Giá sữa tăng- ý kiến của các đối tượng
Mọi năm cứ gần Tết Nguyên đán giá sữa đều tăng giá, tâm lý lo ngại ra Tết những sản phẩm sữa ngoại khan hàng, nên nhiều người tiêu dùng (NTD) đã có ý thức đi mua dự trữ sữa. Chính vì thế nhiều cửa hàng, đại lý bán sữa đã tự ý tăng giá, những mặt hàng sữa của Dumex, Abbot, Farley, Mead Johson giá tăng từ 5-7% trong đợt này.
TS Hồ Tất Thắng- Phó Chủ tịch Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết: giá sữa ở Việt Nam hiện cao một cách khác thường. Các công ty sản xuất sữa đưa ra mọi lý lẽ để biện minh là giá sữa bán trên thị trường Việt Nam tại sao tăng cao đến thế… mà vẫn được người tiêu dùng mua, vì thế họ nghiễm nhiên tăng giá.
Cũng theo ông Thắng thì cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động tháng 8/ 2009 là cơ hội cho các DN Việt Nam, là điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất, phát triển thị trường nội địa. Tuy nhiên, sữa Việt Nam chỉ thành công nếu các DN trong nước quan tâm nghiên cứu thị trường, tìm hiểu tâm lý và thị hiếu tiêu dùng của NTD, xây dựng thương hiệu, cải tiến mẫu mã, kiểu dáng, bao bì sản phẩm, áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến, đảm bảo chất lượng, đảm bảo an toàn, đảm bảo trách nhiệm sản phẩm, trách nhiệm xã hội, giảm chi phí, hạ giá thành, quan tâm đến các hoạt động hậu mãi và hình thành hệ thống phân phối.
Chị Phương- chủ cửa hàng sữa Toàn Thịnh trên phố Hàng Buồm (Hà Nội) cho biết: NTD bây giờ cứ vào là hỏi, “sữa nào bây giờ bán chạy, sữa nào uống tốt”. Khách hàng hiện nay mười người thì đến tám người mua sữa ngoại, hàng sữa nội ở cửa hàng chị bao giờ cũng khiêm tốn ở một góc nhỏ. Giá sữa ngoại đã tăng là cứ tăng chứ không bao giờ giảm. Sữa nội cũng quảng cáo trên truyền hình nhiều đấy, biết là tốt nhưng sao dân tình cứ sính ngoại, quay lưng với sữa nội?
Có bình ổn được không?
Trước tình hình một số mặt hàng sữa bột tăng giá bán, gây tâm lý không tốt đến người tiêu dùng và dư luận xã hội, Bộ Tài chính đề nghị Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Chi cục Quản lý thị trường, Sở Tài chính, Công Thương, Cục Thuế và các ban ngành có liên quan tăng cường kiểm tra, thanh tra giá các hàng hóa nói chung và mặt hàng sữa nói riêng, kiểm tra việc chấp hành quy định của Nhà nước về quản lý giá, bán hàng hoá, dịch vụ theo đúng giá.
Riêng đối với mặt hàng sữa, Bộ Tài chính đề nghị UBND tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện các biện pháp bình ổn giá. Cụ thể: Chỉ đạo các cơ quan tiến hành kiểm tra ngay các DN sữa và các đại lý trên địa bàn về thực hiện kết quả thanh tra tài chính và xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm pháp luật về giá. Kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý giá, thực hiện các biện pháp về kinh tế, hành chính theo thẩm quyền.
Công điện của Bộ Tài chính do Thứ trưởng Trần Xuân Hà ký cũng đề nghị các địa phương đình chỉ thực hiện các mức giá hàng hóa và dịch vụ do DN đã quyết định và yêu cầu thực hiện các mức giá trước khi có biến động bất thường; Phạt cảnh cáo, phạt tiền, thu hồi chênh lệch giá do tăng giá bất hợp lý hoặc tăng giá do tăng phí hoa hồng, phí quảng cáo so với quy định hoặc thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật. Tổ chức các đoàn kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của nhà nước về quản lý giá; kiểm soát chi phí, cơ cấu hình thành giá của các DN sữa, kiểm tra việc niêm yết giá. Đồng thời, xử lý nghiêm minh các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, đưa tin thất thiệt... theo quy định tại Nghị định 107/2008/NĐ-CP ngày 22/09/2008 của Chính phủ.
Tuy nhiên, những biện pháp trên đây mới chỉ là trên công điện, thực tế xem ra ít hy vọng, bởi các cơ quan chức năng đã “ra tay” nhiều lần, nhưng việc giá sữa leo thang thì vẫn đang diễn ra trên thị trường..