Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Miền Trung: Ngư dân "nằm bờ" ngay trong vụ cá
02 | 06 | 2009
Tháng 3 đến tháng 7 hằng năm là chính vụ cá của ngư dân. Đây là những tháng ngày trời yên bể lặng nhất trong năm, là thời điểm "ngày làm tháng ăn", song hiện nay lại tồn tại nghịch lý là hàng trăm tàu cá miền Trung đã phải nằm bờ vì ngoài khơi đang bị... phong toả.

Khó khăn của ngư dân vốn đã chồng chất, nay lâm cảnh nằm bờ khiến ngư dân nhiều địa phương đã bán tháo, bán đổ phương tiện làm ăn của mình, hoặc tập trung cào quét đến cạn kiệt nguồn thuỷ - hải sản gần bờ...

Né tránh hoặc nằm bờ

Ngay trong những ngày tháng năm, trời biển yên bình, song hàng trăm tàu cá ở các tỉnh từ Quảng Ngãi, Bình Định ra đến Đà Nẵng đã neo đậu, ken cứng ven đôi bờ sông Hàn, âu thuyền Thọ Quang, Đà Nẵng.

Có nhiều nguyên nhân khiến ngư dân phải nằm bờ, trong đó có việc tăng giá xăng dầu, bấp bênh nguồn lao động, thiếu vốn... Nhưng nay còn thêm nguyên nhân nữa là nhiều vùng biển ngoài khơi - nơi ngư dân miền Trung thường khai thác cá - đã bị phong toả, cấm đánh bắt cá.

Chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu ĐNa-66456 - ông Nguyễn Văn Hoà, phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, Đà Nẵng - than rằng: "Ngay chính vụ cá mà nhiều tàu chúng tôi buộc phải nằm bờ thế này thì chết mất. Lao động kêu đã khó, nay tìm được ít bạn, nhưng biển "động" nên còn phải chờ. Thiệt hại từ việc nằm bờ không chỉ thiếu hụt sản lượng, mà còn tiền vay sắm tổn, trả tiền ăn để giữ bạn tàu, chờ đến ngày ra khơi được".
 
Theo ông Hoà, thực ra tàu cá Việt Nam đã bị tàu nước ngoài đẩy đuổi ngay trên vùng biển Việt Nam từ nhiều năm nay. Nhiều tàu cá bị đâm chìm, bị bắt phạt hành chính. "Nhưng chúng tôi có tiền đâu mà nộp phạt. Chúng tôi ngậm đắng nuốt cay chấp nhận, bởi nếu không thì bị dẫn độ về nước họ thì tốn kém nhiều hơn. Thường khi bị bắt, họ chỉ cho 1 tàu còn dầu để chúng tôi lai dắt nhau vào bờ"- ông Hoà cho biết.

Một chủ tàu khác, người Quảng Ngãi cho biết: "Rất may trước khi ra khơi, chúng tôi được Bộ đội biên phòng cửa khẩu cung cấp những toạ độ, những vùng biển đang có tàu nước ngoài tuần tiễu, đang cấm căng thẳng để mình tránh. Không thể cứ nằm bờ mãi được, nhiều tàu ở các tỉnh xa như chúng tôi buộc phải ra khơi, nhưng đi tránh vòng vèo, tốn kém. Họ không chỉ cấm đánh cá ngay vùng biển của mình, mà còn "bít" cả đường ra vùng đánh bắt chung, ngư trường quốc tế".

Sẽ cạn kiệt nguồn hải sản ven bờ

Theo Hội Nông dân quận Thanh Khê, hiện gần 90% tàu công suất lớn của địa phương đã chuyển đổi từ nghề câu mực khơi và đánh bắt xa bờ sang khai thác gần bờ. Chỉ từ đầu năm 2009 đến nay, có ít nhất 20 tàu trên 200CV đã bị bán.
 
Ngư dân Phạm Thuận - phường Thanh Khê Tây - cho biết: "Cả ba tàu vươn khơi của tôi là ĐNa- 90406, 90207, 90208 nay đều chuyển sang nghề giã cào ven bờ". Ông Thuận nói, việc đánh bắt gần bờ là quay về với phương thức khai thác lạc hậu, cạnh tranh khốc liệt với các tàu công suất nhỏ ven bờ.

Ông Nguyễn Thương - Chủ tịch UBND quận Thanh Khê - cho biết: "Sản lượng đánh bắt hải sản của quận Thanh Khê chiếm 70% của cả TP. Số tàu đánh cá, câu mực của quận này cũng đứng đầu TP. Tuy nhiên, hiện chỉ còn 10 trong tổng số 160 tàu công suất lớn ra khơi. Chúng tôi đã cùng TP tháo gỡ nhiều khó khăn cho ngư dân, nhưng việc bị cấm biển hiện nay chưa thể phản ánh được. Tuy vậy, chính quyền cũng sẽ kiến nghị TP và trung ương tìm giải pháp cho ngư dân ra biển an toàn và tiếp tục bám biển, khai thác bền vững".

Đà Nẵng đã chi hàng chục tỉ đồng hằng năm để hỗ trợ xăng dầu cho ngư dân. Ngành NNPTNT TP.Đà Nẵng còn có nhiều hình thức hỗ trợ ngư dân như mở nhiều lớp đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng miễn phí, trang bị miễn phí máy thông tin liên lạc hiện đại cho các tổ đội tàu đánh bắt xa bờ, hỗ trợ tiền bảo hiểm ngư dân...

Hội Nông dân cũng đã có nhiều hỗ trợ cho vay, trang bị ngư cụ, cải hoán tàu, vay vốn ra khơi... Song, dường như những nỗ lực lớn ấy từ đất liền cũng chưa bù đắp được những khó khăn mới phát sinh mà ngư dân miền Trung đang đối mặt trên biển.



Nguồn: www.laodong.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường