Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Kiên Giang trúng đậm vụ tôm sú
19 | 06 | 2009
Hiện nay, ở Kiên Giang hầu hết diện tích nuôi tôm theo hình thức tôm-lúa đang bước vào vụ thu hoạch rộ. Khác với không khí ảm đạm của vụ tôm năm 2008, vụ tôm năm nay hầu hết các hộ thả nuôi đều thu hoạch trúng mùa, bán được giá.

Tôm, cua đều trúng

 Về vùng U Minh Thượng (bốn huyện: An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận, U Minh Thượng) trong những ngày này, không khí vui tươi, phấn khởi tràn ngập khắp nơi. Tôi chọn An Minh, huyện có diện tích thả nuôi tôm lớn nhất tỉnh làm điểm đến. Biết được ý định của tôi, đồng chí Phạm Văn Hùng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy An Minh vừa cho biết tình hình, vừa điện thoại cho Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện chuẩn bị số liệu cung cấp. Đồng chí Phạm Văn Hùng phấn khởi nói: “Vụ tôm năm nay, không chỉ huyện An Minh mà hầu hết diện tích thả nuôi tôm trong vùng U Minh Thượng đều trúng mùa, trúng giá. Nông dân phấn khởi lắm, vì gỡ gạc được “vụ tôm buồn” năm 2008”!

Đến thời điểm hiện tại, huyện An Minh đã thả nuôi tôm được 31.880ha, đạt 99,37% kế hoạch và đã có gần 22.000ha đã và đang thu hoạch, năng suất bình quân đạt 226kg/ha. Trong số này có trên 12.000ha, nông dân thả nuôi trước lịch thời vụ đã thu hoạch dứt điểm và thả nuôi lại, tôm đang giai đoạn 60-70 ngày tuổi. Bên cạnh đó, An Minh có trên 20.000ha thả nuôi cua biển xen trong vuông nuôi tôm, diện tích đã thu hoạch đạt trên 13.000ha, năng suất 96kg/ha.

Trên chiếc vỏ lãi composite, tôi cùng đồng chí Nguyễn Văn Cấp, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện An Minh và người lái vỏ xuôi về vùng Vân Khánh - Kim Quy. Vừa rẽ vào kênh Chợ, tôi ngạc nhiên trước cảnh tấp nập xuồng ghe đậu chật kín một khúc kênh. Trên bờ, nhộn nhịp cảnh mua bán của hơn 30 cơ sở bán tôm giống, thức ăn và thu mua hàng thủy sản nối nhau chạy dài cả ki-lô-mét. “Giờ này đã thưa rồi đấy, đông nhất là lúc hừng đông. Hơn một tháng qua khu vực này như một chợ nổi mua bán tôm, cua” - đồng chí Cấp nói. Trên đường vào xã Vân Khánh Tây, cứ thỉnh thoảng chúng tôi bắt gặp cảnh cân tôm, cua ngay dưới bến sông và thỉnh thoảng lại có một chiếc vỏ lãi khẳm hàng chạy ngược về phía chúng tôi. Vân Khánh Tây là xã đã chuyển dịch hết 100% diện tích lúa hai vụ kém năng suất sang sản xuất một vụ lúa, một vụ tôm. Hiện toàn xã có 2.170ha nuôi tôm, trong đó gần 2.000ha nuôi xen cua biển.

Chúng tôi dừng lại cơ sở bán vật tư nuôi trồng thủy sản Năm Hắc của ông Lâm Văn Hắc, ấp Cây Gõ, xã Vân Khánh Tây. Ông Năm Hắc là người nổi tiếng trong xã vì nuôi tôm chưa từng thất bại. Đã có thâm niên 6 năm trong nghề nuôi tôm, mặc dù những năm đầu chưa có kinh nghiệm nhưng ông Hắc chưa phải lỗ vụ nào. 4 năm gần đây, với 2ha đất, mỗi năm gia đình ông thu lãi từ vụ tôm 80-120 triệu đồng, vụ lúa cũng đạt 4 tấn/ha.

