Vụ này nông dân Lâm Đồng trồng hàng ngàn hécta cà chua với sản lượng hơn 100.000 tấn, tập trung chủ yếu ở Hiệp Thạnh, Liên Nghĩa (Đức Trọng) và Lạc Lâm, Lạc Xuân, Quảng Lập, Ka Đô, Tu Tra, Próh, Thanh Mỹ (Đơn Dương).
Mùa thu hoạch đã bắt đầu từ một tháng trước nhưng do cà chua liên tục rớt giá không bù nổi công thu hái nên đa số nhà vườn bỏ mặc cà chín rụng trong vườn.
Hiện giá cà chua chỉ có 400 - 700 đồng/kg, trong khi thời điểm này năm trước giá từ 7.000 đến 8.000đồng/kg.
Anh Nguyễn Quốc Huy (thôn Quảng Hiệp, Quảng Lập, Đơn Dương) ngậm ngùi: "Gia đình tôi đầu tư 20 triệu đồng cho 2 sào cà chua giống mới với hơn 6.000 cây. Đến nay mới hái hai lứa, bán được gần 5 triệu đồng.
Số còn lại đành để rụng đầy vườn vì giá rẻ như bèo, thương lái cũng không muốn mua. Sắp tới còn phải tốn tiền thuê dọn quả thối".
Hàng trăm vườn cà chua khác cũng đang trong tình trạng quả chín đỏ vườn và rụng kín mặt đất mà chẳng ai thu hoạch. Chỉ có một số ít người mang cà chua về cho bò ăn.
Nhiều nông dân chua chát ví việc trồng cà chua tựa như đánh bạc bởi được - mất vô chừng, mỗi khi đến mùa thu hoạch lại lo âu, thắc thỏm.
Không chỉ cà chua mà các loại rau khác như cải thảo và xà lách cũng rớt giá thảm hại. Chị Hoa (Hiệp An, Đức Trọng) cho biết, các chủ vựa mua các loại rau này theo bao chứ không cân đong gì cả. Một bao 40 - 50 kg chỉ bán gần 20.000 đồng.
Một số nông dân ở các phường 7 và 8 (Đà Lạt) cũng cho biết, hai tuần gần đây họ cày bỏ nhiều vườn xà lách vì giá quá rẻ, thương lái ngó lơ.
Đối với một số vườn sắp đến kỳ thu hoạch, nông dân dùng kỹ thuật hãm bớt sự phát triển để chờ đến lúc rau tăng giá. Tuy nhiên, khoảng mươi ngày tới thì rau sẽ già, nếu không bán được cũng phải cày bỏ để trồng cây khác.
Vụ này năm trước, nông dân thu lãi hàng chục triệu đồng mỗi hécta là rất phổ biến vì giá nhiều loại rau tăng vọt. Sau đó, nhiều người đã thuê đất hoặc chuyển đổi đất chuyên trồng lúa, bắp, đậu sang trồng cà chua và một số loại rau chủ lực như xà lách, cải thảo, bắp cải…
Ngay cả các hộ đồng bào dân tộc thiểu số cũng mạnh dạn vay vốn ngân hàng để đầu tư cho cây cà chua. Nào ngờ một số tỉnh phía Bắc, Đông và Tây Nam Bộ cùng Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa… cũng đã tăng diện tích cà chua và một số loại rau.
Giá cà chua và rau rớt thê thảm, nhiều nông dân trắng tay, không trả được nợ ngân hàng và các cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Việc đầu tư sản xuất của nông dân không nắm bắt được nhu cầu của thị trường thiếu sự hỗ trợ tích cực của chính quyền, các ngành chức năng một lần nữa phải trả giá đắt.