Một trong những lý do của tình hình trên là chè xuất khẩu đã từng bước được nâng cao chất lượng. Ngoài ra, một số DN cũng đã chú ý đến uy tín thương hiệu. Tuy nhiên, "hưởng thêm" khoảng 6 triệu USD khi phải bán tới 60 nghìn tấn sản phẩm là điều rất đáng phải suy nghĩ. Lấy Lipton, thương hiệu trà đen đã khá nổi tiếng, quen thuộc, làm ví dụ. Tại thị trường Việt Nam, một nhãn hàng Lipton có thời điểm có giá 93.900 đồng/hộp 100 gói, mỗi gói 2g. Tính ra, 1kg trà Lipton đạt 469.500 đồng; giá thành 1 tấn trà Lipton lên tới 469.500.000 đồng, tương đương 24.710 USD.
Khoảng cách giữa thành phẩm - 24.710 USD (một nhãn hàng Lipton) với "đồ thô" - 1.340 USD (sản phẩm chè xuất khẩu của Việt Nam) lớn như thế nào thì không cần máy tính cũng ra. Buồn thêm nữa là ngay với mức giá "đáng phấn khởi" 1.340 USD, giá chè Việt Nam cũng mới bằng 40-50% giá chè xuất khẩu cùng loại của các nước. Trong khi đó, Việt Nam là "cường quốc chè" lớn thứ 5 thế giới.
Trong một lĩnh vực khác, ta cũng là cường quốc: Dệt may. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, 5 tháng đầu năm 2010, toàn ngành xuất khẩu được 3,8 tỷ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước.
Vấn đề ở chỗ ta hưởng lợi bao nhiêu, tăng trưởng lợi nhuận là bao nhiêu hay chỉ lấy sức công nhân... làm lãi? Câu trả lời là DN Việt Nam "bị" nhà nhập khẩu chỉ định từ mua nguyên phụ liệu đến phải may theo mẫu đặt và được hưởng... 5% - 10% giá trị của sản phẩm. Tại sao nhà nhập khẩu, phân phối lại ăn? Vì họ đầu tư, xây dựng, quảng bá thương hiệu. Họ ăn ở "chốt chặn" có nhiều giá trị gia tăng nhất.
Đây cũng là vấn đề đối với nhiều ngành khác.
DN Việt Nam bán cả tạ chè không bằng Lipton bán mấy cân trà; DN Việt Nam hì hụi may không bằng mấy DN nhập khẩu, dán nhãn mác và đưa hàng hóa ra thị trường... Nhưng ăn xổi thì tất yếu sự nó vậy.
Đâu phải các DN trong nước không biết nhưng một số DN vẫn khoái miếng thịt tươi hơn là con lợn trong chuồng. Miếng thịt ăn được ngay còn con lợn thì phải nuôi, phải giết mổ...