Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Doanh nghiệp thủy sản "đói" nguyên liệu
14 | 07 | 2010
Nhiều nhà máy chế biến thủy sản vùng ĐBSCL và các tỉnh miền Trung từ đầu năm đến nay chỉ hoạt động 30-50% công suất do thiếu nguyên liệu.

Chỉ chủ động được 10% nguyên liệu

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội thủy sản Việt Nam (Vasep), cho biết việc thiếu nguyên liệu, đặc biệt là tôm, của các nhà máy chế biến, ngoài nguyên nhân chủ quan từ phía doanh nghiệp vì không tự chủ động nguồn cung, thì còn do tính chất mùa vụ của mặt hàng này.

Theo ông Hòe, tôm là mặt hàng mùa vụ, có thể thiếu hoặc thừa tùy thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ nhu cầu của thị trường và thời tiết. Việc thiếu nguyên liệu thường xảy ra với mặt hàng tôm nhiều hơn cá vì rất ít doanh nghiệp đầu tư vào vùng nguyên liệu tôm, mà chủ yếu đi mua gom từ các hộ nông dân.

Giá cả ít ổn định so với cá tra, trong khi tôm rất nhạy cảm với thời tiết, môi trường, dễ mắc dịch bệnh là những nguyên nhân chính khiến nhiều doanh nghiệp “nhường” phần nuôi nhiều rủi ro lại cho nông dân mặc dù biết như vậy sẽ khó chủ động nguyên liệu cho sản xuất.

Theo ông Hòe, nhiều doanh nghiệp hiện nay chỉ tự cung cấp khoảng 10% nguyên liệu cần cho nhà máy chế biến. "Điểm khó nhất là nguyên liệu thủy sản không thể dự trữ như nhiều loại nguyên liệu khác vì phụ thuộc vào nhu cầu thị trường vốn thường xuyên biến động. Chỉ khi có đơn hàng doanh nghiệp mới tính đến việc tìm nguyên liệu chế biến", ông nói.

Do vậy, trong trường hợp tôm nuôi cả nước năm nay bị ảnh hưởng của hiện tượng thời tiết El-Nino hoặc thu mua rơi vào thời điểm giáp hạt, nguyên liệu khan hiếm thì bắt buộc doanh nghiệp phải nhập khẩu. Tuy nhiên, cũng theo ông Hòe, thì đây chỉ là giải pháp tình thế vì không phải với đơn hàng nào doanh nghiệp cũng được nhập nguyên liệu về để chế biến, và rất nhiều trường hợp khách hàng không chấp nhận sử dụng nguyên liệu nhập khẩu. Chưa kể việc Cục thú y và Nafiqad thắt chặt kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các mặt hàng thủy sản tạm nhập tái xuất cũng gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

Qua đó, giải pháp cơ cấu lại đơn hàng, thị trường xuất khẩu... được nhiều doanh nghiệp quan tâm trong giai đoạn sản xuất cầm chừng, chờ mùa tôm mới đến.

Giải pháp của doanh nghiệp

Theo ông Trần Văn Lĩnh, Giám đốc Công ty thủy sản Thuận Phước, Đà Nẵng muốn tạo nguồn nguyên liệu ổn định lâu dài cần có giải pháp căn cơ, từ quy hoạch vùng nuôi cho đến cung cấp giải pháp kỹ thuật, con giống. Nhưng trong khi chờ đợi những động thái từ cơ quan chức năng thì mỗi doanh nghiệp phải vạch ra chiến lược kinh doanh riêng cho mình.

Theo ông Lĩnh, trong tình hình khó khăn về nguyên liệu như hiện nay, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản ở miền Trung thường tiếp nhận những đơn hàng có giá trị gia tăng cao để có thể linh động tăng giá thu mua nguyên liệu khi cần, cũng là một cách để đảm bảo tiến độ thực hiện đơn hàng trước khi nguồn nguyên liệu dồi dào trở lại.

"Nhờ biện pháp trên mà thời gian gần đây, nhà máy chế biến của chúng tôi đã hoạt động được 60-70% công suất", ông Lĩnh nói.

Giám đốc doanh nghiệp Phú Cường Jostoco ở Cà Mau, ông Lý Phước An cho biết, trong thời gian gần đây, giá tôm nguyên liệu tăng khoảng 15-20% tùy kích cỡ. Giá cao nhưng nguồn tôm vẫn tiếp tục thiếu, dẫn đến việc doanh nghiệp chạy theo đơn hàng, mua theo giá cao. "Do vậy sẽ lập lại bài toán kinh doanh không hiệu quả", ông An nói.

Giải pháp của doanh nghiệp hiện nay, theo ông An là bên cạnh việc đàm phán, thương lượng với khách hàng thì còn phải cân đối lại lượng hàng. Cụ thể như cân đối giữa lượng tôm thẻ chân trắng và tôm sú vì nguồn cung tôm thẻ đang rẻ và dồi dào hơn tôm sú. Theo ông An, mặc dù giá trị của loại tôm thẻ thấp nhưng vẫn là giải pháp cho các doanh nghiệp trong thời điểm này.

"Một mặt cân đối được danh mục sản phẩm, mặt khác doanh nghiệp còn phải xây dựng định hướng về giá sản phẩm. Các thị trường từ EU đến Nhật Bản, Hàn Quốc... có mức giá sàn hoàn toàn khác nhau nên tùy thời điểm mà doanh nghiệp lựa chọn thị trường có mức giá xuất khẩu thích hợp", ông nói.



Theo TBKTSG
Báo cáo phân tích thị trường