Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đăk Lăk: Cây bơ trở hành cây kinh tế hàng hóa
14 | 08 | 2009
Tại các địa điểm bán cây bơ giống ghép chất lượng cao như Viện Khoa học kỹ thuật nông- lâm nghiệp Tây Nguyên, Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi, Khu thực nghiệm của Trường Đại học Tây Nguyên, tuy có giá bán khá cao từ 20.000 đồng/cây trở lên, nhưng nay vẫn không còn bơ giống ghép chất lượng cao để phục vụ nhu cầu mở rộng diện tích trồng bơ của đồng bào. Chỉ riêng Công ty TNHH tư vấn- đầu tư nông- lâm nghiệp Ea K’Mát (Viện Khoa học kỹ thuật nông- lâm nghiệp Tây Nguyên) đã ươm, ghép 20.000 cây bơ giống chất lượng cao, tăng gần gấp đôi so với năm ngoái, nhưng nay đã bán hết…

Từ năm 2006 trở lại đây, sau khi thực hiện dự án “Phát triển chuỗi giá trị bơ trái Đắk Lắk” do Bộ Hợp tác kinh tế và phát triển Chính phủ Đức tài trợ (GTZ), bơ trái Đắk Lắk đã vào các siêu thị, các chợ lớn, nhỏ, được người tiêu dùng cả nước biết đến và rất ưa chuộng. Giá bơ trái hàng năm đều tăng, mang lại lợi nhuận cho người trồng, kinh doanh khá cao. Cụ thể, ngay vụ thu hoạch năm nay, giá bơ trái đầu vụ (tháng 6), bơ loại 1, có giá từ 20.000 đến 25.000 đồng/kg, chính vụ (tháng 7, 8) là 10.000 đến 15.000 đồng/ kg, loại thường 8.000 đến 10.000 đồng/kg, chấm dứt tình trạng bơ trái không nơi thu mua, để chín tự rơi rụng không thu hoạch như trước đây.

Theo thống kê của Sở Khoa học - Công nghệ Đắk Lắk, hiện nay, tỉnh Đắk Lắk có trên 50.000 hộ đồng bào các dân tộc trồng trên 250.000 cây, với tổng diện tích trên 3.000ha, sản lượng mỗi năm bán ra thị trường từ 25.000 tấn bơ trái trở lên. Diện tích bơ này tập trung nhiều nhất ở các huyện Krông Pák, Ea Kar, Cư Kuin, Krông Năng, Ea H’Leo, Cư M’Gar, hàng trăm hộ trồng bơ có thu nhập thêm mỗi năm từ 15 đến 20 triệu đồng. Nông dân các dân tộc ở tỉnh Đắk Lắk đã xem cây bơ là cây kinh tế hàng hóa, ngoài việc trồng xen trong các vườn cây còn trồng thuần trong vườn, mở trang trại trồng thuần các loại bơ chất lượng cao.

Anh Ma Ne, dân tộc Ê đê, buôn Mấp, thị trấn Ea Pốk (huyện Cư M’Gar) cho biết, trước đây, đồng bào trồng bơ chủ yếu là để lấy quả ăn chơi, làm hàng rào, nhưng từ khi bơ trái có giá, đồng bào phá bỏ diện tích giống bơ địa phương thoái hóa, năng suất thấp, chất lượng kém sang trồng bơ chất lượng cao. Riêng gia đình, ngoài diện tích bơ trồng xen trong vườn cà phê, anh còn phá bỏ các loại cây trồng không có hiệu quả trong vườn tạp chuyển sang trồng thuần gần 5 sào bơ sáp và xem đây là cây xóa đói giảm nghèo bền vững. Anh Ma Ne cho biết thêm, trồng bơ vốn đầu tư thấp, nhưng mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, sau 5 năm đã đưa vào kinh doanh cho thu hoạch, ít công đầu tư chăm sóc, ít bón phân, không sử dụng thuốc trừ sâu, chống chịu được nắng hạn, mưa bão, chu kỳ kinh doanh kéo dài hàng chục năm, mỗi năm cho thu nhập thêm hàng chục triệu đồng.

Viện Khoa học kỹ thuật nông- lâm nghiệp Tây Nguyên cũng đã đưa vào trồng thử nghiệm 50 giống bơ nhập ngoại khác nhau và đã tuyển chọn được 12 giống bơ thích nghi với điều kiện đất đai, khí hậu tại Tây Nguyên, không những kháng được sâu bệnh mà còn cho năng suất, chất lượng bơ cao, trong đó, nổi trội hơn cả là tập đoàn bơ giống Booth. Viện Khoa học kỹ thuật nông- lâm nghiệp Tây Nguyên cũng đã tổ chức hướng dẫn đồng bào các dân tộc quy trình kỹ thuật thâm canh, chăm sóc, trồng bơ, tuyển chọn các giống bơ chất lượng cao để đưa vào trồng thay thế dần các giống bơ đã bị thoái hóa, năng suất kém.

Theo Viện Khoa học kỹ thuật nông- lâm nghiệp Tây Nguyên, bơ là loại cây ăn trái luôn xanh tươi, có chiều cao từ 12 đến 20 mét, là một trong những loại trái cây có hàm lượng dinh dưỡng cao cho mọi lứa tuổi. Bơ trái không có vị ngọt nhưng rất béo, mùi thơm, có kết cấu mịn gần giống như kem. Các nhà kinh doanh chia bơ ra làm 3 loại, dựa trên cơ sở hàm lượng dầu, màu sắc thịt quả như: bơ sáp thịt quả màu vàng sẫm, có hàm lượng dầu cao nhất, giá bán đắt nhất tiếp đến là bơ mỡ, bơ sáp./.



Theo TTXVN
Báo cáo phân tích thị trường