Ngày 6-3, tại TPHCM, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức hội nghị đánh giá hiện trạng và bàn giải pháp phát triển cây điều Việt Nam dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bùi Bá Bổng. Hội nghị còn có mặt gần như đầy đủ các thành phần tham gia vào quy trình từ cây giống tới xuất khẩu nhân điều.
90% hộ bỏ mặc cây điều
Theo khảo sát của Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ (trụ sở tại Bình Định) thì nông dân ở các tỉnh miền Trung, một trong 3 vùng trồng điều chính của Việt Nam, không chú trọng nhiều đến cây điều. Những con số điều tra mà viện này đưa ra cho thấy chỉ có 7,3% số hộ nông dân trồng điều có bón phân cho cây điều, còn lại bỏ mặc cho … tự nhiên.
Cây điều, dù có thể xem là cây lâm nghiệp, trồng như trồng rừng, nhưng lại hay vướng lắm sâu bệnh hại, vậy mà chỉ cao nhất có 10% số hộ trồng điều có chút quan tâm tới phòng trừ sâu hại, khi có sâu thì phun thuốc, còn lại 90% bỏ mặc.
Một vị chuyên gia đến từ viện vừa nêu, sau khi trình bày các kết quả khảo sát, đã khẳng định: “Nông dân gần như chẳng hề xem trọng cây điều, so với các cây trồng khác”.
Ông Hoàng Quốc Tuấn, Phân viện trưởng Phân viện Quy hoạch và thiết kế nông nghiệp, cơ quan đang đảm nhận việc quy hoạch ngành điều Việt Nam, cho biết diện tích trồng điều cả nước hiện nay còn 421.000 héc ta, chỉ chiếm 4,6% đất nông nghiệp, nhưng lại đóng góp 10% kim ngạch xuất khẩu nông sản cả nước.
Điều đó chứng minh phần nào vị trí quan trọng của cây điều trong xuất khẩu nông sản. Về mặt xã hội, nó càng quan trọng hơn khi có tới 450.000 hộ nông dân trồng điều. Dù sao thì cây điều cũng mang lại thu nhập cho hơn 1 triệu nông dân, chưa kể hơn 600.000 lao động làm việc trực tiếp trong các nhà máy chế biến điều hoặc các dịch vụ liên quan.
Tuy cây điều tạo ra giá trị sản xuất hơn 5.000 tỉ đồng mỗi năm nhưng ông Tuấn nhận định: “có tới sáu “nhà” trong chuỗi ngành hàng cây điều, từ nhà nước, nhà nông, nhà khoa học… nhưng hầu như chẳng “nhà nào” coi trọng cây điều”.
Ngay cả nông dân, người trực tiếp trồng điều, cũng còn xem cây điều là loại cây trồng mà đất nào chẳng trồng được gì thì mới… trồng điều. Nhà nước thì xem cây điều như là cây xóa đói giảm nghèo, dùng để phủ xanh đất trống đồi núi trọc hơn là cây công nghiệp cho sản phẩm xuất khẩu; do vậy mà 7 dự án lớn của Chính phủ, dùng vốn ngân sách để phát triển ngành điều thì các năm qua chưa một dự án nào được triển khai.
Liên kết để phát triển bền vững
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Bá Bổng cho rằng, vấn đề quan trọng của ngành điều hiện nay là liên kết từ nông dân, nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp để “canh tân” lại ngành điều, tăng giá trị cho hạt điều Việt Nam mà đầu tiên là làm sao sản xuất bền vững trong cả chuỗi ngành hàng hạt điều.
Vùng sản xuất ổn định, nông dân trồng điều đi vào hướng thâm canh, năng suất cao, được ông Bổng cho là tốt hơn nhiều nếu so với việc chạy theo con số 400.000 hay 450.000 héc ta trồng điều.
“Nếu diện tích trồng điều Việt Nam chỉ còn 300.000 héc ta mà có giống mới, biết ứng dụng khoa học, cho năng suất 1,5 tấn/héc ta vẫn tốt hơn, có ý nghĩa hơn là 420.000 héc ta hiện nay mà năng suất chỉ có 1 tấn/héc ta, thậm chí chỉ có nửa tấn”, ông nói tại hội nghị.
Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Cục phó Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích trồng điều năm ngoái giảm 15.500 héc ta xuống còn 421.498 héc ta và năm nay có xu hướng giảm thêm, khi xuất hiện hiện tượng nông dân bắt đầu chặt bỏ vườn điều để trồng cao su hay các cây trồng khác có giá trị cao hơn. Ngay cả các vườn điều được cơ quan khuyến nông địa phương đầu tư bằng giống điều cao sản, xem như mô hình điểm, vẫn bị nông dân chặt bỏ không thương tiếc.
