Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Miền Bắc đang “đói” nguyên liệu thủy sản
26 | 08 | 2008
Mặc dù nằm ở “vựa” hải sản với 2 trung tâm khai thác lớn là khu vực Đông Bắc bộ và Bắc Trung bộ, nhưng các doanh nghiệp thủy sản tại khu vực phía Bắc hiện nay lại đang “kêu” trời vì đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu một cách trầm trọng.
Nằm gần cảng cá Cửa Hội, nơi “lên xuống” cá của ngư dân sau mỗi chuyến đi biển, một vị trí đắc địa cho việc thu mua nguyên liệu, thế nhưng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Nghệ An tại phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò lại đang rơi vào tình trạng “đói” nguyên liệu.

Lý do là thời gian gần đây, sản lượng hải sản khai thác được của ngư dân ngày càng ít đi. Những mẻ lưới đánh bắt được chỉ là những loại cá tạp, nhỏ cỡ ngón tay, chỉ để làm... thức ăn cho gia súc hoặc “chượp” mắm. Những mặt hàng có chất lượng hơn thì sản lượng không nhiều, chỉ đủ để tiêu thụ cho các nhà hàng, khách sạn.

Bà Hồ Thị Hằng, giám đốc công ty, cho biết, đến đầu tháng 8-2008, cá nục, cá trích đánh bắt được nhiều hơn một chút nhưng chất lượng lại kém, cá nhỏ chỉ khoảng 40 con/kg, vì vậy công ty cũng không thể thu mua để chế biến xuất khẩu. Nguyên liệu hải sản là vậy. Còn thủy sản nuôi cũng không khá hơn. Những năm trước, vào tháng 7 và 8 là vụ thu hoạch cao điểm nhưng lượng tôm sú nguyên liệu mỗi ngày công ty thu mua được cũng chỉ khoảng 10 tấn từ khắp các tỉnh Thái Bình, Nghệ An, Quảng Ninh, Quảng Bình, Nam Định...

Trong khi công suất chế biến của nhà máy lên tới 20 tấn nguyên liệu/ngày. Đã vậy, chất lượng tôm cũng chỉ đạt 30% so với yêu cầu. Nguyên nhân là do công ty thu mua tôm sú nguyên liệu theo dạng “xô” với rất nhiều cỡ tôm lớn nhỏ khác nhau, vì vậy công ty chỉ có thể lựa các loại tôm cỡ lớn và trung bình để làm hàng xuất khẩu. Đó là khi tôm sú được mùa, còn thất bát như năm nay, thì nhà máy đang “đắp chiếu” chờ nguyên liệu.

Tương tự, các nhà máy chế biến thủy sản tại Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh cũng luôn trong tình trạng “đói” nguyên liệu. Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản- Bộ NN-PTNT vừa cho biết, thời gian gần đây, khi sản lượng thủy sản ven bờ dần bị cạn kiệt thì phần lớn ngư dân lại đang phải gom vốn để bám biển dài ngày và lượng hải sản khai thác được đều được thương lái Trung Quốc thu mua với giá khá cao, đặc biệt là vào thời điểm hiện nay khi họ đang cần nhiều hàng thủy sản để phục vụ cho thế vận hội Olympic Bắc Kinh 2008. Tình trạng “chảy máu” nguyên liệu hải sản cũng làm cho doanh nghiệp “đau đầu” trong việc giải bài toán nguyên liệu phục vụ sản xuất.

Các doanh nghiệp tại miền Bắc cũng chịu chung tình cảnh với các doanh nghiệp chế biến ở miền Trung. Từ đầu năm 2008 đến nay, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Quảng Ninh chỉ hoạt động chừng 30% công suất. Suốt 3 tháng đầu năm, hàng loạt công nhân phải nghỉ ở nhà vì không có nguyên liệu sản xuất. Nhà máy chỉ thực sự khởi động từ đầu tháng 4-2008 đến nay khi bắt đầu vụ tôm chân trắng. Tuy nhiên, sản lượng tôm chân trắng cũng không có nhiều như mọi năm mặc dù công ty đã sang cả các tỉnh lân cận như Thái Bình, Hải Phòng, Nam Định… để thu mua.

Trước đây, trung bình mỗi tháng, công ty thu mua từ 120-150 tấn tôm chân trắng. Nhưng từ khi vào vụ cho đến nay đã hơn 2 tháng mà công ty chỉ mua được 100 tấn. Tôm chân trắng mất mùa một phần là do đầu năm nay thời tiết lạnh bất thường, giống tôm chân trắng được thả nuôi vào thời điểm này thường chết ngay khi xuống giống. Tình trạng nguyên liệu hải sản khai thác cũng không khả quan hơn. Mực mất mùa, sản lượng mực thu mua phục vụ chế biến chỉ bằng 1/3 so với cùng kỳ năm ngoái. Bởi vậy, công ty đã phải từ chối nhiều đơn đặt hàng từ nước ngoài vì không lo đủ nguyên liệu.




Nguồn: chebien.gov.vn
Báo cáo phân tích thị trường