Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Bó tay với giá sữa?
06 | 01 | 2010
Giá sữa ngoại cao chót vót, ai cũng biết, kể cả các cơ quan chức năng, nhưng đại diện nhiều cơ quan chức năng cho rằng không thể xử lý vì thiếu các quy định

Ngày 1-1-2010, hãng sữa Dutch Lady VN đã điều chỉnh tăng giá các mặt hàng sữa từ 7%- 8%. Các hãng sữa Abbott, Mead Johnson cũng đã có thông báo đến các cửa hàng sẽ tăng giá bán từ 5%- 7,4%, tùy mặt hàng và áp dụng từ 9-1 tới... Theo giới kinh doanh sữa, kinh nghiệm từ những lần tăng giá trước, khi cùng lúc các hãng sữa lớn tăng giá sẽ kéo theo hàng loạt hãng sữa khác đua nhau tăng giá trong thời gian tới. Và như vậy sữa sẽ có mặt bằng giá mới.


Sữa ngoại vào đợt tăng giá mới (ảnh chụp tại siêu thị Co.opMart). Ảnh: H.Thúy

Đủ lý do để tăng giá


Giải thích về việc giá sữa tăng, đại diện Mead Johnson cho rằng giá sữa của họ từ tháng 7- 2008 đến hết năm 2009 không tăng, trong khi năm 2009 giá nguyên liệu sữa đã tăng gấp đôi từ 2.900 USD/tấn vào cuối năm 2008 lên 5.700 USD/tấn vào cuối năm 2009; giá đường tăng 100%, lạm phát tăng 7%- 10%, tiền đồng mất giá 10% so với USD... nên buộc hãng phải tăng giá. Chưa hết, Mead Johnson còn cho rằng chi trả khi kinh doanh tại VN là quá lớn, các loại thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp (DN), thuế giá trị gia tăng... cao.

Đại diện hãng sữa Abbott tại VN thì cho rằng cả năm 2009 cũng như tháng đầu năm 2010, giá sữa giao cho nhà phân phối tại VN của hãng này là ổn định (không tăng). Việc tăng giá bán trên thị trường là do nhà phân phối quyết định, Abbott không can thiệp... Ông Nguyễn Gia Khuyến, Giám đốc Công ty TNHH Dược phẩm 3A (đơn vị độc quyền phân phối sản phẩm Abbott tại VN), giải thích đơn vị tăng giá sữa bình quân 7,4% là do tỉ giá USD tăng chứ không có nguyên nhân nào khác. Ông Trương Văn Toàn, Trưởng Phòng Quản lý đối ngoại Công ty Dutch Lady VN, cho rằng việc tăng giá lần này là do giá nhập khẩu nguyên liệu tăng, tỉ giá tăng...


Không bất ngờ trước cách giải thích của các hãng sữa bởi thực tế mỗi lần tăng giá các hãng đều viện dẫn đủ lý do... Tuy nhiên, theo ông Phạm Ngọc Châu, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Hanco, giá sữa nguyên liệu trên thế giới hiện nay là 3.800 USD/tấn (giá đã nhập về tới cảng) cộng với thuế nhập khẩu 3% thì chỉ hơn 70.000 đồng/kg. Nếu cộng với các chất bổ sung, bao bì, chi phí sản xuất thì một hộp sữa trọng lượng 1 kg có giá thành khoảng 100.000 đồng. Tuy nhiên, phần lớn các hãng sữa chỉ tung ra thị trường loại 900 g, nhưng hàng trong nước sản xuất đã có giá bán từ 130.000 đồng- 140.000 đồng/hộp, còn hàng ngoại được đẩy giá lên từ 300.000 đồng/hộp trở lên.


Kẽ hở lớn


Theo các chuyên gia kinh tế, diễn biến giá sữa những năm gần đây cho thấy hầu như tất cả quy định hiện hành về quản lý giá sữa đều không khả thi, khó thực hiện được và các DN dễ dàng “lách”. Điển hình nhất là Thông tư 104 của Bộ Tài chính hướng dẫn nghị định có liên quan đến giá sữa quy định trong vòng 15 ngày, nếu DN tăng giá sữa 20% trở lên là vi phạm, sẽ áp dụng các biện pháp bình ổn giá... Quy định tưởng rõ ràng vậy nhưng lại tạo kẽ hở lớn cho DN: Các DN cứ âm thầm điều chỉnh giá, mỗi lần điều chỉnh 5% -10% là... ngoài vòng kiểm soát.


