PV: Thưa ông, nhiều người đưa ra giá thành sản xuất cà phê của người nông dân và cho rằng các công ty hiện đang thu mua cà phê dưới giá thành. Ý kiến của ông về vấn đề này?
Ông Lương Văn Tự: Trong mua bán làm ăn, việc cần phải giữ nhất là không cho đối tác biết giá thành. Đối tác nước ngoài sẽ lợi dụng để ghìm giá. Chính vì vậy, việc công bố giá thành là không nên.
Việt Nam chỉ có khoảng 10% nông trường trồng cà phê tập trung còn lại 90% là phân tán của hộ nông dân. Cho nên, có những nơi sản lượng cao thì giá thành thấp, nhưng nếu trồng ở những vùng thiếu nước thì sản lượng thấp, giá thành sẽ cao.
Hiện nay, chưa có khảo sát chính thức để đưa ra giá trung bình sản xuất cà phê. Việc đưa ra giá thành thời điểm này giống như hình ảnh “thày bói xem voi”. Trong kinh doanh, người bán muốn bán giá cao, người mua muốn giá thấp. Trong trường hợp thu mua cà phê lần này, người mua – người bán cần nhìn vào lợi ích tổng thể của Việt Nam chứ đừng tách rời lợi ích người trồng cà phê với người đi bán. Hai bên phải căn cứ vào giá thị trường để chia sẻ lợi ích với nhau lúc khó khăn và khi có lãi. Đây là một hình thức phân chia lợi nhuận hoặc lỗ. Điều này đòi hỏi sự hợp tác, liên kết giữa nhà sản xuất và nhà xuất khẩu và liên kết các nhà xuất khẩu với nhau.
PV: Vậy chúng ta đã tạo được mối liên kết này hay chưa, thưa ông?
Ông Lương Văn Tự: Hiện tại, ở Việt Nam có 12 nhà nhập khẩu lớn trên thế giới, có đại diện tại Việt Nam. Họ rất thống nhất để mua cà phê và điều chỉnh giá cà phê của Việt Nam. Trong khi đó, chúng ta có 146 nhà xuất khẩu mà tinh thần hợp tác lại chưa cao, cho nên chúng ta không tranh thủ được lợi thế. Chúng ta là nước xuất khẩu lớn thứ hai trên thế giới nhưng mà không chi phối được giá thế giới. Đó là điều thiệt thòi cho chúng ta.
PV: Theo ông, chúng ta cần cơ chế ràng buộc như thế nào để có được mối liên kết bền vững?
Ông Lương Văn Tự: Chúng tôi đang kiến nghị với các Bộ là nên hình thành một cơ chế, mô hình nào đó để bảo vệ quyền lợi chung. Tất nhiên, chúng ta buôn bán với thế giới thì cũng phải nghĩ đến lợi ích của đối tác. Chúng ta biết rằng, cả thế giới buôn bán cà phê nhân chỉ khoảng 12-13 tỷ USD/năm, nhưng cà phê đã được chế biến lại đạt trên 70 tỷ USD/năm. Lợi nhuận nằm ở khâu chế biến, phân phối (người mua) còn người trồng thì thu lời rất ít. Vì vậy, người trồng cà phê và nhà xuất khẩu phải liên kết, bàn bạc với những nhà nhập khẩu, rang, xay… để có phần lợi nhất định giúp ngành cà phê phát triển bền vững. Cuộc chơi này rất phức tạp chứ không đơn giản.
PV: Trong tất cả các lĩnh vực xuất khẩu chúng ta đều nói đến bài học về sự liên kết. Vậy tại sao, ngành cà phê-ca cao lại không tìm cách đi cho mình để tránh khỏi “vết xe đổ” này?
Ông Lương Văn Tự: Đây là cái giá chúng ta phải trả trong quá trình đi lên. Chúng ta đã “chao đảo” nhiều lần trong xuất khẩu gạo, cà phê. Để khắc phục tình trạng này, Hiệp hội cà phê, ca cao kiến nghị, tất cả các hội viên khi bán hàng phải thông báo cho hiệp hội biết để từ đó có sự chi phối về số lượng chứ không chi phối về giá. Các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay rất sợ lộ giá, lộ khách hàng… cho nên chúng tôi chỉ yêu cầu thống kê ngày nào doanh nghiệp ký bao nhiêu, khi nào giao… để tổng hợp lại trong tháng, có những cảnh báo với các hội viên về số lượng xuất khẩu và về thị trường.
