Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Long Biên: Cây đặc sản trái mùa cho giá trị cao
06 | 10 | 2009
Quận Long Biên hiện nay chỉ còn 1.600ha đất canh tác, trong đó vùng đồng 600ha, còn lại 1.000ha thuộc vùng đất bãi sông Hồng và sông Đuống. Để đẩy mạnh giá trị sản xuất, đồng thời giải quyết việc làm cho nông dân, quận Long Biên đã có những giải pháp nuôi, trồng cây, con đặc sản trái mùa và đào tạo nghề mới phục vụ nhu cầu thị trường.

Cây con đặc sản thu gấp 10 lần trồng lúa

Chủ tịch Hội Nông dân quận Long Biên Trần Văn Hạnh cho biết, quá trình đô thị hóa đã làm diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp, việc xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp với quy hoạch chung của thành phố và của quận đã làm cắt ngang nhiều công trình thủy lợi. Do vậy việc tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp có nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, Hội Nông dân đã tuyên truyền, vận động hội viên sáng tạo trong phát triển kinh tế gia đình, tập trung đầu tư nuôi trồng cây, con đặc sản cho giá trị cao. Long Biên đã có những sản phẩm nổi tiếng trên thị trường như táo đại ngọt, lê Đài Loan, ổi găng thu 4 vụ trong năm, cho thu nhập gấp 8 đến 10 lần trồng lúa (bình quân từ 80 đến 100 triệu đồng/ha). Ngoài sản phẩm rắn Lệ Mật được nhiều khách hàng trong và ngoài nước biết tiếng, nay các sản phẩm ếch, ba ba, nhím, công… đã được tiêu thụ nhiều trên thị trường và được khách đến tận cơ sở nuôi đặt mua hàng.

Hiệu quả từ cây 4 vụ - cây trái mùa

Chủ tịch Hội Nông dân phường Cự Khối Lê Văn An cho biết, cây táo và cây ổi găng dễ chăm sóc, không đòi hỏi cao về mặt kỹ thuật, đồng thời thu hoạch 4 vụ trong năm, nên đến nay toàn phường có 540 hộ trồng với tổng diện tích 105ha. Anh Phùng Đình Uyên ở tổ 3, phường Cự Khối tâm sự, nhà trồng 1,4ha ổi và táo từ gần 10 năm nay. Nhờ cách chăm bón đơn giản nên gia đình không phải thuê thêm nhân công lao động. Một vài năm gần đây, hàng tiêu thụ mạnh, được khách hàng đến đặt mua mang ra nước ngoài, nên giá trị thu nhập cao, bình quân từ 100 đến 110 triệu đồng/ha/năm. Anh Đàm Văn Tuấn ở tổ 4, phường Cự Khối cho biết, qua xét nghiệm đất và nước nơi đây đều đủ điều kiện để trồng ổi sạch, an toàn. Các hộ trồng ổi còn được tập huấn về cách chăm bón, phòng trừ dịch hại tổng hợp. Kiến thức đã có, bà con rất phấn khởi và cùng nhau quyết tâm thực hiện theo quy trình để xây dựng thương hiệu ổi Cự Khối. Hội tổ chức cho hội viên đi tham quan mô hình nhãn chín muộn ở các địa phương khác. Từ đó, trong hơn 1 năm qua, phường đã có 16 hộ trồng nhãn với diện tích hơn 1ha. Ngoài số diện tích cây ăn quả 4 vụ, trái mùa, Cự Khối còn có 6,5ha trồng rau an toàn được Sở NN&PTNT Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn.

Từ giá trị cao và sức tiêu thụ mạnh của thị trường, làng Lệ Mật, phường Việt Hưng hiện có 33 hộ nuôi rắn với quy mô lớn và đều được cấp phép nuôi. Đặc biệt, có một số hộ đầu tư theo mô hình sinh thái, nuôi các con đặc sản có giá trị cao như nhím, kỳ đà, ron, công… Điển hình là gia đình anh Trương Xuân Chiến đầu tư hàng trăm triệu đồng cải tạo chuồng, mở rộng chăn nuôi. Ngoài ra phường còn có hơn 20ha được chuyển đổi theo mô hình VAC, nuôi cá có giá trị cao và trồng cây ăn quả ngắn ngày xen cây dài ngày, cho thu nhập bình quân 80 triệu đồng/ha/năm. Chủ tịch Hội Nông dân phường Việt Hưng cho biết, đến nay, Hội có 60 hội viên đã qua lớp đào tạo nấu ăn do quận tổ chức. Hiện số hội viên này đã mở nhà hàng, làm dịch vụ nấu cỗ, cho thu nhập ổn định.

Với cách làm sáng tạo, đưa ra thị trường những sản phẩm độc đáo, chất lượng cao, nông dân Long Biên thực sự tìm được hướng đi đúng vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay.



Theo Báo Hànộimới
Báo cáo phân tích thị trường