Vào những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ XX, ngành cà phê bắt tay vào thực hiện các hiệp định hợp tác sản xuất cà phê với Liên Xô, và các nước XHCN Đông Âu. Các vườn cà phê trồng ngày đó đến nay đã trên 25 năm tuổi, bắt đầu già cỗi.
Diện tích cà phê năm 1985 là 44.600 ha và năm 1990 là135.500 ha. Trong thời gian qua, nhiều diện tích cà phê đã có những biến đổi do thiếu vốn chăm sóc, do thiên tai … nên đã bị phá bỏ. Như vậy, diện tích cà phê ở độ tuổi trên 20, 25 năm không phải là nhiều, chỉ trong vòng 100.000 đến 120.000 ha. Tuy nhiên cũng có không ít những vườn cà phê tuy chưa đến 20 năm nhưng đã có hiện tượng suy thoái, biểu hiện ở bộ tán cây nhiều cành vòi voi, ít cành thứ cấp và năng suất thấp dần.
|
Cần đầu tư để tái canh vườn cà phê để nâng cao chất lượng sản phẩm và tạo sự phát triển bền vững cho ngành cà phê VN. Ảnh: Internet |
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên có lẽ do những năm qua chúng ta đã chủ trương thâm canh cao độ, khai thác tối đa sản lượng vườn cà phê bằng cách bón phân, tưới nước với lượng đầu tư lớn. Một diện tích khá lớn vườn cà phê ở các tỉnh Đălăk, Gialai, Kontum trên đất đỏ bazan và đất không phải bazan hằng năm đã cho thu hoạch 15 đến 20 tấn, thậm chí có nơi đạt 25 tấn quả tươi. Cái sinh khối mà ta lất đi hằng năm từ vườn cây khá lớn, mặc dầu người ta đã bón một lượng khá lớn phân hóa học cho cà phê nhưng do hầu hết bón với lượng lớn tập trung và thiếu phân hữu cơ nên dẫn đến dinh dưỡng bị xói mòn, rửa trôi mất nhiều.
Tổng diện tích cà phê hiện nay vào khoảng 530.000 ha. Cần có kế hoạch trồng thay thế luân phiên diện tích cà phê, trước mắt diện tích cà phê tái canh có thể chiếm tới 1/3, tức vào khoảng 150.000 ha đến 180.000 ha cà phê. Đây là một khối lượng công việc không nhỏ và nó đòi hỏi một kế hoạch hoàn chỉnh, một sự chỉ đạo kỹ thuật chặt chẽ và một nguồn đầu tư thỏa đáng.
Để thực hiện chương trình tái canh cà phê trên quy mô lớn, chúng ta cần nghiên cứu các kinh nghiệm trong nước và nước ngoài.
Kinh nghiệm các nước trên thế giới về tái canh cà phê
-Colombia: Tổng diện tích cà phê Colombia vào khoảng 900.000 ha tương đường 1,7 lần tổng diện tích cà phê Việt Nam. Để nâng cao sản lượng tới mức 17 triệu bao vào vụ 2014- 2015, Colombia thực hiện chủ trương trồng thay thế 300.000 ha cà phê già cho đến năm 2012. Theo chương trình này thì năm 2010, tối thiểu 100.000 ha cà phê trồng thay thế đã đi vào kinh doanh với sản lượng 1,2 triệu bao (năm 2009, sản lượng cà phê nước này đạt 0,9 triệu bao). Với hai chương trình: nâng cao khả năng cạnh tranh và tạo sự bền vững lâu dài cho ngành cà phê, Colombia mỗi năm hạn chế đổi mới 20% diện tích cà phê cho mỗi chủ vườn và thiết kế đổi mới 300.000 ha cà phê đến tuổi già cỗi, hàng năm đổi mới 70.000 ha cho tới năm 2020.
Nhà nước thông qua quỹ cà phê hỗ trợ tiền phân bón cho cà phê với mức 7USD/ cây. Nhà nước chi trả 40% các khoản nợ cho nông dân vay cho chương trình tái canh. Tiền lãi do quỹ cà phê trả.
-Ấn-độ: Để giúp nông dân trồng lại các vườn cà phê thay thế các vườn cà phê già cỗi, chính phủ Ấn-độ đã tài trợ cho ngành cà phê một khoản ngân sách lớn, tới 1 tỷ rupi Ấn-độ (1USD= 48,96 rupi) trong kế hoạch năm năm từ 2007 đến 2012 với diện tích là 40.000 ha. Một nông dân có đến 2 ha trồng cà phê tái canh được trợ cấp bằng 40% giá thành trồng lại.