Trước những biến động thất thường vô cùng khó đoán của thị trường cà phê thế giới mấy tuần qua, Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa) khuyến cáo các doanh nghiệp cà phê hết sức thận trọng trong việc ký hợp đồng xuất khẩu cà phê sáu tháng cuối năm.
PV: Trở lại với giá cà phê hiện nay, nếu giá cà phê cứ xuống thì phải tính đến phương án Chính phủ sẽ phải mua gom cho bà con, thưa ông?
Ông Lương Văn Tự: Chúng tôi đang kiến nghị với Chính phủ trong vụ tới (vụ này sắp kết thúc) vào tháng 10/2009, Chính phủ hỗ trợ lãi suất 0% để mua khoảng 200.000 tấn cà phê, giúp nông dân có thể gửi cà phê vào kho của nhà xuất khẩu và không phải chịu lãi. Các nhà thu gom sẽ bán theo tình hình thị trường, bán được đến đâu thì trả lại cho nông dân đến đó.
Còn nếu áp dụng cơ chế dự trữ như Brazil thì cũng có cái hay, trước kia chúng ta đã làm 1-2 năm rồi nhưng không có kết quả lắm. Hiện, Brazil có một quỹ dự trữ khoảng 1,8 tỷ tiền Brazil (900 triệu USD). Theo mô hình này, doanh nghiệp sẽ mua cà phê ở một mức giá hợp lý (người trồng có lời), nếu thị trường xuống dưới giá qui định thì nông dân được áp dụng giá bán cho dự trữ .
PV: Có ý kiến cho rằng, việc cà phê tăng giảm không kiểm soát được như hiện nay là do sự lũng đoạn của các quĩ đầu cơ. Vậy theo ông, chúng ta phải làm gì để tránh được cái bẫy của họ?
Ông Lương Văn Tự: Theo tôi, các doanh nghiệp cần lưu ý, không nên bán hàng với thời gian giao hàng quá xa. Trước kia, có những doanh nghiệp từ đầu năm đã bán hàng cách đó 6-7 tháng rồi trong khi đó doanh nghiệp chưa nắm được hàng, chưa nắm hết được thị trường. Nếu không cẩn thận thì doanh nghiệp sẽ bị rơi vào tình cảnh giống như việc “lùa đàn cừu vào trong truồng”, các nhà nhập khẩu sẽ kéo giá xuống dưới mức đã thoả thuận thì chấm dứt hợp đồng, làm doanh nghiệp thiệt thòi. Cho nên, doanh nghiệp chỉ nên bán hàng cách 3 tháng để có đủ thông tin đón bắt thị trường, chuẩn bị nguồn hàng.
Thứ hai, các doanh nghiệp phải liên kết với nhau để làm sao xác định trong tháng Việt Nam chỉ bán ra thị trường thế giới một lượng hàng nhất định, không nên bán ồ ạt sẽ kéo giá xuống. Thực tế, 12 nhà đại diện nằm ở Việt Nam sẽ liên kết với nhau để chi phối giá khi đó ta sẽ thiệt hơn.
PV: Theo ông, thời gian tới để những người trồng cà phê không rơi vào tình trạng “dở khóc, dở cười” như hiện nay thì chúng ta phải làm gì?
Ông Lương Văn Tự: Hiện nay ở nước ta, cà phê già chiếm gần 20% và phải thay thế trong thời gian tới. Một số diện tích trồng mới bây giờ bắt đầu thu hoạch nhưng chưa phải thời kỳ có sản lượng cao. Mấy năm nay, sản lượng cà phê dừng lại ở mức dưới 1 triệu tấn. Bộ Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn, Hiệp hội cà phê-ca cao thống nhất quan điểm trình Chính phủ chỉ giữ diện tích cà phê khoảng 500.000 ha và sản lượng trên dưới 1 triệu tấn. Nếu càng tăng diện tích trồng cà phê thì giá thế giới càng giảm, người trồng cà phê lại thiệt thòi. Chúng ta nên dành diện tích đất còn lại trồng cây khác thu được lời hơn, không nên phát triển tập trung vào một loại cây nhiều quá, sản lượng tăng nhanh kéo giá trị xuống.
Xin cảm ơn ông!