Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thị trường EU rất cần thủy sản Việt Nam
08 | 06 | 2009
Đoàn Thanh tra Liên minh châu Âu (EU) đã khẳng định như vậy sau đợt thanh tra 301 doanh nghiệp thủy sản Việt Nam hồi cuối tháng 4 vừa rồi. Đợt thanh tra đã mở ra nhiều cơ hội cho ngành xuất khẩu thủy sản Việt Nam.

Được và chưa được

Trong đợt thanh tra lần thứ tư này tại Việt Nam (diễn ra từ ngày 20/4-30/4/2009), đoàn Thanh tra của EU đánh giá điều kiện nhà xưởng, trang thiết bị các doanh nghiệp (DN) được thanh tra cơ bản đáp ứng yêu cầu của EU.

Nhận xét về hệ thống văn bản pháp lý liên quan đến kiểm soát an toàn vệ sinh thủy sản chung và nhuyễn thể hai mảnh vỏ của Việt Nam, đoàn Thanh tra của EU cho rằng, cơ bản tương đương với luật lệ của EU.

Tuy nhiên, theo bản báo cáo kết quả sơ bộ đối với điều kiện vệ sinh cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản trước chế biến, đoàn thanh tra đánh giá chỉ có 1 trong hai cảng cá và 1 trong 4 tàu cá (tại Vũng Tàu) cơ bản đạt yêu cầu của EU. Hai cơ sở thu mua đã kiểm tra được đánh giá có điều kiện vệ sinh khá tốt, tuy nhiên đoàn thanh tra cũng đề nghị các cơ sở thu mua nên bảo quản thuỷ sản trong tủ cấp đông thay vì trong kho đông lạnh cũng như không nên mở cửa lớn của kho.

Các cơ sở sản xuất nước đá phục vụ cho việc bảo quản thủy sản đông lạnh cũng chưa hoàn toàn đáp ứng quy định của EU, vật liệu chưa phù hợp… Ngoài ra, đoàn thanh tra cũng cho rằng, việc kiểm soát đầm nuôi của cơ quan thẩm quyền về điều kiện VSATTP chưa đầy đủ.

Đoàn thanh tra cũng lưu ý thao tác xịt cồn khử trùng găng tay, vệ sinh nền xưởng trong khi đang sản xuất… của công nhân có thể gây mất ATVS cho sản phẩm; thông tin trên bao bì sản phẩm và hồ sơ lưu tại DN hiện chưa đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc.

Phía EU cũng đề nghị Việt Nam sớm cấp mã số vùng nuôi, vì hiện nay chỉ có  Bến Tre là tỉnh duy nhất được cấp mã vùng nuôi.

Mở ra nhiều cơ hội

Bà Nguyễn Thị Ánh, Giám đốc Công ty Cổ phần thủy sản Sông Tiền (Sotico) cho rằng, thanh tra của EU đối với các DN thủy sản Việt Nam là việc làm rất cần thiết. Đây là điều có lợi cho DN, bởi chính Sông Tiền đã phát hiện ra những điểm yếu tuy nhỏ nhưng rất quan trọng. Có thể nói, qua mỗi lần thanh tra, DN lại rút ra được những bài học rất đắt giá.

Phương châm của Luật thực phẩm mới của EU là an toàn từ nông trại đến bàn ăn. Điều này có nghĩa an toàn vệ sinh phải được bảo đảm từ khi bắt đầu của qui trình tạo ra sản phẩm đến bàn ăn của người tiêu dụng.

Để thực hiện phương châm này EU đưa ra qui định về truy xuất nguồn gốc, tức là mọi đầu vào tạo nên thành phẩm phải có xuất xứ rõ ràng và phải được thể hiện trên những chứng từ thuộc qui trình.

Xuất khẩu thủy sản vào EU là cơ hội của các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam.

Nhiều doanh nghiệp cho biết: Luật nhập khẩu được hài hòa và thống nhất là cơ hội cho các nước xuất khẩu vì theo nguyên tắc chỉ cần đáp ứng tiêu chuẩn chung của EU hàng thủy sản có thể vào bất kỳ thị trường thành viên nào trong EU, thay vì phải điều chỉnh theo từng thị trường như trước đây. Các nước xuất khẩu chỉ tiếp cận và thương lượng với một nhà nhập khẩu duy nhất và được tiêu thụ sản phẩm ở EU đã được mở rộng.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lương Lê Phương cho rằng, những DN xuất khẩu sang EU nên tự nguyện cung cấp danh sách các tàu thuyền, cơ sở thu mua cho cơ quan chức năng kiểm tra, cấp chứng nhận nguồn gốc, tránh việc sản phẩm có sử dụng chất hóa học. Với những tàu thuyền cung cấp sản phẩm sạch, DN phải chấp nhận mua giá cao hơn để khuyến khích họ.



Nguồn: VOVNews
Báo cáo phân tích thị trường