Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
FAO: Khoảng 20% loài giống vật nuôi có nguy cơ tuyệt chủng
13 | 06 | 2007
Ngày 15-12, Tổ chức Nông lương thế giới (FAO), cho biết, có khoảng 20% loài giống vật nuôi trên thế giới có nguy cơ tuyệt chủng, cứ mỗi tháng có một loài bị biến mất.
Theo Báo cáo dự thảo của FAO, chỉ riêng năm năm qua, đã có khoảng 60 giống bò, dê, lợn, ngựa và gia cầm đã bị tuyệt chủng. Báo cáo cho biết, nguồn gen các giống vật nuôi trên toàn thế giới là 7.600 loài, đã có 190 loài bị tuyệt chủng trong vòng 15 năm qua và hơn 1.500 loài đang có nguy cơ tuyệt chủng.

Tuần qua, khoảng 150 chuyên gia đến từ 90 quốc gia trên thế giới tụ họp tại Rome, Ý, để thảo luận và tìm ra giải pháp phục hồi tính đa dạng nguồn gen vật nuôi đã bị tuyệt chủng. 

Theo FAO, toàn cầu hoá thị trường súc sản, gia cầm là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến tính đa dạng các giống vật nuôi. 

Đối với chăn nuôi truyền thống thì sử dụng vật nuôi với đa mục đích (cả hàng hoá và dịch vụ), trong khi, đối với chăn nuôi hiện đại thì lại phát triển các loại giống chuyên biệt (để tối ưu hoá sản xuất). 

Ông Jose Esquinas Alcazar, Thư ký Uỷ ban Nguồn gen nông nghiệp và lương thực của FAO, cho biết, bảo tồn tính đa dạng nguồn gen vật nuôi sẽ cho phép các thế hệ con cháu của chúng được tuyển chọn tốt hơn hoặc cho phép nghiên cứu, phát triển tạo ra những loài mới có khả năng thích nghi với sự thay đổi của thời tiết, có sức đề kháng với bệnh tật và phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Chăn nuôi gia súc, gia cầm đã tạo việc làm và thu nhập cho 1 tỷ người trên toàn thế giới, trong đó, khoảng 70% dân nghèo tại khu vực nông thôn sống phụ thuộc vào ngành chăn nuôi. 

Theo FAO, hiện tại, ngành chăn nuôi đang chiếm khoảng 30% GDP nông nghiệp của các nước đang phát triển và nó sẽ chiếm khoảng 40% GDP nông nghiệp của những nước này, vào năm 2030.



Theo Agroviet
Báo cáo phân tích thị trường