Giá thành trồng lại 1ha cà phê Arabica dự tính hết 100.000 rupi Ấn- độ, tương đương 2000USD và 1ha cà phê Rubusca dự tính hết 70.000 rupi Ấn- độ, tương đương 1400 USD.
Những thí điểm trồng cà phê tái canh không thành ở Việt Nam
Tái canh cà phê trên đất cà phê bị rệp sáp phá hoại phải thanh lý ở hai nông trường của Xí nghiệp liên hiệp Việt Đức cũ thuộc huyện Krông Ana tỉnh Đăklăk. Sau khi phá vườn cà phê bị rệp sáp nặng, nông trường đã gieo ngô, sau 2 vụ ngô để trồng lại cà phê. Cà phê không sống được.
Chuyển vườn cà phê Rubusta thanh lý sang trồng cà phê Arabica ở một số vùng cà phê Đăklăk nhưng không thành công.
Nguyên nhân của sự thất bại trên có thể nêu:
- Vấn đề sâu bệnh, đặc biệt là tuyến trùng và Fusarium với cây cà phê Arabica.
- Vấn đề suy thoái của độ phì nhiêu của đất sau nhiều năm trồng cà phê Robusta. Đất bị khai thác kiệt không đủ sức nuôi cây cà phê mới nếu không qu các khâu kỹ thuật cải tạo đất.
Những kinh nghiệm tái canh cà phê thành công ở Việt Nam
Có những công ty thuộc Tổng công ty Cà phê Việt Nam đã tiến hành trồng lại những vườn cà phê từ năm 2007, 2008 đến nay. Có thể giới thiệu hai cách làm như sau:
- Phá bỏ vườn cà phê Rubusta già cỗi làm đất xong trồng lại ngay ở các nông trường cà phê Iagrai và Iasao 2 thuộc tỉnh Gialai.
- Làm đất kỹ, dọn sạch rễ, thân củ, đào hố rộng, bón nhiều phân hữu cơ, phân bón, vôi là những yêu cầu kỹ thuật quan trọng
Những kinh nghiệm rút ra từ thực tế
Chúng ta không thể trồng lại ngay cà phê trên những vùng đất có nguồn sâu bệnh ở mức độ nguy hiểm. Cần kiểm tra đất ở các vườn cà phê già cỗi, có vấn đề bệnh rễ do tuyến trùng và Fasarium. Không thể trồng ngay các vườn cà phê Arabica trên đất trồng cà phê Robusta già cỗi mà không qua xử lý đất.
Có thể trông lại các vườn cà phê Robusta với yêu cầu đầu tư đầy đủ. Theo kinh nghiệm các nông trường cà phê vùng Iagrai và Iasao thì để trồng lại thành công một vườn cà phê Robusta phải đầu tư cho năm trồng mới và 2 năm chăm sóc tiếp theo 120 triệu/ha tương đương 6000 USD. Riêng năm đầu trồng mới hết khoảng 3000 USD. Hiện nay cá chủ vườn nhận khoán đang tự trang trãi các khoản chi tiêu.
Một số kiến nghị
Qua những nội dung đã trình bày, có thể đề xuất một số kiến nghị sau:
1) Nhà nước cần có chính sách và kế hoạch cho chương trình tái canh cà phê, xác định diện tích tái canh hằng năm từ nay đến 2020.
2) Tổ chức chuyển giao kỹ thuật tái canh cho nông dân với các mô hình trình diễn.
3) Xác định mức kinh khí đầu tư cho diện tích tái canh có phần hỗ trợ của ngân sách nhà nước. Một số vật tư như phân bón cho cà phê và một phần lãi vay ngân hàng cần được trợ cấp.
Hội thảo thường niên về Dự báo triển vọng thị trường nông nghiệp Việt Nam được tổ chức vào ngày 12-5-2010, tại TP Hồ Chí Minh
Thông tin đăng ký tham dự xin liên hệ:
Trung tâm Tư vấn Chính sách Nông nghiệp (CAP)
16 Thụy Khuê - Tây Hồ - Hà Nội
Điện thoại: (04.) 37280491