Một đại diện Hội Nông dân của một tỉnh ở vùng Đông nam bộ, vùng trồng điều chiếm hơn 50% sản lượng hạt điều của Việt Nam, qua khảo sát thực tế từ nông dân, phản ánh rằng với năng suất bình quân 1 tấn/héc ta, giá nông dân bán điều thô 17.000 đồng thì 1 héc ta điều chỉ cho doanh thu 17 triệu đồng/héc ta/năm.
“Nếu trừ chi phí sản xuất khoảng 7 triệu đồng thì thu nhập cho nông dân chỉ còn 10 triệu đồng/héc ta mỗi năm, mức thu nhập quá thấp so với nhiều cây trồng khác hiện nay ở Đông Nam bộ như cao su, tiêu hay cà phê”, đại diện hội nông dân bức xúc.
Do vậy nên Cục Trồng trọt cho biết ngành điều Việt Nam đã phát triển hàng chục năm nay nhưng diện tích trồng giống mới có năng suất cao chỉ chiếm có 15 - 25%, bởi nông dân ngại (hoặc không có tiền) đầu tư giống mới, bỏ mặc vườn điều của mình “tới đâu hay tới đó”.
Các cây trồng khác thì hàng năm Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có quyết định công nhận giống để đưa vào sản xuất, ngành điều thì bộ chưa từng công nhận giống nào.
Các giống được xem là mới, có năng suất cao hiện nay là điều ghép từ sự “mày mò” của chính các cơ quan khoa học. Chính vì vậy nên mới có chuyện nông dân mua giống điều nói là cao sản của Thái Lan, trồng ra nhiều trái nhưng nhân điều thì quá nhỏ, tệ hại hơn là chẳng có nhân, càng làm nông dân e ngại đầu tư ngay cả khâu đầu tiên và đơn giản nhất là giống.
Chính vì những yếu tố này đã phần nào làm cho các doanh nghiệp chế biến phải phụ thuộc 40% nguyên liệu vào nguồn nhập khẩu. Như năm ngoái, hơn 200 nhà máy chế biến điều trong nước chế biến 670.000 tấn điều thô cho ra 167.000 tấn nhân xuất khẩu được 920 triệu đô la Mỹ thì mua trong nước 350.000 tấn điều thô, còn lại phải nhập khẩu.
Đây cũng là lý do mà nhà máy nào có vốn khá, có kho tốt thì hoạt động hết công suất, phần các nhà máy nhỏ, chỉ hoạt động 45 - 70% công suất vì thiếu nguyên liệu trong khi trừ 38 nhà máy có công suất lớn, xuất khẩu 5 triệu đô la Mỹ/nhà máy mỗi năm, còn lại đều là nhà máy nhỏ.
“Mất cân đối trầm trọng giữa nguyên liệu và công suất chế biến của các nhà máy”, ông Hòa nhận xét. Còn ông Thanh, đại diện doanh nghiệp thì cho biết, càng mất cân đối, mối liên kết với nông dân càng lỏng lẻo, khi mà các doanh nghiệp nhỏ khi có lãi thì đổ xô mua điều thô về cho chế biến theo từng “phi vụ”, còn không thì không mua nên càng làm cho giá điều thô trên thị trường bấp bênh, lúc cao lúc thấp khiến nông dân càng chẳng yên tâm đầu tư, thâm canh.
Cũng vì có quá nhiều cái vòng luẩn quẩn trong ngành điều nên thứ trưởng Bổng cho biết sau hội nghị này, các cơ quan trực thuộc bộ sẽ phối hợp với hội nông dân, hiệp hội điều và các doanh nghiệp chọn ra một vài mũi nhọn ưu tiên, như khâu giống, quy hoạch, xúc tiến thương mại… để dần phá vỡ thế bế tắc trong ngành điều.
Ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Vinacas cho biết, ngay cả việc hỗ trợ lãi suất trong chính sách kích cầu của Chính phủ thì các nhà máy chế biến điều vẫn thiệt thòi.
Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nông thôn, các nhà máy chế biến điều, phần lớn còn thủ công nên dù là doanh nghiệp nhỏ vẫn dùng nhiều lao động, thế là nhà máy có trên 500 công nhân thì không tính là doanh nghiệp nhỏ và vừa, không được bảo lãnh vay vốn kích cầu của Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Trong khi nhà máy điều có cả ngàn công nhân thì vẫn là doanh nghiệp nhỏ.