Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Phải chủ động thu mua hết lúa gạo hàng hóa cho nông dân
05 | 03 | 2009
Ngày 4-3, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thường trực Chính phủ đã làm việc với hai Tổng công ty lương thực miền bắc và miền nam đánh giá về nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, đặc biệt là về xuất khẩu gạo nhằm đẩy mạnh xuất khẩu, ổn định thị trường, bảo đảm an ninh lương thực và thu nhập của người dân.

Cùng làm việc có Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải; lãnh đạo các bộ, ngành chức năng.

Báo cáo Thường trực Chính phủ, Tổng Giám đốc Tổng công ty lương thực miền nam Trương Thanh Phong cho biết: Năm 2008, Tổng công ty đã bán ra hơn 2,6 triệu tấn gạo, trong đó xuất khẩu hơn 2,2 triệu tấn; sản xuất hơn 30,6 nghìn tấn thức ăn thủy sản và bán ra hơn 23 nghìn tấn sản phẩm lương thực thực phẩm chế biến... Doanh thu đạt 34,2 nghìn tỷ đồng, tăng 20% so với năm trước, trong đó lợi nhuận đạt hơn 1,4 nghìn tỷ đồng. Tổng công ty đã đưa vào khai thác bảy kho lương thực với tích lượng hơn 82,6 nghìn tấn và hai nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản. Năm 2009, Tổng công ty bảo đảm mua vào và bán ra 2,8 triệu tấn gạo, đạt doanh thu hơn 30,6 nghìn tỷ đồng... Tổng Giám đốc Tổng công ty lương thực miền nam nhận khuyết điểm trước Thường trực Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chưa chủ động can thiệp ngay tại thời điểm xảy ra sốt giá gạo trong tháng 4-2008, gây bất ổn thị trường trong nước, nhất là trong bối cảnh lạm phát trong nước tăng cao.

Tổng Giám đốc Tổng công ty lương thực miền bắc Trần Bá Hoàn cho biết: Năm 2008 đơn vị đã mua vào 2,72 triệu tấn lương thực quy thóc và bán ra 2,62 triệu tấn, trong đó xuất khẩu đạt 600 nghìn tấn. Năm 2009, Tổng công ty dự kiến sẽ mua vào 2,85 triệu tấn lương thực và bán ra 2,7 triệu tấn, trong đó xuất khẩu 720 nghìn tấn gạo...

Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao nỗ lực của hai tổng công ty trong sản xuất kinh doanh và chấp hành nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ về thu mua lúa cho nông dân, xuất khẩu có hiệu quả mang lại lợi ích cho đất nước, bảo đảm cung ứng đủ lương thực nội địa và bình ổn thị trường. Thủ tướng nhắc hai tổng công ty cần nghiêm túc rút kinh nghiệm về việc để xảy ra hiện tượng sốt giá gạo hồi cuối tháng 4-2008 và yêu cầu trong năm nay hai tổng công ty lương thực miền nam và miền bắc phải chủ động thu mua hết lúa gạo cho nông dân, bảo đảm người nông dân phải có mức lãi hợp lý. "Phải thu mua hết lúa, để nông dân có lãi thấp nhất là 30%, không làm được việc này là có khuyết điểm với dân". Việc cần làm hiện nay là phải nhanh chóng nâng cấp và đầu tư xây dựng thêm hệ thống kho chứa lương thực trong năm 2009-2010 để chủ động thu mua lúa gạo và các mặt hàng nông sản.

Thủ tướng chỉ rõ: Việt Nam hiện là một trong ba quốc gia sản xuất lúa gạo lớn và là nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai trên thế giới nhưng giá cả thấp, chưa tạo được thương hiệu và thị trường vững chắc. Việc xử lý cung ứng bảo đảm lương thực trong nước nhiều lúc lúng túng, chưa hình thành được một hệ thống liên kết từ doanh nghiệp nhà nước đến nông dân... Trên tinh thần này, Thủ tướng chỉ đạo, một trong số những nhiệm vụ cụ thể mà hai tổng công ty lương thực cần phải làm hiện nay là phải khẳng định được vị thế và thương hiệu gạo Việt Nam, tạo một hệ thống thị trường vững chắc trên thị trường gạo thế giới, vừa bảo đảm an ninh lương thực vừa xuất khẩu và cải thiện đời sống cho nông dân. Hai đơn vị cần tiếp tục thu mua hết lúa cho nông dân ngay đầu vụ với giá cả hợp lý, xuất khẩu có hiệu quả, cung ứng, mở rộng hệ thống bán, đa dạng hóa sản xuất.

Căn cứ vào giá xuất khẩu trong nước và giá thành từng vụ, Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khảo sát, xây dựng giá thành từng vụ để nông dân có lãi, nếu lỗ Nhà nước bù, nếu giá cao sẽ tiến tới lập quỹ bình ổn. Trong việc này, hai tổng công ty phải đóng vai trò chủ lực, phải thu mua hết lúa hàng hóa cho nông dân, dứt khoát không để lặp lại câu chuyện người trồng lúa thu nhập bấp bênh. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Công thương cần nghiên cứu thêm về những vấn đề mang tầm chiến lược, như chủ động nghiên cứu thị trường, định hướng cho người dân sản xuất ra các sản phẩm phù hợp xu thế và nhu cầu của thị trường, bảo đảm đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp nói chung và lúa gạo nói riêng. Ngân hàng Phát triển Việt Nam bảo đảm đủ vốn (khoảng ba nghìn tỷ đồng) để hai tổng công ty xây dựng kho chứa lương thực, đồng thời phát huy các chợ đầu mối thu mua lương thực, cảng tiêu thụ... tiết kiệm chi phí, mua lúa cho nông dân với giá cao.

Thủ tướng đề nghị Hiệp hội Lương thực Việt Nam và hai tổng công ty cần chủ động nguồn hàng và thâm nhập thị trường, trong đó chú trọng xây dựng thương hiệu, bảo đảm bình ổn giá cả an toàn lương thực trong nước trong bất kỳ tình huống nào, xây dựng thị trường và từng bước xây dựng hệ thống siêu thị lương thực, thực phẩm ở các địa phương phục vụ nhu cầu của nhân dân. Tổng công ty cần chú trọng phấn đấu trở thành Tập đoàn mạnh về kinh doanh lương thực thực phẩm, cạnh tranh của khu vực và thế giới.

Tại cuộc họp, Thường trực Chính phủ và đại diện các bộ, ngành liên quan đều đánh giá cao những cố gắng của hai Tổng công ty lương thực miền nam và miền bắc thời gian qua, đồng tình với việc hỗ trợ vốn để thu mua lúa gạo cho nông dân cũng như xây dựng hệ thống kho trữ lúa gạo theo kiến nghị của hai đơn vị này. Các bộ, ngành cho rằng, là hai đơn vị chủ lực trong chế biến và kinh doanh lương thực, do vậy hai tổng công ty phải chiếm 70% thị phần xuất khẩu gạo và 60% thị trường bán xỉ, giữ bình ổn giá trong nước và bảo đảm an ninh lương thực... Theo kế hoạch, sáu tháng đầu năm 2009, cả nước sẽ xuất khẩu 3,4-3,5 triệu tấn và cả năm phấn đấu xuất khẩu 5 triệu tấn gạo.



Nguồn: www.nhandan.org.vn
Báo cáo phân tích thị trường