Bà Quách Tố Dung, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, cũng như ông Lê Xuân Đài, Phó Chi Cục trưởng Chi cục QLTT TPHCM, đều thừa nhận đang gặp nhiều khó khăn trong quản lý mặt hàng này. Bà Dung cho biết việc kiểm soát giá sữa hiện nay cũng chưa thể kiểm tra, xử lý gì được vì ngành tài chính chưa quy định việc kê khai, đăng ký giá đối với mặt hàng này để đưa vào diện quản lý nên các cơ quan quản lý thị trường không có cơ sở kiểm tra, xử lý đến nơi đến chốn...


Nên đưa sữa vào nhóm hàng phải quản lý


Từ thực trạng trên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng các cơ quan chức năng cần linh hoạt hơn trong quản lý giá sữa. Hướng sắp tới, nên căn cứ vào chi phí đầu vào để quản lý giá sữa. Trường hợp các DN sữa tăng giá bất hợp lý, cơ quan chức năng có thể tiến hành kiểm tra và áp dụng các biện pháp yêu cầu giảm giá. Ngoài ra, cần đưa mặt hàng sữa vào danh sách hàng hóa do Nhà nước quản lý, bình ổn giá, ban hành khung giá trần để khống chế tăng giá vô tội vạ... Tuy nhiên, về lâu dài, để bình ổn giá sữa, cần tạo cơ chế cạnh tranh lành mạnh cho những DN sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh sữa theo hướng tạo điều kiện cho nhiều DN nhập khẩu, phân phối sữa. Khi có nhiều DN tham gia vào thị trường này sẽ tạo động lực cạnh tranh, DN buộc phải chủ động điều chỉnh giá...


TS Đinh Sơn Hùng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, nhấn mạnh cần phải xem xét nguyên nhân tăng giá sữa từ đâu, cung cầu như thế nào, có dấu hiệu đầu cơ không? Không để tình trạng độc quyền của các hãng sữa ngoại như lâu nay. Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Trưởng Ban Tuyên truyền Hội Luật gia TPHCM, cho rằng cần phải thanh tra lại giá sữa với đầy đủ các bộ, ngành. Tính toán lại vì đây là mặt hàng thiết yếu dành cho trẻ em và người già, người bệnh nên đưa sữa vào nhóm các mặt hàng phải quản lý. Quy định về giá sữa phải hợp lý, không xâm hại đến quyền lợi người tiêu dùng. Và theo luật sư Hậu, cơ quan chức năng vẫn có thể sử dụng các biện pháp kỹ thuật mà nhiều nước áp dụng để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như cấm nhập khẩu hoặc tăng thuế...


TS Nguyễn Mộng Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM, cũng lưu ý: Chính tâm lý sính ngoại, tin tưởng quá mức vào công dụng, chất lượng sữa ngoại và sẵn sàng chi tiền mua sữa đắt tiền cho con của một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng ở thành thị là cơ sở để DN sữa “làm giá”.

Chưa có cơ chế quản lý giá sữa


Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), ông Nguyễn Anh Tuấn, cho biết: Theo quy định hiện hành, chỉ các DN có 50% vốn sở hữu nhà nước mới phải đăng ký giá. Đối với mặt hàng sữa, việc đăng ký chỉ phải thực hiện cho các loại sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.


Do những bất cập về cơ chế quản lý giá sữa trong thời gian qua, Bộ Tài chính đang soạn thảo thông tư thay thế Thông tư 104 về quản lý giá các nhóm mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá, gồm khoảng 30 mặt hàng, trong đó có mặt hàng sữa. Theo dự thảo, tất cả các tổ chức, cá nhân kinh doanh các mặt hàng nằm trong danh mục bình ổn giá phải thực hiện đăng ký giá với cơ quan quản lý, không phân biệt loại hình DN cũng như mặt hàng sữa dưới 6 tuổi.

P.Anh

1 năm sữa 4 lần tăng giá


Ngày 5-1, các cửa hàng kinh doanh sữa tại TPHCM cho biết 2 hãng sữa Abbott và Mead Johnson đã thông báo tăng giá từ 5%- 7,4% (áp dụng từ ngày 9- 1). Trong đó hãng sữa Mead Johnson có hơn 10 loại sữa tăng giá. Abbott có trên 20 loại tăng giá. Trước đó, từ ngày 1-1, hãng Dutch Lady VN cũng đã tăng giá bán từ 7%- 8%, Công ty CP Thực phẩm  Hanco tăng giá sữa 10%.


Tính từ đầu năm 2009 đến nay, các hãng sữa đã 4 lần điều chỉnh tăng giá. Cụ thể: Tháng 2-2009, một số hãng sữa tăng giá từ 4%- 5%; kế tiếp vào tháng 7-2009, giá sữa lại tiếp tục tăng từ 3%- 5%. Tháng 12-2009, với lý do giá đường, tỉ giá USD tăng cao nên giá sữa trên thị trường tiếp tục tăng từ 6%- 10% và lần này, các hãng sữa lại vào đợt tăng giá mới.



Theo www.nld.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường