Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Dự án 5 triệu ha rừng và bài toán kinh tế
07 | 07 | 2007
Dự án 661 (trồng mới 5 triệu ha rừng) vừa được các nhà quản lý và các địa phương xem xét ở một góc độ mới: Phát triển rừng kinh tế gỗ lớn.

Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Nguyễn Ngọc Bình cho biết: Trong 6 tháng đầu năm nay, cả nước chỉ trồng được 26.423ha rừng sản xuất, bằng 25% kế hoạch cả năm. Trong khi đó, cùng thời gian này, diện tích rừng phòng hộ và rừng đặc dụng đã hoàn thành đến 43,9% (31.839ha/74.230ha). Đáng quan tâm là tình hình “xem nhẹ” việc trồng rừng sản xuất không chỉ diễn ra mới đây...

Rừng nguyên liệu công nghiệp: kinh tế nhỏ, kém hiệu quả

Hiện nay, đối với đất lâm nghiệp, Nhà nước ta đã phân chia thành 3 loại rừng: đặc dụng, phòng hộ và sản xuất (kinh tế).

Theo số liệu thống kê, từ 1998 đến nay, cả nước đã trồng được 516.629ha rừng sản xuất theo chương trình dự án 661 (chương trình 5 triệu ha rừng). Tuy nhiên, diện tích này chủ yếu chỉ là rừng nguyên liệu công nghiệp với 2 loại cây trồng chính là keo và bạch đàn mô hom, có chu kỳ sản xuất chỉ 5 – 7 năm. Với loại rừng này, tuy mặt lợi là vốn đầu tư thấp và chu kỳ sản xuất ngắn, nhưng giá trị kinh tế tính trên cùng một đơn vị diện tích thì thấp hơn nhiều so với trồng rừng kinh tế bằng các loại cây gỗ lớn. Cụ thể, 1ha rừng nguyên liệu công nghiệp có tổng vốn đầu tư chỉ 7 – 9 triệu đồng và chu kỳ sản xuất chỉ 5 – 7 năm, nhưng sau khi trừ mọi chi phí chỉ thu lãi khoảng 4 – 6 triệu đồng. Nói cách khác, đây chỉ mới là dạng rừng kinh tế… nhỏ!

Bên cạnh đó, do chu kỳ kinh doanh ngắn (5 – 7 năm) nên đất đai không đủ thời gian để tái phục hồi. Do vậy, thực chất của việc trồng rừng nguyên liệu công nghiệp là sự "bóc lột" đất một cách… tinh vi và sẽ ảnh hưởng không tốt đến vấn đề môi trường sinh thái, nếu như không có các giải pháp xử lý đất một cách thích hợp và cần thiết. Chưa kể, diện tích đất đai tính bình quân đầu người của VN được xếp vào hàng thấp nhất thế giới và lại phân bổ khá manh mún.

Rừng kinh doanh gỗ lớn: Tại sao không?

Một nhà kinh tế lâm nghiệp đưa ra phép tính: Cùng một loại cây lâm nghiệp là keo lá trám, nếu được trồng kinh doanh rừng gỗ lớn thì lợi ích kinh tế cao hơn nhiều so với trồng rừng nguyên liệu công nghiệp. Thực tế hiện nay, 1m3 keo lá tràm nguyên liệu giấy (đường kính dưới 30cm) chỉ bán với giá cao nhất là 300.000 đồng, nhưng nếu để lại, tiếp tục dưỡng cho đường kính từ 30cm trở lên, thì các cơ sở chế biến gỗ sẵn sàng mua với giá 1,2 – 1,5 triệu đồng/m3. Như vậy, cứ 1ha rừng keo lá tràm nếu được kinh doanh rừng gỗ lớn (12 đến 15 năm) thì với năng suất 10m3/ha, chúng ta thu được 12 – 15 triệu đồng; đó là chưa kể sản phẩm tỉa thưa và luỗng cành trước đó. Tất nhiên, đó chỉ mới là loại cây rừng có giá trị kinh tế thấp là keo lá tràm; nếu trồng rừng kinh tế cây rừng gỗ lớn đối với các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn như lim, gõ, sao…, thì hiệu quả kinh tế mang lại chắc chắn cao hơn gấp nhiều lần.

Cũng trong trồng rừng kinh tế gỗ lớn, một vấn đề khác không kém phần quan trọng: lợi nhuận thu từ sản phẩm phụ. Trước đây, trong trồng rừng, những sản phẩm ngoài gỗ được gọi là lâm sản phụ. Nhưng giờ đây, quan niệm này đã được thay đổi, bởi giá trị kinh tế của những sản phẩm ngoài gỗ mang lại là không nhỏ. Hiện nay, những sản phẩm ngoài gỗ đang được xã hội đặc biệt chú ý do nhu cầu sử dụng ngày càng cao như: song mây, tre, măng, thảo quả, ba kích, hồi, quế, trám, dẻ, trôm, ươi… đã trở thành những đặc sản từ rừng. Một ví dụ về cây trám (lấy quả): với mật độ 200 cây/ha thì hàng năm, nguồn lợi thu về từ nguồn lâm sản “phụ” này không dưới 40 triệu đồng (mỗi cây trám cho năng suất 100kg quả và mỗi kg bán được 2.000 đồng theo thời giá hiện nay). “Với cây đặc sản (lâm sản “phụ”), hình thức trồng xen dưới tán rừng gỗ lớn hoặc trồng chuyên canh tùy theo giống, vừa tiết kiệm được đất và vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao là một bài toán trồng rừng cần phải tính đến” – một cán bộ Cục Lâm nghiệp đã nói.

Mặt khác, theo những kết quả nghiên cứu gần đây, nếu chọn những loại cây trồng thích hợp thì chu kỳ kinh doanh gỗ lớn ở VN chỉ trong vòng 20 – 25 năm; trong khi ở nhiều quốc gia, chu kỳ này lên đến 50 – 60 năm, thậm chí đến 100 năm. Xét về yếu tố thị trường gỗ lớn hiện nay của cả VN lẫn thế giới thì cung luôn luôn không đáp ứng cầu là một lợi thế khác của trồng rừng kinh tế gỗ lớn. Riêng tại VN, một số liệu thống kê gần đây cho thấy, có đến 90% lượng gỗ đưa vào chế biến hàng mộc và hàng thủ công mỹ nghệ phải nhập khẩu. Nói điều này để thấy rằng, ngay thị trường trong nước cũng đã cho phép chúng ta tính đến việc trồng rừng kinh tế gỗ lớn với diện tích cao gấp nhiều lần so với hiện nay.

Trở ngại lớn nhất đối với kinh doanh rừng gỗ lớn hiện nay ở VN là gì? Theo các chuyên gia về kinh tế lâm nghiệp, đó là chu kỳ sản xuất của rừng kinh tế gỗ lớn khá dài, trong khi đồng vốn của người trồng rừng (đặc biệt là đối tượng nông dân) thì xem ra lại quá “ngắn”! Song, trở ngại này sẽ được khắc phục, nếu như Nhà nước có những chính sách hợp lý về vay vốn dành cho việc kinh doanh rừng kinh tế, đặc biệt là kinh doanh rừng gỗ lớn.

  • Bài và ảnh: Anh Vũ



Báo cáo phân tích thị trường