ lại là những đối tượng không được tính đến.”
|
Chỉ nông dân là những người phải chịu thiệt trong các hợp đồng buôn bán đất như thế này - Nguồn ảnh: thongtinphapluatdansu.files.wordpress.com
|
Theo nhận xét của Alex Evans, làm việc tại Trung tâm hợp tác quốc tế thuộc trường Đại học New York, thì “các hộ nông dân nhỏ lẻ là những người chịu thiệt hàng đầu: họ vốn không có quyền sở hữu đất đai và nay lại bị mất thêm cơ hội lao động trên chính đồng ruộng của đất nước mình. Chi tiết của các hợp đồng mua bán ruộng đất thường được giữ kín nên không thể biết liệu trong đó có những điều khoản nào đảm bảo cho đời sống của người dân địa phương hay không. Ông Steve Wiggins, chuyên gia trong lĩnh vực phát triển nông thôn thuộc Viện Phát triển Hải ngoại (Vương quốc Anh) giải thích: «Việc điều hành và quản lý lực lượng lao động là vô cùng khó khăn. Các nhà đầu tư còn có thể phải đối mặt với sự chống đối từ phía người dân địa phương. Nếu làm việc ở vị trí cố vấn về rủi ro chính trị cho các nhà đầu tư, tôi sẽ khuyên họ nên thận trọng. Bởi đất đai là một vấn đề rất nhạy cảm. Tình hình có thể diễn biến theo chiều hướng xấu nếu ta không rút ra được những bài học từ lịch sử ».