Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cá tra bị áp thuế phá giá tại Mỹ: Nhiều doanh nghiệp phản đối
15 | 09 | 2010
Với việc sử dụng các yếu tố đầu vào từ Philippines thay vì Bangladesh như trước, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã nâng mức thuế chống bán phá giá đối với cá tra VN lên mức cao nhất từ trước đến nay, trên 100%.
Ngày 14-9, Hiệp hội Thủy sản VN (VASEP) đã lên tiếng tỏ ra bất ngờ trước mức thuế mà DOC áp dụng đối với một số doanh nghiệp xuất khẩu cá tra của VN. Dù mới nhận được thông tin qua luật sư nhưng ông Trương Đình Hòe, tổng thư ký VASEP, cho biết: “Chúng tôi kịch liệt phản đối quyết định của DOC trong đợt xem xét này. DOC cần xem xét thấu đáo và công bằng, không chỉ cho doanh nghiệp VN mà còn cho cả người tiêu dùng Mỹ”.

Mức thuế cao bất ngờ

Theo thông tin từ phía luật sư theo dõi vụ việc, ngày 8-9 DOC đã công bố kết quả sơ bộ đợt xem xét thuế chống bán phá giá cá tra lần thứ 6 (POR6), giai đoạn từ ngày 1-8-2008 đến 31-7-2009.

Theo đó, công ty là bị đơn bắt buộc của đợt xem xét lần này chịu mức thuế lên đến 4,22 USD/kg (bằng khoảng 130% so với giá bán sang Mỹ), mức cao nhất trong sáu lần xem xét hành chính của DOC kể từ năm 2003. Ba bị đơn tự nguyện cũng chịu chung mức thuế trên. Đáng chú ý trong đợt xem xét hành chính lần thứ 5 (POR5), cũng công ty bị đơn bắt buộc trên chỉ phải chịu mức thuế chống bán phá giá 0% và các công ty khác chịu mức thuế thấp hơn nhiều. Mức thuế lần này tăng đột biến không chỉ khiến doanh nghiệp mà cả hiệp hội ngỡ ngàng. “Đây là mức thuế hết sức phi lý gây ảnh hưởng đến xuất khẩu của doanh nghiệp cá tra VN vào Mỹ trong thời gian tới” - ông Hòe cho biết.

Khó khăn mà các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang Mỹ trong thời gian tới gặp phải khi DOC thông qua mức thuế chính thức là ngoài việc phải đóng thuế cho các lô hàng đã xuất khẩu, các doanh nghiệp sẽ phải đóng tiền đặt cọc tương đương với mức thuế mà DOC đưa ra kể từ tháng 3-2011. Ví dụ, nếu một doanh nghiệp có doanh số xuất khẩu 100 triệu USD thì với mức thuế 130% sẽ phải đóng quỹ 130 triệu USD trước khi xuất hàng vào Mỹ. Đây là một khoản tiền không hề nhỏ, doanh nghiệp khó có thể đáp ứng.

Theo một nhà nhập khẩu cá tra thuộc Hiệp hội Thủy sản Hoa Kỳ (NFI), mức thuế tăng đồng nghĩa với việc giá bán cá tra tại thị trường Mỹ thời gian tới tăng và sức cạnh tranh của cá tra VN so với các sản phẩm thủy sản khác sẽ giảm.

Biểu đồ thị trường xuất khẩu cá tra của VN - Đồ họa: MẠNH TÁNH. Tính đến ngày 15-8, xuất khẩu cá tra VN sang Mỹ đạt 27.817 tấn, kim ngạch 86,6 triệu USD. Mỹ là thị trường tiêu thụ cá tra lớn thứ hai của VN - Nguồn: VASEP

Không theo thông lệ quốc tế

Theo luật sư Andrew B.Schroth thuộc Hãng luật Grunfeld, Desiderio, Lebowitz, Silverman & Klestadt LLP (Mỹ), tư vấn về kiện chống bán phá giá cho các doanh nghiệp thủy sản VN, việc thuế chống bán phá giá POR6 tăng vọt trong thời gian qua là do DOC đã thay đổi quốc gia thay thế của VN trong việc tính các yếu tố đầu vào từ Philippines thay vì Bangladesh như trước.

Ông Hòe giải thích thêm so với Bangladesh, giá nguyên liệu nuôi của Philippines tăng 2,5 lần, chi phí nhân công tăng 2 lần và chi phí quản lý cao hơn đến trên 40% nên giá thành nuôi tại đây cao hơn nhiều. Vấn đề là cả nước Philippines chỉ có 36 ao nuôi cá với sản lượng khoảng 12.000 tấn/năm và chỉ dành cho tiêu thụ nội địa chứ không xuất khẩu. Trong khi sản lượng của Bangladesh cao gấp 10 lần của Philippines.

Theo ông Andrew B.Schroth, kết quả của POR6 mang tính trừng phạt các doanh nghiệp VN hơn là thay đổi việc bán phá giá cá tra VN vào Mỹ. Kết quả cuối cùng sẽ có ít nhất trong sáu tháng nữa, vậy nên các doanh nghiệp VN phải làm việc cật lực để có thể thay đổi được kết quả này.

Đại diện công ty luật cũng cho biết đơn vị này đang tiến hành điều tra và thu thập dữ liệu về giá trị đầu vào của Philippines để đưa ra những bằng chứng cho thấy DOC áp dụng mức thuế quá cao. “Với những dữ liệu đang có, chúng tôi khá tự tin khi nói rằng sẽ thay đổi được quyết định của DOC theo hướng có lợi cho các doanh nghiệp VN” - ông Andrew B.Schroth khẳng định.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lương Lê Phương nói kết luận của DOC là “vô lý và không theo thông lệ quốc tế nào”. Ông Phương cho biết Bộ NN&PTNT sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ để có những tác động tới Chính phủ Mỹ.



Theo Tuổi trẻ Online
Báo cáo phân tích thị trường