Theo lý giải của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát thì việc làm này chỉ mang tính thời vụ. Bộ trưởng cũng cho biết bộ đang cùng các bộ, ngành liên quan theo dõi hết sức sát sao diễn biến phức tạp của thị trường lương thực, thực phẩm trong thời điểm sắp đến Tết Nguyên đán để có ứng phó kịp thời.
Thời điểm này nhiều loại rau củ quả đang được nhập khẩu từ Trung Quốc , trong khi Việt Nam là nước nông nghiệp sản xuất nhiều rau quả. Bộ trưởng nhận định thế nào về hiện tượng này?
Việc nhập khẩu một số loại nông sản đã diễn ra trong nhiều năm, chủ yếu là những loại sản phẩm mà chúng ta không sản xuất được hoặc giá thành sản xuất ở nước ta quá cao như: lúa mì, ngô, bông... Một số nông sản khác chúng ta nhập khẩu để phục vụ chế biến xuất khẩu.
Gần đây cũng có một số nông sản chúng ta nhập có tính chất thời vụ, đặc biệt là một số loại rau. Cách đây 2 tuần, việc nhập khẩu rau diễn ra mạnh với số lượng khá lớn, vì trong nước giáp vụ và do mưa lớn ở miền Trung đã ảnh hưởng đến sản xuất trong nước, khiến nguồn cung trong nước hạn chế và giá cao. Nhưng trong tuần này, tình hình nhập khẩu đã giảm, do trong nước nguồn cung tăng lên.
Cũng phải nói thêm rằng Việt Nam và Trung Quốc có khí hậu khác nhau, dẫn tới sự chênh lệch về mùa vụ. Do đó việc trao đổi hàng hoá để bù đắp chỗ trống trong cung cầu mang tính tất yếu.
Mặc dù vậy, muốn giảm nhập khẩu rau, chúng ta phải đưa nhanh, đưa mạnh những giống có năng suất cao, chất lượng tốt tiến bộ kỹ thuật vào canh tác để đẩy nhanh năng suất. Đồng thời, phải giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm giá thành sản phẩm.
Hiện chúng ta còn vụ đông muộn ở miền Bắc, Bộ đang khưyến khích nông dân chuyển sang trồng những cây trồng chịu lạnh, trong đó có bắp cải, su hào, khoai tây xuân... Thúc đẩy sản xuất, chúng ta không những đáp ứng được cho nhu cầu tiêu dùng trước mắt mà còn phục vụ nhu cầu thực phẩm tăng cao cho Tết sắp tới.
Trái ngược với thị trường rau quả, thì thị trường thịt lợn đang xảy ra nghịch lý: trong nước thiếu hụt thịt lợn, nhưng lợn sữa lại đang được xuất nhiều sang Trung Quốc. Điều này có đáng lo ngại, thưa ông?
Hiện nay đúng là có tình trạng lợn sữa của Việt Nam đang được xuất qua con đường tiểu ngạch sang Trung Quốc với số lượng lớn, do phía Trung Quốc mua với giá cao hơn nhiều so với thị trường trong nước.
Cách đây 10 năm, lợn sữa là một trong những mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam, thị trường tiêu thụ chủ yếu là Trung Quốc. Nhiều năm trở lại đây, xuất khẩu lợn sữa của nước ta bị mất thị trường, trong khi nhiều loại thịt của nước ngoài đã tràn vào nước ta, khiến Việt Nam từ nước xuất khẩu thịt trở thành nước nhập khẩu ròng các loại thịt. Việc xuất khẩu thịt lợn diễn ra vào thời điểm này, tôi cho rằng chỉ có tính chất thời vụ, do diễn biến về cung cầu ở thị trường Trung Quốc và Việt Nam.
Có ý kiến lo ngại việc phía Trung Quốc tăng cường thu gom hàng lương thực, thực phẩm sẽ đẩy giá nông sản tăng lên trong khi chỉ còn 2 tháng nữa là Tết. Tuy nhiên, việc tăng mua đó chỉ có tính chất tiểu ngạch, và khối lượng nông sản xuất ra nước ngoài chưa phải là nhiều. Một khi giá tăng sẽ có lợi là khuyến khích nông dân trong nước tăng gia tăng sản xuất.
Tuy nhiên cũng phải tính đến kịch bản là khi lượng hàng trong nước dồi dào, thì có thể phía nước bạn lại ngừng thu mua, khiến giá bán trong nước giảm. Bởi vậy, chúng tôi đang cùng với Bộ Công thương theo dõi sát sao diễn biến cung cầu lương thực, thực phẩm trong dịp Tết. Chúng tôi cũng đang chỉ đạo các địa phương, các ngành chức năng triển khai những biện pháp tích cực nhất hỗ trợ cho nông dân trong sản xuất để tăng nguồn cung.
Theo nhận định của chúng tôi, hiện nay không có mặt hàng nào quá căng thẳng về cung cầu. Tuy nhiên từ nay đến Tết cũng còn khá dài, sẽ có những diễn biến thị trường nằm ngoài sự tính toán, nên phải theo dõi hết sức sát sao.