Năm Hắc phấn khởi nói: “Từ đầu vụ đến nay, tôi đã thu hoạch 2 đợt trên 100 triệu đồng, năm nay cầm chắc cũng lãi trên 100 triệu”. Theo ông Năm Hắc, năm nay do thời tiết thuận lợi, nông dân áp dụng triệt để lịch thời vụ nên nhà nào cũng trúng lớn. Vả lại hiện giá tôm loại 40 con/kg thương lái đang mua 90.000 đồng/kg, cao hơn cả giá tôm loại 30 con/kg năm ngoái; còn tôm loại 30 con/kg hiện có giá 115.000 đồng/kg. Làm ăn khấm khá, 2 năm nay, ông Năm Hắc đã mở đại lý bán vật tư nuôi trồng thủy sản vừa phục vụ cho bà con trong xã, vừa tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho các thành viên trong gia đình.

Cùng tâm trạng nhưng ông Năm Nước - Nguyễn Văn Nước ở ấp Kim Quy A, xã Vân Khánh Tây còn vui hơn vì với 2,5ha vuông từ đầu vụ đến nay ông đã thu hoạch được trên 120 triệu đồng cả tôm lẫn cua. Ông Năm Nước cho biết: “Vụ này gia đình tôi và các con của tôi đều trúng cả. Tôm thì đã thu hoạch gần dứt, còn cua mỗi ngày cũng chạy vài chục ký. Hiện giá cua gạch chỉ còn hơn 200.000 đồng/kg, nếu giá cua được như đầu vụ tôi còn lãi hơn nhiều”.

Nhờ tập trung chỉ đạo

Đồng chí Nguyễn Ngọc Phượng, Phó Giám đốc Sở NN- PTNT tỉnh Kiên Giang cho biết, theo kế hoạch toàn tỉnh sẽ thả nuôi 85.000ha tôm, chủ yếu là tôm sú và đến ngày 15-6, Kiên Giang đã thả nuôi 76.884ha, đạt 90,45% kế hoạch; trong đó 691ha/1.500ha nuôi tôm công nghiệp-bán công nghiệp; 10.603ha tôm quảng canh và 65.590ha nuôi tôm - lúa.

Năm ngoái, nông dân Kiên Giang thả nuôi 81.255ha tôm sú thì đã có trên 40.000ha, chủ yếu tập trung ở các huyện vùng U Minh Thượng bị dịch bệnh thiệt hại hoàn toàn. Nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư thả lại lần hai, lần ba nhưng cuối cùng cũng không đạt hiệu quả. Lần này rút kinh nghiệm, nên ngay từ đầu năm 2009, UBND tỉnh Kiên Giang đã quyết tâm siết chặt lịch thời vụ và nguồn con giống nhập vào tỉnh. Không những vậy, các huyện còn có công văn chỉ đạo các xã và vận động trong cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân thực hiện nghiêm lịch thời vụ.

Theo đồng chí Phạm Văn Hùng, năm 2008, huyện An Minh có gần 20.000ha bị thiệt hại, nhiều hộ nông dân trắng tay, nợ nần chồng chất. Nguyên nhân tôm chết được xác định là do thời tiết mưa nắng thất thường và nông dân thả nuôi không theo lịch thời vụ. Năm nay, ngay từ đầu năm, Huyện ủy có Công văn số 404 chỉ đạo sản xuất vụ tôm lúa, trong đó giao cho từng đồng chí trong Ban chấp hành, Bí thư các chi đảng ủy trực thuộc, lãnh đạo phòng, ban, đoàn thể vận động nhân dân tổ chức thực hiện đúng lịch thời vụ; đồng chời chỉ đạo cán bộ, đảng viên nghiêm túc thực hiện.

UBND huyện còn ra Thông báo số 03 chỉ đạo sản xuất vụ tôm-lúa, việc này trước nay do Phòng NN&PTNT làm. Bên cạnh đó, huyện An Minh có nguồn sản xuất con giống tại chỗ nên chất lượng và vấn đề thích nghi với môi trường được đảm bảo.

Theo một số nông dân có kinh nghiệm nuôi tôm ở An Minh như Năm Hắc, Năm Nước, Danh Thìn xã Vân Khánh Tây hay Út Hòa xã Đông Hòa, Ba Tần xã Thuận Hòa... thành công của việc nuôi tôm phụ thuộc rất nhiều điều kiện nhưng 3 yếu tố quan trọng nhất là: thời tiết (nuôi đúng lịch), cải tạo vuông nuôi và chất lượng con giống. Và 3 yếu tố này vụ tôm năm 2009 nông dân Kiên Giang đều làm rất tốt.



Nguồn: www.nhandan.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường