Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
DN và người trồng mía : Cần “bắt tay” chặt chẽ
26 | 05 | 2010
Mặc dù đã có “thâm niên” 15 năm phát triển nhưng đến nay, ngành mía đường vẫn đang trong tình trạng… thụt lùi. So với 2 - 3 năm trước, sản lượng mía đường đã giảm khoảng 40 - 50%. Thời điểm này đang là vụ sản xuất mía đường của năm 2010, song các nhà máy vẫn thiếu nguyên liệu trầm trọng, chỉ có 60 – 70% số các nhà máy hoạt động được 80% công suất. Cung không đủ cầu khiến nước ta sẽ phải nhập khẩu 200.000 tấn đường trong năm 2010.

Ông Đoàn Xuân Hòa – Phó Cục trưởng Cục chế biến thương mại nông, lâm, thủy sản và nghề muối (Bộ NN - PTNT) khẳng định: “Việc cân đối về nhập khẩu đường sẽ được bổ sung, xem xét và quyết định trong tháng 7 tới”.

Thực trạng buồn

Hội nghị tổng kết sản xuất mía đường niên vụ 2009 - 2010 do Bộ NN-PTNT tổ chức vừa diễn ra tại Hà Nội đã chỉ ra quá nhiều khó khăn, bất ổn của ngành mía đường VN. Khó khăn lớn nhất hiện nay của ngành vẫn là bài toán nguyên liệu, bởi từ năm 1999 đến nay, năng suất, chất lượng mía của VN không có gì đột biến. Do các vùng trồng mía nhiều năm không được đầu tư cơ giới hóa để cày lật, cải tạo đất khiến độ phì nhiêu giảm, ảnh hưởng không nhỏ tới năng suất. Điều này khiến người nông dân chặt bỏ cây mía để trồng những loại cây khác có thu nhập cao hơn như cà phê, điều, cây ăn quả...

Theo ông Đoàn Xuân Hòa, cơ chế đầu tư giữa các nhà máy đường rất khác nhau. Có DN ứng trước vốn cho nông dân mua giống, phân bón. Nhưng cũng có DN chỉ hỗ trợ kỹ thuật canh tác. Không ít các DN không đầu tư cho nông dân nhưng lại đưa ra chính sách mua giá cao. Vì vậy mới có chuyện DN đã bỏ tiền đầu tư hỗ trợ nông dân thì không thể mua giá mía cao, trong khi DN không đầu tư lại mua nguyên liệu “phá giá” làm náo loạn thị trường.

Theo báo cáo của các nhà máy, năng suất mía nguyên liệu thực tế bình quân niên vụ 2009 – 2010 chỉ đạt 51,7 tấn/ha. Tổng sản lượng mía các nhà máy đường thu mua được là 9.747.800 tấn, chỉ đáp ứng 61,2% tổng công suất thiết kế của các nhà máy. Riêng trong tháng 4/2010, đã có 35 nhà máy đường dừng sản xuất, chỉ có 5 nhà máy đang hoạt động, nhưng cũng chỉ hoạt động cầm chừng.

Tình trạng cung không đủ cầu đã đẩy giá đường tại thị trường nội địa tăng mạnh trong những tháng đầu năm 2010 dù giá đường thế giới đang hạ. Thời điểm cuối tháng 4, tại thị trường Hà Nội, giá đường đã lên đến 19.500 đồng/kg, trong khi đó tại Đà Nẵng, giá đường cũng lên tới 17.760 đồng/kg, tăng 0,7% so với tháng 3/2010.

Phát triển liên kết

Về phía DN, theo đề nghị của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Diệp Kỉnh Tần, ngay từ bây giờ các nhà máy phải tự cứu lấy mình bằng cách ngồi lại với nhau để giải quyết vấn đề quy hoạch, đầu tư vùng nguyên liệu. Các DN cũng nên xây dựng vùng nguyên liệu cho riêng mình, chấm dứt ngay tình trạng tranh giành nguyên liệu diễn ra nhiều năm để sản xuất lâu dài.

Ông Hà Hữu Phái - Tổng Thư ký Hiệp hội mía đường VN cho biết, trong thời gian tới, Hiệp hội Mía đường cần nghiên cứu để đưa ra một giá chuẩn đăng ký với Chính phủ, Bộ Tài chính bởi đường là mặt hàng Nhà nước kiểm soát giá chặt chẽ, dựa vào mức giá đăng ký đó để bình ổn thị trường.

Tuy nhiên, về lâu, về dài, để đảm bảo được chất lượng sản phẩm, Cục Trồng trọt cũng yêu cầu chính quyền địa phương, các Cty đường cần hướng dẫn người trồng mía tăng cường các biện pháp kỹ thuật trong sản xuất, thâm canh nâng cao năng suất dể cây mía có đủ khả năng cạnh tranh với cây trồng khác. Cục cũng yêu cầu các DN và nông dân cần “bắt tay” chặt chẽ trong việc chia sẻ lợi ích, đầu tư vốn và vật tư sản xuất...



Theo DDDN
Báo cáo phân tích thị trường