“Hiu lắm chú ơi, mưa dập liên tục thế này thì trồng gì cho nổi”, ông Nguyễn Văn Sáu (xã Tân Hưng, huyện Bình Tân, Vĩnh Long) thở dài nói. Ông Sáu trồng 1.600 dây dưa hấu giống Bảo Long cho vụ Tết. Thế nhưng, vừa vào vụ thì trời mưa liên tục làm tràn bờ bao. Trận mưa này vừa ngập, ông đắp bờ cao lên thì trận mưa khác lại ngập cao hơn. Đợi đến khi nước rút, ông bỏ giống thì cũng đã trễ ngày. Vẫn chưa yên, đến thời điểm dưa “bỏ nụ” (thụ phấn - PV), lại tiếp tục bị những trận mưa trái mùa trút xuống, làm hư nụ. Ông Sáu chua xót: “Mưa, nước ngập đọt, làm sao mà đậu trái được? Những trái đã có trước khi mưa, lớn bằng cổ tay bị ngập trong nước cũng bị sượng hết".
Trước tình cảnh đó, người trồng dưa phải đối phó bằng cách phun thêm thuốc dưỡng, thuốc ngừa bệnh, bên cạnh dùng phân, dùng lục bình, bèo... bỏ vào túi nhựa chêm dưới trái dưa để tránh úng. Cách “chữa cháy” này chỉ cứu được những quả dưa trổ trước đợt mưa, còn số dưa vào những ngày mưa thì hết cứu.
“Mưa gì ầm ầm vào mùa này, thật ác. Tôi be bờ tát nước ra để tránh dưa bị ngập, vậy mà cũng không tránh khỏi, bể bờ nước tràn lênh láng rẫy dưa”, anh Nguyễn Tấn Tài (ấp Hưng Hòa, xã Tân Hưng, huyện Tân Bình) nói. Anh Tài có 6,5 công đất, trồng 6.000 dây dưa hấu Tết. Cả ngày gia đình anh hì hục “quẹt” phấn cho dưa, đến chiều mưa phủi hết. Cũng như anh Tài, ông Phạm Văn Sáu (ấp Tân Vĩnh, xã Tân Lược, huyện Bình Tân) cho biết người trồng dưa ở đây đang nếm phải một mùa “dưa đắng”. Vụ này ông Sáu trồng 1.000 dây dưa tròn và 4.000 dây dưa dài. Ông vừa “quẹt” phấn là bị mưa cuốn trôi, ông “quẹt” đến năm, sáu lần như thế nhưng trái cũng chỉ đậu thưa thớt. Đến khi có trái được thì mưa tiếp tục làm dưa hư.
“Rẫy dưa của em, mỗi liếp 45 dây chỉ đậu được chừng chục trái”, anh Lê Toàn Định (ấp Tân Thành, xã Tân Hưng) than. Trên diện tích 4,5 công đất rẫy, Định trồng 7.000 dây dưa giống Bảo Long và Xuân Lan. Liên tục những trận mưa trút xuống làm ngập rẫy, anh bơm nước ra phun thuốc, lại mưa ngập, lại bơm nước ra phun thuốc... Định lắc đầu: “Vụ dưa năm nay cầm chắc lỗ vốn”. Năm nay, Định đã đầu tư vào rẫy dưa 20 triệu đồng.
Tình trạng này không chỉ diễn ra ở những nơi trồng dưa hấu Tết ở Vĩnh Long. Dẫn chúng tôi đến những hộ trồng dưa đang lao đao vì thời tiết, chị Trần Thị Nga, cán bộ nông nghiệp xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ), thở dài: “Bà con trồng dưa ở đây cũng gặp cảnh mưa lớn, làm dưa thụ phấn không được. Diện tích dưa bị thiệt hại ước chừng 30 - 40%”. Nhà ông Nguyễn Văn Lem (ấp 6, xã Thới Hưng, H.Cờ Đỏ) năm nay trồng 12 công dưa hấu giống Thái Lan. Người nhà của ông cho biết dưa hấu vừa bằng ngón tay, chỉ sau một trận mưa đêm, sáng ra rẫy dưa xơ xác, trái cũng không còn trên dây. Những trận mưa liên tục sau đó làm hàng loạt dây dưa của ông Lem bị “chảy mủ ở gốc, quẹo đọt”. Vợ ông Lem cho biết gia đình phải liên tục phun thuốc, bón phân, cộng với chi phí nhân công đã tốn trên 100 triệu đồng, dưa tạm thời gượng được, ước thất thu khoảng 30%. Ở gần đó, anh Lâm Văn Thành cho biết 5 công dưa hấu của gia đình anh đậu trái ít, lại còn mắc bệnh “bã trầu” rất ngặt. Để cứu rẫy dưa, anh Thành phải liên tục bón phân dưỡng. Nông dân Lê Chí Thiện thì cho biết 12 công dưa giống Thái Lan của anh chỉ còn hy vọng thu hoạch được 50%...
Tại Cà Mau, vùng trồng dưa hấu ở xã Lý Văn Lâm (TP Cà Mau) cũng đang chịu thiệt hại nghiêm trọng. Ông Phạm Văn Dương, ấp 5, xã Thạnh Điền, buồn so cho biết năm nay ông lên liếp trồng 5 công dưa hấu giống An Tiêm. Mấy ngày nay, ông vừa bón phân thì mưa lại rửa trôi, lại bón, nhưng dưa vẫn chết trên 1.000 dây. Ông Dương đã đầu tư vào rẫy dưa 18 triệu đồng, trước tình cảnh hẩm hiu thế này, ông chỉ mong đừng quá thua lỗ. Ông Hồ Văn Tân, Phó chủ tịch UBND xã Lý Văn Lâm cho biết năng suất dưa hấu của xã ước giảm khoảng 50%.
Tết đã cận kề, những nông dân trồng dưa đang đối mặt với một năm thất thu.