Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cá tra Việt Nam - cần một chiến lược cho mốc 3,6 tỷ USD năm 2020
18 | 06 | 2011
Trung tâm nghiên cứu và phân tích dữ liệu Gafin dự báo xuất khẩu cá tra năm 2015 có thể vượt 2,5 tỉ USD, và đến 2020 sẽ đạt 3,6 tỉ USD.

Đằng sau những mô hình tính toán, cơ sở để đưa ra dự báo này chính là nhu cầu của thị trường với cá tra được đánh giá vẫn còn tăng trưởng trong xu hướng chung của thị trường thế giới.

 

Thứ nhất sự phát triển mạnh mẽ của ngành nuôi trồng đã hạ mức giá của thủy sản xuống từ phân khúc tiêu thụ cao cấp về phân khúc tiêu thụ trung bình. Trong khi tăng trưởng kinh tế thế giới làm số người thuộc tầng lớp có thu nhập trung bình tăng lên nhanh chóng. 

 

Thứ hai, xu hướng tăng cường nhập khẩu và đẩy khâu sản xuất ra bên ngoài của các nước phát triển do phí môi trường, giá nhân công lao động cao và các chính sách hạn ngạch đánh bắt đã tạo ra nhu cầu lớn cho các sản phẩm nuôi từ các nước đang phát triển.

 

Thứ ba, người tiêu dùng những năm gần đây có xu hướng lựa chọn thủy sản nhiều hơn trong bối cảnh các nguồn protein khác đang gặp khủng hoảng với các vụ ngộ độc thực phẩm và dịch bệnh.

 

Xu hướng tiêu thụ của thị trường thế giới đang đảm bảo cho cá tra một đầu ra ổn định ít nhất là về mặt nhu cầu.

 

Những thách thức mấu chốt của Việt Nam

 

Để đạt được con số 3,6 tỉ USD và thậm chí có thể hơn vào năm 2020, ngành công nghiệp cá tra phải tìm được cách giả quyêt những vấn đề nằm trong chính nội tại của ngành công nghiệp. Quy mô sản lượng mở rộng quá nhanh không có sự phát triển tương xứng về mặt tổ chức đã làm cấu trúc ngành bị phá vỡ, gây ra nhiều hệ lụy không mong muốn, trong đó yếu tố lớn nhất là sự đứt gãy giữa khâu sản xuất nguyên liệu và chế biến.

 

Tại hội nghị thường niên Dự báo thủy sản Việt Nam Visio2011 vừa qua, một trong những chủ đề chính được lựa chọn cho năm đầu tiên của hội nghị là phát triển bền vững. Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên thứ trưởng Bộ Thủy sản (cũ), cũng là người chủ trì hội thảo, có để cập đến gói giải pháp phát triển bền vững ngành cá tra, với ý tưởng chủ chốt là cần phải đưa việc quản lý về cho các hội, các tổ chức cộng đồng thay cho cơ chế quản lý tập trung không hiệu quả hiện nay.

 

Từ kinh nghiệm thực tế từ các mô hình như Ủy ban cá hồi Na Uy, Chilê hay Ủy ban cognac của Pháp, tiến sĩ Minh đề xuất gói giải pháp tổ chức quản lý cho cá tra Việt Nam với những điểm rất cụ thể như cơ chế bắt buộc người nuôi phải tham gia vào một tổ chức cộng đồng, vừa đảm bảo có sự bảo vệ khi cần thiết, vừa đảm bảo sự ràng buộc trách nhiệm với cộng đồng.


Tiến sĩ Minh cho rằng, cần thay đổi quan niệm về tự do kinh doanh. Khái niệm này phải được đặt trong điều kiện không được ảnh hưởng tới cộng đồng chung, mỗi cá nhân, tổ chức tham gia kinh doanh phải có trách nhiệm với cộng đồng kinh doanh mà mình tham gia.

 

Thực tế cho thấy, những hành vi thiếu trách nhiệm của một vài cá nhân hay tổ chức trong ngành nuôi cá tra đã làm tổn hại để cả một cộng đồng lớn. Con cá tra bị bôi xấu từ châu Âu đến Brazil, giá cá liên tục giảm, trong khi người nuôi phải bỏ đầm là hậu quả chúng ta phải gánh chịu

 

Những lựa chọn chiến lược bổ sung

 

Có thể nói, việc thiếu nguyên liệu là thách thức của bất kỳ một ngành công nghiệp chế biến nào trên thế giới. Các nền công nghiệp chế biến trong cùng khu vực sẽ không chỉ cạnh tranh trong việc dành thị phần tiêu thụ, mà cần phải tính đến tương lai cạnh tranh về khả năng hút nguyên liệu.


Với hệ thống nhà máy thực chất đang dư thừa công suất, liệu đã đến lúc các nhà quy hoạch nghĩ đến việc hút nguyên liệu từ khu vực. Việt Nam có thể đang đứng trước lựa chọn giữa khả năng trở thành nhà máy chế biến của khu vực, trên nền tảng hệ thống chế biến hiện đại, công suất lơn hay.  

 

Theo thống kê mới nhất của FAO, sản lượng cá nước ngọt Việt Nam hiện đứng thứ 3 thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ.

 

Với ưu thế về quy mô như vậy, nếu tổ chức tốt, khâu chế biến nguyên liệu khó có khả năng thua trên sân nhà. Trong khi đó việc mở cửa sẽ gia tăng sức ép cải thiện chất lượng lên khu vực sản xuất nguyên liệu trong nước để cạnh tranh với nguyên liệu nhập, thường phải chịu rất nhiều quy định ngặt nghèo về khả năng truy xuất nguồn gốc, nhưng lại trở thành yếu tố mang khả năng cạnh tranh trong toàn cầu mới.

 

Để gia tăng giá trị giữ lại của sản phẩm, nhiều người đã để cập đến hướng đi chế biến. Tuy nhiên, trong bài trình bày tại Hội nghị của mình, ông Trương Trí Vĩnh có nêu ý kiến, việc cố gắng đẩy sản phẩm đi xa hơn trên chuỗi giá trị dưới dạng hàng chế biến trong khi chưa thể tiếp cận đến các hệ thống bán lẻ và người dùng cuối cho đến nay đã cho thấy khó có khả năng hiệu quả.

 

Ông Vĩnh cho rằng, tỉ lệ lợi nhuận sẽ không quyết định bởi dạng sản phẩm đến gần người dùng cuối thế nào, mà quyết đinh bởi hàm lượng chất xám trong sản phẩm. Khi đề cập đến giá trị thu về cao của hàng chế biến, người ta đã bỏ qua những giá trị mang lại từ hệ thống phân phối và lưu kho hiệu quả hay đầu tư nghiên cứu thị hiếu người dùng cuối, mới thực sự là cốt lõi của tỉ lệ lợi nhuận cao.

 

Gia tăng giá trị bằng việc đầu tư công nghệ mới để tạo ra những sản phẩm có giá trị cao, gia tăng hệ số thu hồi sản phẩm, hướng đi nhiều doanh nghiêp như Vĩnh Hoàn, Hùng Vương hay Agifish lựa chọn là một cách tiếp cận thực sự đúng hướng và cần được ủng hộ.

 

Theo Vũ Minh
Vneconomy


Báo cáo phân tích thị trường