Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cá tra Việt Nam đối diện nguy cơ bị kiện bán phá giá
11 | 06 | 2009
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lương Lê Phương cảnh báo mặt hàng cá tra xuất khẩu vẫn có nguy cơ bị kiện bán phá giá ở châu Âu trong buổi họp toàn thể của Hiệp hội Chế biến thủy sản Việt Nam (VASEP) ngày 10-6 tại TPHCM, nhân dịp kỷ niệm 11 năm ngày thành lập VASEP. Nếu điều này xảy ra (như xảy ra ở Mỹ trước đây) thì đó là “vết xe đổ” cho thấy các doanh nghiệp vẫn chưa rút ra được kinh nghiệm từ bài học trước đó.
Lo giảm giá vì Hội chợ Vietfish!

5 tháng đầu năm 2009, lần đầu tiên trong 10 năm qua việc xuất khẩu cá tra nói riêng và xuất khẩu thủy sản nói chung đều giảm so với cùng kỳ năm 2008. Nếu kim ngạch xuất khẩu thủy sản giảm 9,4% về giá trị (chỉ đạt 1,369 tỷ USD) và 5,6% về lượng (gần 400.000 tấn) thì kim ngạch xuất khẩu cá tra giảm 4,1% về giá trị (477 triệu USD).

Suy thoái kinh tế toàn cầu cũng tạo cơ hội cho cá tra, ba sa Việt Nam mở rộng thị trường, từ 89 nước lên 107 nước. Nhưng những rào cản như luật Farmbill 2008 của Mỹ và những chỉ trích của các phương tiện truyền thông một số nước như Italia, Tây Ban Nha, Na Uy, Ai Cập và mới đây là New Zealand đã hạn chế khả năng xuất khẩu con cá này. Tuy nhiên, đó chưa phải là những khó khăn không thể vượt qua nếu như những vấn đề nội tại của ngành chế biến thủy sản được giải quyết. Đó là chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp…

Một trong những hoạt động xúc tiến thương mại hiệu quả thiết thực là tham gia các hội chợ, đặc biệt là hội chợ Vietfish - điểm đến quen thuộc nhiều năm nay của các nhà nhập khẩu nước ngoài, do VASEP tổ chức hàng năm. Vậy nhưng, điều mà ông Lê Việt Tiến, Giám đốc Công ty cổ phẩn Thực phẩm xuất khẩu Vạn Đức (VD Food) bức xúc là “mỗi lần hội chợ là mỗi lần thêm nguy cơ có doanh nghiệp chế biến thủy sản giảm giá bán để lôi kéo khách hàng nước ngoài, một hành động tự chúng ta làm khó chúng ta”.

Điều đáng nói, trong khi hầu hết doanh nghiệp làm ăn chân chính, mất nhiều công sức để có được chứng nhận về chất lượng, có code xuất vào những thị trường khó tính như châu Âu thì những doanh nghiệp tay ngang, làm ăn chụp giựt lại nhảy vào, tranh giành khách hàng, bất chấp sản phẩm không đạt chất lượng, gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh chung của doanh nghiệp VN. Đáng lo nhất là nếu tiếp tục cạnh tranh theo kiểu chụp giựt như thế có lúc sẽ bị các nước kiện bán phá giá, mà châu Âu là một nguy cơ đang “lửng lơ”.

Công ty Thực phẩm QVD (KCN Đồng Tháp) chế biến cá tra xuất khẩu. Ảnh: sggp

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản cho rằng, các nước quy định, tham gia xuất khẩu ngành hàng nào phải là hội viên ngành hàng đó. Những vấn đề này sẽ không đi đến đâu nếu nhà nước không tạo cơ chế để hiệp hội có quyền hạn hơn. Có thể học hỏi cách điều hành Hiệp hội Nuôi cá hồi của Na Uy. Quốc gia này quy định, chỉ có doanh nghiệp trong hiệp hội ngành nghề mới được quyền xuất khẩu mặt hàng đó và nếu vi phạm sẽ bị loại khỏi hiệp hội và không được xuất khẩu. Malaysia và nhiều nước khác cũng điều hành như vậy.

Nông dân càng nuôi càng lỗ

Trước những bức xúc của doanh nghiệp, chúng tôi muốn nhắc lại những tin nhắn của anh Nguyễn Hoàng M., một chủ trại nuôi cá tầm cỡ tại huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp cho chúng tôi cách đây ít lâu.

Anh M. trách móc: “Thông tin cá tra xuất khẩu trở lại sang Nga đã làm cho người nuôi ngộ nhận, trông chờ. Hậu quả của thông tin này không nhỏ… vì làm cho người nuôi rơi vào cảnh tán gia bại sản”. Trước đó, anh đã nhiều lần điện thoại chất vấn, vì sao báo chí nói đã xuất khẩu cá tra trở lại thị trường Nga và với giá xuất khẩu cao như vậy nhưng doanh nghiệp lại mua cá nguyên liệu nhỏ giọt và với giá không cao, còn thấp hơn giá thành.

Hiện nay, giá cá nguyên liệu chỉ còn 14.200 - 14.500 đồng/kg, trong khi giá thành khoảng 16.000 đồng/kg, người nuôi bị lỗ hơn 1.000 đồng/kg. Điều nghịch lý là trong tình hình đó thì chi phí đầu vào lại tăng cao. Chỉ 3 tháng qua, giá nguyên liệu chế biến thức ăn như cám, bánh dầu tăng mấy lần. Chi phí thức ăn từ 60% nay chiếm 80%. Người nuôi rơi vào tình cảnh phá sản còn nhà máy chế biến thức ăn lại thu lợi lớn.

Theo ông Ngô Phước Hậu, Chủ tịch Ủy ban Cá nước ngọt thuộc VASEP, tình hình trên xảy ra là do hậu quả của việc mua cá tra quá lứa từ cuối năm 2008 còn tồn lại ở nhiều doanh nghiệp. Số doanh nghiệp được xuất trở lại thị trường Nga bị giới hạn trong con số 10 nên việc tiêu thụ cá đang nuôi không nhiều. Chưa kể hiện nay, những doanh nghiệp chế biến cá lớn đều tự nuôi nhằm tạo vùng nguyên liệu cho mình như Agfish (An Giang) tự túc khoảng 30% nguyên liệu chế biến, VG Food và Vĩnh Hoàn lên đến trên 60%-70%...

Việc doanh nghiệp tự tạo vùng nguyên liệu, hình thành nên vùng nuôi cá tập trung, kiểm soát và quản lý được con giống, thậm chí có một số doanh nghiệp liên kết xây dựng nhà máy chế biến thức ăn cho cá. Điều này xét về góc độ quản lý theo chuỗi từ trang trại đến bàn ăn là đúng hướng, có thể truy xuất nguồn gốc, nhưng không thể đẩy người nuôi ra khỏi vòng khép kín này. Bản thân doanh nghiệp không thể tự tạo 100% nguyên liệu cá chế biến, do vậy, mối liên kết giữa doanh nghiệp và người nuôi là điều không thể loại trừ. Có thể đây là lúc chấn chỉnh lại việc nuôi và chế biến tự phát như thời gian qua. Theo ông Nguyễn Hoàng M., nhà nước cần chú ý đến việc phân phối lợi nhuận giữa DN và người nuôi, kể cả nhà chế biến thức ăn.



Nguồn: www.sggp.org.vn
Báo cáo phân tích thị trường