Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ
01 | 09 | 2007
Năm 2006, hoạt động thương mại dịch vụ đã đạt và vượt mục tiêu đề ra, góp phần quan trọng bảo đảm tăng trưởng kinh tế ở mức hơn 8%. Mặc dù gặp nhiều khó khăn do thiên tai, do biến động thất thường về cung cầu, giá cả của thị trường thế giới, nhưng chúng ta đã đẩy mạnh sản xuất hàng phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Nhờ đó, không chỉ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ, mà còn phát triển và mở rộng thị trường trong nước. Việc tổ chức tốt sản xuất và ổn định thị trường trong nước tạo tiền đề tăng trưởng cao giá trị xuất khẩu, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế bền vững.

Ðiểm sáng xuất khẩu

Theo Bộ Thương mại, đến hết tháng 11, giá trị xuất khẩu hàng hóa cả nước đạt 36,27 tỷ USD, tăng 23,7% so cùng kỳ năm 2005. Nếu kim ngạch xuất khẩu tháng 12 đạt 3,3 tỷ USD (bằng mức bình quân 11 tháng) thì năm nay kim ngạch xuất khẩu đạt ít nhất: 39,5 tỷ USD, tăng 22% so năm 2005, vượt mục tiêu năm 2006 là 4,8%. Ðã có tám mặt hàng xuất nhập khẩu chủ lực đạt hơn một tỷ USD gồm dầu thô, dệt may, giày dép, thủy sản, hàng điện tử, sản phẩm gỗ, gạo và cao-su. Về thị trường ngoài nước, theo số liệu hải quan 10 tháng, xuất khẩu hàng hóa nước ta tăng trưởng cao tại một số thị trường lớn như Mỹ (tăng 36%), EU (tăng 31%), Nhật Bản (tăng 20%), ASEAN (tăng 19%). Giá trị hàng hóa nhập khẩu 11 tháng đạt 40,76 tỷ USD, tăng 21,4% so cùng kỳ năm 2005. Mức nhập siêu 4,49 tỷ USD, bằng 12% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Theo đánh giá của Bộ Thương mại, trong năm, thị trường ngoài nước phát triển thuận lợi. Nhiều DN đã cố gắng tiếp cận và mở thêm thị trường, tìm đối tác mới, tăng quy mô xuất khẩu, kể cả một số thị trường đã và đang gặp phải rào cản kỹ thuật... Các cấp, các địa phương, các doanh nghiệp, tập trung cao độ, chỉ đạo sản xuất và xuất khẩu, nhất là tại các vùng có lượng hàng hóa lớn như đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, những khu công nghiệp và đô thị lớn... Về điều hành vĩ mô, Chính phủ tạo mọi điều kiện thông thoáng môi trường xuất khẩu; kiên quyết dỡ bỏ rào cản theo các cam kết quốc tế. Thúc đẩy phát triển lực lượng sản xuất và hoạt động xuất khẩu. Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm, theo dõi sát sao và chỉ đạo trực tiếp nhiều hoạt động sản xuất và xuất khẩu. Các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là khu vực năng động và đạt hiệu quả cao trong xuất  khẩu và điều hòa cán cân thương mại.

Phát triển sâu rộng thị trường trong nước

Theo Bộ Thương mại, đến hết tháng 11, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội cả nước đạt 523,42 nghìn tỷ đồng, tăng 20,7% so cùng kỳ năm 2005. Chỉ số giá tiêu dùng 11 tháng tăng 6% so cùng kỳ năm 2005 là 7,6%. Như vậy, thị trường trong nước tiếp tục phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu. Liên tiếp mấy năm gần đây, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ xã hội năm sau luôn tăng hơn năm trước, chung quanh mức 20%, chứng tỏ sức mua xã hội tăng nhanh, đời sống các tầng lớp dân cư được cải thiện rõ rệt. Phương thức kinh doanh, mua bán hiện đại văn minh tại siêu thị, cửa hàng tự chọn, trung tâm thương mại... phát triển nhanh. Sự tham gia thị trường phân phối (cả bán buôn và bán lẻ) của một số DN nước ngoài, tuy trong giai đoạn thí điểm, trở thành xúc tác, tạo "cú hích" vừa là đối trọng, vừa giới thiệu hình mẫu cho thương nhân và một bộ phận người tiêu dùng tại thị trấn, thị tứ đổi nhanh nhận thức về văn hóa kinh doanh, văn hóa tiêu dùng.

