Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hướng vào sản xuất chiều sâu
22 | 07 | 2009
Nếu vẫn tiếp tục xuất khẩu hàng nguyên liệu thô, gia công, thì càng xuất khẩu nhiều, càng phải nhập khẩu lớn, nên hiệu quả kinh tế sẽ không cao.

Nếu dựa trên số liệu thống kê thuần tuý để đánh giá, thì sự chuyển biến tích cực của nền kinh tế đã được ghi nhận khá rõ nét, với nhiều chỉ tiêu kinh tế trong quý II đều tăng so với quý I.

Tuy nhiên, điều mà dư luận trông chờ là sự chuyển biến về chất của nền kinh tế, vốn được coi là cơ hội trong khủng hoảng, lại dường như vẫn hơi thiếu hụt. Có thể nhận thấy điều này trước hết thông qua cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian qua.

Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, trong một báo cáo vừa được công bố, đã chỉ ra rằng, cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu đã không được cải thiện, Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu sản phẩm thô và tài nguyên, nhưng lại phải nhập khẩu nguyên liệu thô và phần lớn hàng tiêu dùng hoặc mang tính tiêu dùng.

Theo số liệu thống kê, trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu gần 12 triệu tấn than đá, thu được 590 triệu USD, nhưng lại phải bỏ ra trên 1,3 tỷ USD để nhập khẩu hoá chất và sản phẩm hoá chất; xuất khẩu các loại nông sản, như chè, hạt tiêu, hạt điều... được 544 triệu USD, nhưng lại phải nhập khẩu 508 triệu USD tân dược; xuất khẩu được 711 triệu USD cao su và chất dẻo thì phải bỏ ra 710 triệu USD nhập phân bón.

Trong khi đó, tương quan giữa xuất khẩu dệt may và nhập khẩu nguyên liệu và bông, vải sợi là 4,1 tỷ USD và 3,4 tỷ USD.

Đặc biệt hơn là, toàn bộ số tiền xuất khẩu đá quý, kim loại quý cũng chỉ mới đủ để nhập khẩu ô tô, xe máy và một số thiết bị, hàng điện tử... Đây là một sự đánh đổi, đã từng được các chuyên gia kinh tế cho là rất đắt giá.

Có thể, sự so sánh này là khập khiễng, song đây không phải là lần đầu tiên vấn đề giá trị gia tăng trong các hợp đồng xuất khẩu được đề cập. Cũng không phải là lần đầu tiên việc chuyển dịch cơ cấu sản phẩm xuất khẩu được nhắc tới.

Điều luôn được cảnh báo là, nếu chủ yếu xuất khẩu hàng thô và gia công, thì càng xuất khẩu nhiều, càng phải nhập khẩu lớn, dẫn đến nhập siêu và đương nhiên, hiệu quả kinh tế sẽ không cao.

Liên quan đến vấn đề này, TS. Trần Du Lịch, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, chính sách hướng về xuất khẩu của Việt Nam áp dụng trong những năm qua không sai về mô hình kinh tế, mà sai về mô hình sản xuất, tức là hướng về xuất khẩu, nhưng lại không chuyển được nền kinh tế từ gia công sang sản xuất.

"Giá trị gia tăng trên giá trị sản xuất công nghiệp của Việt Nam ngày càng giảm. Tính gia công của nền kinh tế ngày càng cao, nên dẫn đến việc nhập siêu triền miên là điều không tránh khỏi", TS. Trần Du Lịch nói.

Trên thực tế, từ nhiều năm trước đây, định hướng xuất khẩu các sản phẩm chế biến, có giá trị gia tăng cao đã được Bộ Công thương tính tới. Song cho tới thời điểm này, ngay cả sau khi đất nước trải qua hơn một năm chịu tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu, khiến giới chuyên gia kỳ vọng nền kinh tế sẽ nhân cơ hội này để đổi mới, thì vẫn chưa có nhiều cái mới trong cơ cấu sản xuất của nền kinh tế.

Vẫn những sản phẩm thô và chỉ qua sơ chế, vẫn những sản phẩm dựa vào khai thác tài nguyên là chính. Xuất khẩu dầu thô và than đá vẫn chiếm tới 14% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước trong 6 tháng đầu năm.

Do chỉ qua sơ chế hoặc xuất khẩu nguyên liệu thô, nên dù là nước đứng đầu hoặc trong nhóm nước xuất khẩu hàng đầu các sản phẩm nông sản, nhưng hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam luôn có giá thấp hơn các đối thủ và không có được vai trò điều tiết giá cả trên thị trường.

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, theo TS. Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại, là do cả hai phía: Nhà nước và doanh nghiệp. "Doanh nghiệp thì không có chiến lược, chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt. Trong khi đó, cơ quan quản lý nhà nước chưa xây dựng được chiến lược đúng nghĩa", ông Nam phân tích.

Tất nhiên, không bao giờ là dễ dàng để chuyển hướng kinh doanh chỉ một sản phẩm, chứ chưa nói đến của cả một nền sản xuất của đất nước, nhất là trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Song khó khăn cũng chính là cơ hội để đổi mới.

Theo TS. Nguyễn Văn Nam, nên bắt đầu bằng việc đầu tư cho từng sản phẩm, từng chu trình sản xuất, chế biến, theo hướng đầu tư chiều sâu, để nâng cao giá trị gia tăng của mỗi sản phẩm, qua đó nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và của toàn nền kinh tế.



Tuấn Linh/Theo Đầu tư
Báo cáo phân tích thị trường