Những con số “mơ ước”
Theo số liệu của Tổng cục thống kế, năm 2009 lượng chè xuất khẩu của Việt Nam đạt 134.000 tấn với kim ngạch đạt 179,5 triệu USD, tăng 28,4% về lượng và tăng 22,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2008.
Thị trường xuất khẩu chè của Việt Nam năm 2009 có tốc độ tăng trưởng mạnh là Ấn Độ đạt 8.371 tấn với kim ngạch 9,6 triệu USD, tăng 142% về lượng và tăng 181,8% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái; Hoa Kỳ đạt 5.353 tấn với kim ngạch 5,7 triệu USD, tăng 42,3% về lượng và tăng 89,5% về trị giá; Indonesia đạt 6.000 tấn với kim ngạch 5,7 triệu USD, tăng 68,7% về lượng và tăng 72,2% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái…
Bên cạnh thị trường xuất khẩu, sản lượng và giá trị chè tiêu thụ tại thị trường nội địa trong năm 2009 cũng có sự tăng trưởng mạnh. Nhưng nhu cầu về chất lượng sản phẩm của người tiêu dùng không tăng.
Và những mối lo…
Tiếp xúc với nhiều người dân và doanh nghiệp (DN) trồng, chế biến và kinh doanh chè ở tỉnh Thái Nguyên (vùng đất trồng chè lớn thứ 2 cả nước sau Lâm Đồng), chúng tôi nhận thấy, họ có rất nhiều mối lo về kinh tế cây chè trong năm 2010. Ông Phạm Văn Quân – Trưởng phòng kỹ thuật Công ty Cổ phần Vạn Tài (trụ sở công ty tại Thôn Phúc Tài, xã Phúc Thuận, huyện Yên Phổ, tỉnh Thái Nguyên chia sẻ, công ty chúng tôi chuyên chế biến chè an toàn để xuất khẩu, với 2 loại sản phẩm là trà ô long và mật hồng trà. Hai loại sản phẩm này có giá dao động từ 400 đến trên 1 triệu đồng /1kg. Vấn đề mà chúng tôi gặp phải là thị trường nội địa chưa có nhu cầu lớn về mặt hàng cao cấp này, trong khi với thị trường xuất khẩu thì chúng tôi khó đáp ứng đủ số lượng cho mỗi đơn hàng. Bởi công ty mới chỉ có 10ha chè an toàn, trong khi mỗi đơn hàng của bạn hàng nước ngoài thì phải từ 10 tấn chè khô trở lên cho một chuyến hàng xuất khẩu. Chúng tôi đi thu mua chè của dân nhằm đáp ứng số lượng nhưng phải đảm bảo chất lượng để chế biến chè an toàn thì không thể mua được, dù đã nâng giá thu mua lên gấp 5 -7 lần so với giá chè thông thường. Chính vì vậy, công ty chúng tôi cũng như nhiều DN xuất khẩu chè ở đây không ít lần phải từ chối những đơn đặt hàng hấp dẫn. “DN chế biến và kinh doanh chè thường phải nằm tại vùng trồng nguyên liệu ở các thôn, bản, xã. Vậy mà, chi nhánh của các ngân hàng tại đây không thể cho phép chúng tôi thực hiện được việc mở tài khoản ngoại tệ, giao dịch quy đổi ngoại tệ và chuyển khoản bằng ngoại tệ. Muốn làm được việc này, buộc chúng tôi phải mất công, mất sức, mất thời gian lặn lội lên thành phố mới làm được, trong khi bạn hàng thì không thể cứ ngồi chờ chúng tôi. Đây thực sự là một bất cập đối với tất cả DN nằm tại vùng nguyên liệu”, ông Quân cho biết thêm
Không chỉ doanh nghiệp bức xúc, người nông dân trực tiếp trồng và chăm sóc cây chè cũng gặp phải cảnh “dở khóc dở cười”. Bà Hoàng Thị Thanh ở Phổ Yên – Thái Nguyên chia sẻ: “Nương chè của gia đình này nằm sát nương của gia đình kia, nếu mình làm chè an toàn mà hàng xóm không làm thì mình cũng không thể làm được. Vì chỉ cần họ phun thuốc cho chè nhà họ thôi là chè nhà mình đã không đạt tiêu chí an toàn rồi. Việc để người dân tự thống nhất với nhau cùng làm chè an toàn là rất khó, bởi có những gia đình họ rất ngại công đoạn chăm sóc và công đoạn thu hái chè theo tiêu chí an toàn nên họ không chịu làm”. Không chỉ riêng bà Thanh mà hầu hết bà con trồng chè chúng tôi tiếp xúc đều chung một mối lo, dù rất muốn trồng và chăm sóc nương chè của mình theo tiêu chí chất lượng chè an toàn, nhưng “lực bất tòng tâm” bởi vô vàn lý do bất khả kháng.
Theo đánh giá của các chuyên gia nông nghiệp, cây chè Việt Nam muốn trụ vững trong nền kinh tế thị trường, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế đang phục hồi thì người trồng chè, DN sản xuất và kinh doanh chè cần phải tiếp tục quan tâm hơn nữa đến khâu quản lý chất lượng. Cùng với đó là việc đẩy mạnh khâu quảng bá sản phẩm, bởi khi điều kiện kinh tế cho phép thì con người không chỉ có nhu cầu được ăn, uống ngon mà còn phải an toàn và tốt cho sức khỏe.