Chỉ số giá tiêu dùng năm nay được dự báo ở mức dưới 7% (năm 2005: 8,4%) thấp hơn chỉ số tăng trưởng kinh tế là thành công lớn của Chính phủ trong việc kiểm soát lạm phát, bình ổn thị trường trong nước. Hàng loạt biện pháp được áp dụng như linh hoạt điều chỉnh giá bán lẻ và thuế suất nhập khẩu xăng dầu, cho nhập khẩu có điều kiện đường ăn, muối công nghiệp... phát huy tác dụng kịp thời.

 Quan trọng hơn, phần lớn số DN và người tiêu dùng đã nhận thức và chấp nhận mặt bằng giá mới đang trong quá trình tiếp cận giá quốc tế với các mặt hàng thiết yếu, nhạy cảm như xăng, dầu, thép, xi-măng, phân bón, đường... Thị trường trong nước được đánh giá phát triển lành mạnh, về cơ bản lượng hàng hóa cung luôn vượt cầu. Về giá một số mặt hàng, như lương thực thực phẩm có lúc biến động nhưng chỉ trong thời gian ngắn, chủ yếu do tác động thiên tai, dịch bệnh trên vật nuôi, cây trồng.

 Có thể nói, năm 2006, chúng ta đã thành công khi điều hành nền kinh tế theo hướng thị trường định hướng XHCN, từng bước tiếp cận giá thế giới, nhưng không để xảy ra biến động lớn.

Công tác quản lý thị trường trong nước được thực hiện đều khắp với sự hợp tác chặt chẽ của ngành chức năng, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống hàng giả, hàng kém chất lượng, buôn lậu và gian lận thương mại.

Những giải pháp trong năm 2007

Từ  hiệu quả và cả hạn chế của năm 2006, công tác điều hành xuất khẩu năm 2007 và các năm tới cần tổ chức triển khai thực hiện các chính sách giải pháp đồng bộ thúc đẩy xuất khẩu. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 2007 phải bảo đảm tăng từ 17,5% trở lên so với 2006. Tập trung cao cho các mặt hàng có giá trị lớn như dệt-may, giày dép, thủy sản, linh kiện điện tử, đồ gỗ, cao-su, cà-phê, gạo, v.v... Tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ sang Algeria, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, các nước ASEAN. Ðồng thời, nâng quy mô xuất khẩu những mặt hàng có nguồn hàng, có thị trường như hàng thủ công mỹ nghệ, cơ khí, nhựa, xe đạp, xe máy... Khuyến khích các đơn vị tìm kiếm thị trường mới ở khu vực châu Phi, Trung Ðông, Australia và New Zealand.

 Năm 2007, với tư cách là thành viên WTO, là năm đầu hoạt động, xuất nhập khẩu cần tận dụng cơ hội và hạn chế những thách thức, đặc biệt cần thực hiện đầy đủ các cam kết đa phương, song phương trong hoạt động xuất  khẩu. Ðối với những hàng xuất  khẩu phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, để tăng sức cạnh tranh, cần nhanh chóng chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước, hạn chế phụ thuộc vào nhập khẩu, xây dựng và bảo vệ thương hiệu, đầu tư thích đáng cho khâu thiết kế mẫu mã và tiếp thị, tăng giá trị gia tăng trên mỗi đơn vị sản phẩm. Ðẩy mạnh xuất khẩu hàng dệt may và giày dép, nhưng không coi nhẹ thị trường trong nước với hơn 80 triệu dân. Về gạo, trước diễn biến phức tạp của sâu bệnh và thời tiết, công tác điều hành xuất khẩu gạo cần chủ động và linh hoạt theo nguyên tắc bảo đảm an ninh lương thực, người sản xuất gạo và DN xuất khẩu gạo cùng có lợi... Hợp tác chặt chẽ với các quốc gia xuất khẩu gạo trên thị trường thế giới. Trong nước có biện pháp đầu tư xây dựng kho tàng, công nghệ chế biến bảo quản, giảm thất thoát sau thu hoạch, nhằm nâng chất lượng và giá gạo xuất khẩu.

Ngành thương mại đã xác định công tác điều hành thị trường trong nước thời gian tới là tiếp tục tập trung vào tổ chức và củng cố hệ thống phân phối các mặt hàng thiết yếu nhằm bảo đảm bình ổn giá cả, nâng cao hiệu quả hoạt động thị trường trong nước cũng như tuân thủ các cam kết quốc tế. Thực hiện kế hoạch hành động đến năm 2010. Tập trung trong mọi tình huống phải bảo đảm không thiếu nguồn cung hàng hóa với giá hợp lý, đồng thời phát hiện và xử lý mọi hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trục lợi.


E-TradeNews
Báo cáo phân tích thị trường