Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cần nâng cao giá trị hàng nông sản xuất khẩu
09 | 06 | 2011
Có tới 90% nông sản Việt Nam xuất khẩu dưới dạng sơ chế. Ðó là con số Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra trong cuộc họp lấy ý kiến góp ý cho dự thảo đề án nâng cao giá trị gia tăng trong nông nghiệp.

Bộ cũng nhận định, điều này khiến giá xuất khẩu nông sản nước ta thấp hơn sản phẩm cùng loại của các nước từ 5 đến 10%. Ðây là điều đáng suy nghĩ. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu nông sản của chúng ta năm này cao hơn năm khác, nhiều mặt hàng xuất khẩu xếp thứ hạng cao trên thế giới về sản lượng nhưng hầu hết  đều  xuất  khẩu  dạng  thô  và giá bán ở mức thấp.

Cụ thể như mặt hàng chè. Hiện Việt Nam đứng thứ sáu thế giới về sản lượng xuất khẩu nhưng giá cả lại xếp thứ  10.  Còn  cà-phê, mặt hàng xuất khẩu chiến lược của nước ta, dù đứng thứ hai thế giới về sản lượng nhưng tính chung trong 10 năm gần đây, giá cà-phê xuất khẩu của Việt Nam chỉ bằng 51,5% giá bình quân của thế giới. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu kỹ năng chế biến, phát triển cà-phê chưa theo quy hoạch, chưa tiếp cận kiến thức kỹ thuật, thị trường và hạn chế về tài chính, dẫn đến khả năng cạnh tranh của ngành kém. Không chỉ thiếu kỹ năng chế biến, tổn thất sau thu hoạch cả về số lượng và chất lượng cũng là vấn đề đặt ra với hầu hết các mặt hàng nông sản của nước ta hiện nay. Ðặc biệt, như lúa gạo, tổn thất sau thu hoạch lúa ở đồng bằng sông Cửu Long hiện khoảng 13,7%. Trong đó, làm sạch và làm khô chiếm 4,2%; bảo quản chiếm 2,6%; xay xát, chế biến chiếm 3%, còn lại là thu hoạch và vận chuyển. Nếu quy đổi sự tổn thất chất lượng ra số lượng thì tổng số tổn thất ước tính lên tới 28%.

Phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa, công nghiệp hóa đang là yêu cầu và đòi hỏi cấp bách đối với nước ta. Chỉ có phát triển theo hướng đó thì nông sản Việt Nam mới nâng cao được giá trị gia tăng, đồng thời tạo được thương hiệu trên thị trường thế giới. Nhưng muốn thực hiện hiệu quả thì phải có chính sách đầu tư thích hợp cho ngành sản xuất và chế biến nông sản. Từ khâu sử dụng tổng hợp các yếu tố kỹ thuật, công nghệ, tổ chức sản xuất đến nâng cấp thiết bị, công nghệ bảo quản và chế biến. Và hơn hết, chính sách phải bắt đầu từ thực tiễn và được triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ.

Theo Vinanet



Báo cáo phân tích thị trường