Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Các nhà máy đường bắt tay nâng giá
18 | 01 | 2010
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần, có việc các nhà máy đường bắt tay để tăng giá bán. Dự báo, đến hết quý I - 2010 giá đường mới có thể giảm.

Giá đường trong nước lại tăng đột biến, Thứ trưởng có cho rằng việc đầu cơ, nâng giá bán có sự bắt tay giữa thương lái với các nhà máy đường?

Bắt tay giữa các thương lái với nhà máy đường thì tôi chưa khẳng định nhưng rõ ràng có việc các nhà máy đường bắt tay với nhau về giá.

Giá đường thế giới lên mức 800 USD/tấn thì giải pháp nhập khẩu đường mà Bộ đưa ra có tác dụng không?

Thực ra, chúng ta cố giữ ở mức hợp lý. Tại vì hiện nay, giá đường thế giới khoảng hơn 700 USD/tấn, trong khi giá đường bán buôn trong nước là 16.000 đồng/kg. Như vậy, các nhà máy đường đã lãi rất nhiều.

Chủ trương của Chính phủ là kiềm chế lạm phát, sốt giá. Do đó có đủ điều kiện để giữ ở mức giá hợp lý, tức là đảm bảo lợi ích hài hòa giữa nhà máy đường, nông dân và người tiêu dùng.

Ông dự báo như thế nào về giá đường trong năm nay?

Tôi nghĩ, đến hết quý I - 2010, giá đường sẽ xuống.

Vừa qua, Bộ Công Thương đề xuất cho nhập ngay đường can thiệp thị trường trong nước nhưng Bộ NN&PTNT lại chần chừ. Phải chăng có điều gì khác ở đây?

Không phải thế. Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương rất thống nhất trong việc cân đối cung - cầu trong nước. Năm nay, khả năng sản xuất đường của mình cỡ một triệu tấn thì nhu cầu sử dụng khoảng 1,3 triệu tấn. Tức là, xác định mình thiếu khoảng 300.000 tấn.

Bây giờ đang là vụ sản xuất đường chính vụ nên trước mắt chỉ cho nhập 150.000 tấn trong hạn ngạch. Khi vụ mía đường kết thúc vào cuối quý I, sẽ cho nhập tiếp 150.000 tấn nữa.

Các doanh nghiệp sản xuất đường phải đồng hành cùng Chính phủ. Không thể lợi dụng tình trạng thiếu đường để tăng giá - Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần

Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi, nếu thấy nhu cầu tiêu thụ trong nước lớn thì sẽ cân đối cho nhập tiếp để cân đối cung - cầu, vừa đáp ứng được yêu cầu, không gây khó khăn cho nông dân và doanh nghiệp chế biến.

Nhưng cũng có một số doanh nghiệp sản xuất đường lợi dụng chuyện này. Chúng tôi đã nói rõ, nếu các doanh nghiệp này không hạ xuống thì Chính phủ sẽ có giải pháp. Sáng nay, tôi đã báo cáo Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng về việc này.

Theo ông vì sao doanh nghiệp lại không chịu giảm giá bán?

Câu này hỏi Hiệp hội thì đúng hơn. Tôi nghĩ, tình hình giá thị trường tăng nhanh quá do đó các doanh nghiệp sản xuất đường cứ thế tăng giá mà không nghĩ tới quyền lợi của người tiêu dùng.

Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần
Tôi đồng ý là các anh cứ theo giá thị trường nhưng mà nên nhớ Việt Nam thực hiện cơ chế thị trường nhưng có kiểm soát của Nhà nước. Tức là, lên thì lên vừa phải, nhưng khi giá sản phẩm xuống thấp hơn giá thành thì lâu nay Nhà nước vẫn có hỗ trợ, không để các nhà máy đường khó khăn. Các doanh nghiệp sản xuất đường đã quá đơn giản chuyện này.

Tôi đã nói rõ, các doanh nghiệp sản xuất đường phải có trách nhiệm đồng hành cùng Chính phủ, không thể lợi dụng tình trạng thiếu đường để tăng giá. Chính phủ sẽ có giải pháp.

Tại buổi làm việc với Bộ, tôi yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất đường phải kéo giá xuống và các nhà bán lẻ cũng phải tính toán chi phí để kéo giá xuống mức hợp lý, “vừa” túi tiền của người tiêu dùng.

Nếu các nhà bán lẻ đường trong nước không hạ giá bán thời gian tới, Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương sẽ cho phép nhập khẩu đường thương mại miễn thuế để hạ giá bán trong nước.

Với giá mía đường cao như vừa qua, nông dân có được lợi không, thưa ông?

Lợi thì có nhưng vẫn không tương xứng với giá tăng cao như thế. Thực ra, giá giữa các vùng miền vẫn chưa đồng đều. Chẳng hạn, Đồng bằng sông Cửu Long đang mua mía là 1.000 đồng/kg nhưng chúng tôi khuyến cáo chỉ nên mua ở mức 800 - 900 đồng/kg.

Trong khi đó, ở khu vực phía Bắc, các nhà máy đường chỉ mua giá 500 - 600 đồng/kg thôi nhưng họ vẫn bán buôn đường với giá 15.000 đến 16.000 đồng/kg. Như vậy, rõ ràng các doanh nghiệp chế biến đường lãi rất cao chứ nông dân ở khu vực phía Bắc không được lãi nhiều đâu.



Theo Tiền Phong Online
Báo cáo phân tích thị trường