Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tỷ phú tiêu
08 | 08 | 2007
Đến thôn 6, xã YaPlăng, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai, hỏi thăm, ai cũng biết anh Nguyễn Văn Luyến, một nông dân trồng tiêu giỏi. Anh tâm sự "Mẹ mất sớm, năm 1977, bố và ba anh em tôi bồng bế dắt díu nhau từ ngoại thành Huế^, đi vùng kinh tế mới tít tận vùng Chư Sê, tỉnh Gia Lai. Lúc đầu Nhà nước cấp cho gia đình 1,5 ha đất trống. Trong hơn 10 năm đầu, gia đình vật lộn với đất, trồng rau, màu lương thực, từng bước vượt qua cái đói.
Về sau, trong quá trình sản xuất, tôi đã chọn ra được một cây "chiến lược", đó là cây dong riềng. Chính cây này đã giúp gia đình thoát nghèo. Nhưng cứ trồng dong riềng mãi thì quá vất vả, tốn nhiều công sức, cây vắt kiệt độ màu mỡ của đất. Cuối thập niên 90, do hạt tiêu có giá, điều kiện tự nhiên nơi đây lại phù hợp với cây tiêu nên tôi đã quyết định trồng tiêu, quyết chí làm giàu. Đến nay gia đình tôi đã có 7 ha tiêu".

Năm 2005, từ 5 ha tiêu (13.000 nọc, thu bình quân 4 kg/nọc, bán giá 20.000 đồng/kg, anh Luyến đã thu về một tỷ đồng, trừ toàn bộ chi phí, còn lãi 500 triệu đồng. Để chủ động nguồn phân hữu cơ bón cho tiêu, gia đình anh nuôi 50 con bò để lấy phân. Anh thuê hai lao động chuyên chăn bò, lương 750.000 đồng/tháng. Trăn trở với nghề trồng tiêu, anh tâm sự "Bà con sợ thất giá hơn sợ thất mùa. Chúng tôi không hy vọng giá tiêu trở lại thời hoàng kim 60 – 70.00 đ/kg như trước đây, nay chỉ cần giá ổn định ở mức 20 – 25.000 đ/kg là sống được. Ngoài ra còn sợ tiêu bệnh, vườn tiêu nhà nào bị bệnh vàng lá, thối rễ, chết nhanh, lây lan chết dần chết mòn thì coi như trắng tay. Chúng tôi mong sao các nhà khoa học có cách nào trị hết bệnh cho hồ tiêu. Sợ thiếu vốn, vì xây dựng cơ bản để trồng 1 ha tiêu phải chi phí trên dưới 100 triệu đồng. Mặc dù đất Chư Sê có tiềm năng và lợi thế để trồng hồ tiêu, nhưng bà con còn nghèo lắm, nhất là đồng bào dân tộc, lấy gì để thế chấp vay ngân hàng."

Nói về dự kiến, kế hoạch sản xuất, kinh doanh hồ tiêu nay mai, anh cho biết "Sản phẩm hàng hóa của bà con chúng tôi thường bán dưới dạng thô, giá thấp. Tới đây chúng tôi sẽ liên kết lại, tiến hành sản xuất, chế biến, để có nhiều sản phẩm hồ tiêu có thương hiệu, bán được giá cao hơn."

(Nguon tin: NNVN)



Báo cáo phân tích thị trường