Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tránh tình trạng ‘được giá mất mùa’
23 | 02 | 2009
Để chấn chỉnh lại tình hình sản xuất và chế biến cá tra xuất khẩu đáp ứng tốt cho thị trường, Bộ NN&PTNT chỉ đạo tập trung thực hiện 4 nhóm giải pháp.

Theo nhận định của Bộ NN&PTNT và Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), mặc dù năm 2009 được dự báo còn có nhiều khó khăn, song mặt hàng cá tra của Việt Nam được đánh giá là vẫn có khả năng tiêu thụ tốt, bởi đây là sản phẩm cá nước ngọt duy nhất có hàm lượng Omegar3 cao hơn cá biển, lại có giá cả rất vừa “túi tiền” của người tiêu dùng trong và ngoài nước. Dự báo, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm cá tra chế biến trong năm 2009 sẽ tăng.

Tuy nhiên, tình trạng “được mùa mất giá, được giá thì mất mùa” của nghề nuôi cá tra tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn đang tiếp diễn. Trong những ngày đầu năm 2009, giá cá tra nguyên liệu bất ngờ tăng tới 16.000-17.000 đồng/kg, nhưng rất hiếm nông dân có cá tới lứa để bán.

Theo ông Vũ Văn Dũng, quyền Cục trưởng Cục Nuôi trồng thủy sản, Bộ NN&PTNT, do diện tích nuôi cá tra giảm mạnh, nên hiện tại cá đến lứa thu hoạch không còn nhiều, doanh nghiệp (DN) chế biến muốn duy trì sản xuất đã tăng giá thu mua, nhưng vẫn thiếu nguyên liệu.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, ông Vũ Văn Tám thì lo ngại: “Theo khảo sát của Bộ NN & PTNT, tại ĐBSCL đã có 30-50% ao nuôi cá tra bị bỏ trống, 20-30% DN phải giảm công suất chế biến, vì thiếu nguyên liệu. Nếu như chúng ta không có biện pháp cấp bách hỗ trợ người nuôi, khơi thông thị trường thì khó có thể hoàn thành kế hoạch sản xuất 1,2 triệu tấn cá tra trong năm 2009”.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch VASEP cũng thừa nhận, thời gian qua, một số DN vì muốn bán được hàng nên bán phá giá làm giảm giá trị sản phẩm thủy sản chế biến của Việt Nam. Để khắc phục tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, VASEP đã kiến nghị Bộ NN&PTNT tăng cường kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm khi xuất khẩu.

Một thực tế nữa cũng cần nói tới là giá thức ăn thuỷ sản có chiều hướng tăng mạnh. Theo Cục Nuôi trồng thủy sản (Bộ NN&PTNT), năm 2008, các DN sản xuất thức ăn thủy sản đã liên tục điều chỉnh giá bán tăng. Nếu như vào đầu tháng 5, giá 1kg thức ăn thủy sản chỉ khoảng 7.000 đồng/kg thì đến giữa tháng 7/2008 đã tăng lên 10.640 đồng/kg và đạt mức cao nhất 14.000 đồng/kg vào giữa tháng 8/2008.

Chi phí thức ăn tăng đã đẩy giá thành sản xuất cá nguyên liệu dao động 14.500 - 17.000 đồng/kg, nhưng giá bán cá trong cả năm 2008 chỉ đạt 13.200-17.200 đồng/kg làm cho người nuôi thua lỗ nặng.

Ông Dũng cho rằng, chi phí thức ăn chiếm đến 80% giá thành cá tra nguyên liệu. Việc hạ giá thành sản xuất thức ăn hoàn toàn có thể thực hiện được, đây cũng là giải pháp hữu hiệu giảm giá thành cho sản phẩm cá tra Việt Nam. Mặt khác, khâu sản xuất con giống có chất lượng nhằm giảm hao hụt trong quá trình nuôi cũng là giải pháp hạ giá thành sản xuất, tuy nhiên lâu nay công tác quản lý, kiểm soát hai khâu quan trọng này chưa được quan tâm đúng mức.

Theo ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, nếu các DN sản xuất thức ăn thủy sản trong nước tiếp tục trì hoãn điều chỉnh giá hợp lý thì Bộ NN- PTNT cũng cần đề xuất với Chính phủ nhập khẩu mặt hàng này nhằm bảo vệ người nuôi thủy sản.




Nguồn: cafef
Báo cáo phân tích thị trường