Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cây khoai tây trên đồng đất Lạng Sơn
06 | 05 | 2009
Sau nhiều năm được nông dân tích cực đưa vào cơ cấu giống, đến nay, khoai tây bắt đầu trở thành cây trồng chính trong vụ đông xuân đối với bà con các dân tộc trong tỉnh Lạng Sơn. Năm nay, diện tích trồng khoai tây trên địa bàn tỉnh đạt 2.400 ha, tăng 24% so với năm trước...

Những ngày tháng tư, tiết trời ấm dần lên. Tại những cánh đồng ở thôn Nà Hán, Tân Liên (Cao Lộc), nông dân hối hả thu hoạch khoai tây. Những túp lều được dựng tạm trên cánh đồng, để che mưa, khoai được đưa vào lều rồi đóng vào các bao tải, mỗi bao trung bình khoảng 30 kg, chờ chuyển bằng xe máy, hoặc gánh đưa về trung tâm thôn, nơi có các xe công nông chờ sẵn để vượt qua sông Kỳ Cùng đưa về các điểm đại lý thu mua. Anh Hoàng Văn Giang, Trưởng thôn Nà Hán nói: Thôn có 128 hộ, thì hơn 98% số hộ trồng khoai, với tổng diện tích hơn 24 ha, cho thu hoạch hơn 200 tấn, trung bình mỗi sào đạt 300 kg. Hộ anh Dương Văn Sơn, trồng hơn một mẫu, cho thu hoạch hơn ba tấn. Năm nay bà con rất vui mừng được Viện Sinh học, Trường đại học Nông nghiệp I Hà Nội cung cấp giống mới Atlantic, lại bao tiêu sản phẩm, giá 3.400 đồng/kg. Nhiều hộ trừ chi phí, giống, phân bón, thuốc trừ sâu... một sào cũng lãi gần một triệu đồng. Ðây là số tiền lớn đối với bà con nông thôn miền núi. Vì hằng năm khi vào mùa đông, thời tiết khí hậu khắc nghiệt, nhiều hộ gia đình bỏ đất ruộng trống, vì không trồng được cây gì, nhưng cây khoai tây lại rất thích hợp. Cây khoai tây chỉ trồng từ 90 đến 100 ngày là đã cho thu hoạch... Sau đó lại tiếp tục trồng được lúa vụ xuân, hoặc ngô...


Dọc con đường 4B, đoạn khu chợ Bản Ngà, Gia Cát, nhiều xe ô-tô tải ở các tỉnh phía nam lên thu gom khoai tây của bà con. Anh Lương Văn Hưng, chuyên viên ở Viện Sinh học, Trường đại học Nông nghiệp I Hà Nội, hồ hởi cho biết: Vụ đông năm vừa rồi, Viện đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho bà con các dân tộc thuộc hai xã Gia Cát và Tân Liên (Cao Lộc), với tổng diện tích hơn 100 ha. Với phương thức hợp tác là Viện cung ứng giống, thuốc trừ sâu, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con. Sau khi thu hoạch bà con bán sản phẩm cho Viện với giá 3.400 đồng/kg, (nếu bán ra ngoài thị trường thì chỉ được khoảng 2.500 đồng). Sau trừ chi phí, giống, thuốc..., một sào còn lãi hơn một triệu đồng, cho nên bà con rất phấn khởi, toàn bộ sản phẩm thu hoạch được bà con đều bán cho đơn vị và số sản phẩm này một phần sẽ lựa chọn làm giống và cung cấp cho các nhà máy chế biến ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương...


Vụ đông xuân 2008-2009, các địa phương của tỉnh Lạng Sơn trồng khoai tây gặp thời tiết không thuận lợi (nhiệt độ tăng so với mọi năm, độ ẩm không khí cao, ban ngày nắng hanh, khô hạn kéo dài...) cho nên nhiều nơi khoai tây bị nhiễm bệnh mốc sương. Mặt khác, do bà con nông dân chưa chú trọng đến kỹ thuật chăm sóc... cho nên đã ảnh hưởng lớn đến năng suất. Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năng suất trung bình chỉ đạt từ 300 đến 600 kg/sào, giảm từ 100 đến 200 kg/sào so với cùng kỳ. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nông Ngọc Tăng khẳng định, sau nhiều năm chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đến nay, cây khoai tây bắt đầu trở thành cây chủ lực trong cây trồng vụ đông xuân. Nhiều huyện như Lộc Bình, Cao Lộc, Tràng Ðịnh... phát triển mạnh cây khoai tây. Sau khi thu hoạch khoai tây, bà con lại tiếp tục gieo trồng cây vụ xuân như: ngô, lúa và các loại cây rau màu khác. Như vậy, nhiều địa phương trước đây chỉ cấy hai vụ lúa xuân và mùa, nay trồng thêm cây khoai tây (với cơ cấu là lúa xuân + lúa mùa + khoai tây; hoặc dưa hấu + ngô + lúa mùa) đạt hiệu quả hơn 50 triệu đồng/ha. Nổi bật như xã Ðồng Bục, Xuân Lễ, Xuân Mãn... (Lộc Bình), nhiều hộ nông dân đã có cuộc sống ổn định nhờ chuyển dịch các loại cây trồng phù hợp, đem lại hiệu quả kinh tế cao, tăng hệ số sử dụng đất, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho nhiều hộ nông dân. Thấy được triển vọng của cây khoai tây, hơn hai năm qua, Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lạng Sơn) đã nghiên cứu đưa vào ứng dụng các loại giống khoai tây mới như Atlantic, Diamant, Salara... thay các loại giống cũ. Ðể chủ động giống khoai tây và bảo đảm chất lượng, không phải mua các loại giống trôi nổi trên thị trường, tỉnh cũng đã xây dựng ba kho đông lạnh bảo quản giống sau thu hoạch, có sức chứa hàng trăm tấn. Rồi đây, cây khoai tây sẽ là một trong những cây trồng chính trong vụ đông xuân ở Lạng Sơn.



Nguồn: www.nhandan.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường