Chiều 14/6/2011, tại Khách sạn Rex, Tp. Hồ Chí Minh, Hội nghị doanh nghiệp XK hải sản VASEP được tổ chức dưới sự chủ trì của Bà Nguyễn Thị Thu Sắc – Phó Chủ tịch Hiệp hội, Chủ tịch Ủy ban Hải sản và ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký VASEP, cùng với sự tham gia của hơn 50 doanh nghiệp XK hải sản, đại diện của Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản (Nafiqad), Cục Khai thác và Bảo vệ Nguồn lợi thủy sản, Bộ NN và PTNT…
Ông Nguyễn Hoài Nam đã có bài trình bày về tình hình XK hải sản Việt Nam 4 tháng đầu năm. Mặc dù, XK hải sản 4 tháng đầu năm tăng, nhưng số DN tham gia XK hải sản giảm 147 DN so với năm 2010 (năm 2010: 793 DN); thị trường NK giảm 14 TT; trong các mặt hàng, nhuyễn thể 2 mảnh vỏ là nhóm mặt hàng duy nhất giảm 20% giá trị so với cùng kỳ,
Từ thực tế trên cho thấy ngành hải sản Việt Nam đang phải đối mặt với không ít khó khăn từ nguồn nguyên liệu, đến thị trường tiêu thụ, chính sách của nhà nước…Bài trình bày của bà Nguyễn Thị Thu Sắc đã nêu rõ 7 khó khăn liên quan đến sự phát triển bền vững ngành hải sản Việt Nam gồm:
- Thiếu nguyên liệu cho chế biến XK;
- Sử dụng kháng sinh cấm Chloramphenicol
- Vấn đề Chứng nhận khai thác (CC) XK vào EU
- Vấn đề kiểm tra chất lượng và cấp C/H hàng XK
- Vấn đề phát triển kênh thị trường nội địa
- Nhập khẩu để gia công, SX hàng xuất khẩu.
- Vấn đề xây dựng thương hiệu và hoạt động xúc tiến đầu tư tạo nguồn nguyên liệu.
Tại Hội nghị, các DN cũng đưa ra một số ý kiến liên quan đến những khó khăn trong quá trình sản xuất và XK hải sản, đồng thời có những góp ý bổ ích để phát triển hải sản bền vững.
Ông Nguyễn Ngọc Đức – Giám đốc Công ty TNHH Chế biến Thủy sản XNK Đệ Khang Phú Thành kiến nghị cần có sự hỗ trợ chính sách nhà xưởng có code XK đi Nga, EU để các DN nhỏ có hệ thống nhà xưởng đạt tiêu chuẩn ngành; hỗ trợ DN nhỏ và vừa thay đổi công nghệ để bảo quản nguyên liệu, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm tỷ lệ phế liệu…
Ông Phạm Xuân Nam – Giám đốc Công ty TNHH Đại Thuận đề cập đến tình trạng DN hải sản Việt Nam bị thương lái Trung Quốc tranh giành mua nguyên liệu mà không có cơ quan quản lý nào kiểm soát được tình trạng này. Đây là vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và các DN Việt Nam. Theo ông Nam, nhiều nước không yêu cầu Giấy chứng nhận C/H đối với lô hàng NK thì không nên bắt DN phải làm thủ tục cấp giấy chứng nhận trên đối với lô hàng XK để giảm bớt chi phí cho DN. Ngoài ra, đối với thủ tục NK hàng trả về, DN đang gặp rất nhiều khó khăn, vì vậy đề nghị lô hàng trả về đã thực hiện lấy mẫu kiểm tra khi XK rồi thì khi trả lại không nên lấy mẫu kiểm tra lại nữa để đỡ tốn kém và gây khó khăn cho DN.
Ông Vinh – Giám đốc Công ty Cổ phần thủy đặc sản cho rằng, để phát triển kênh thị trường nội địa, các DN cần liên kết chặt chẽ với nhau trong đàm phán với nhà bán lẻ. Đối với XK, nhiều thị trường yêu cầu hàng NK phải chiếu xạ thì yêu cầu Nafiqad cho phép được chiếu xạ (trừ thị trường EU).
Bà Nguyễn Thị Mỹ - Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Công ty TNHH Highland Dragon cho biết, DN đang gặp khó khăn khi XK vào EU do những qui định ghi nhãn mác: VD: Lô hàng được sản xuất từ nhiều nguồn nguyên liệu đánh bắt từ nhiều phao trên cùng một vùng biển, khi ghi nhãn mác khó khăn không biết ghi theo phao nào (không thể ghi nhiều phao trên nhãn), theo hướng dẫn của Trung tâm vùng DN thường ghi chung là vùng biển đó, chẳng hạn: Pacific Ocean. Với những quy định khó khăn của EU, mong muốn Nafiqad có cách hỗ trợ, hưởng dẫn nhiều hơn cho Doanh nghiệp; thủ tục NK cho đến khi gia công XK thì doanh nghiệp đều gặp khó khăn về hồ sơ. Ngoài ra, Cục Thú y cũng nên xem xét lại việc yêu cầu cung cấp giấy chứng nhận C/H của lô hàng NK.
Ông Trần Văn Dũng – Giám đốc Công ty CP Chế biến XNK Thủy sản Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, hiện nay nguyên liệu mực, bạch tuộc thiếu trầm trọng lại nhiễm Chloramphenicol. Trước đây việc kiểm soát sử dụng Chloramphenicol chặt chẽ nên đã giảm bớt tình trạng nhiễm này nhưng do sự sao nhãng của các cơ quan quản lý trong thời gian gần đây, nên tình trạng này lại gia tăng, gây thiệt hại rất lớn đến các DN chế biến XK. Ông kiến nghị Nhà nước cần chỉ đạo cho các địa phương từ cấp Sở, Chi cục, Ủy ban hải sản triển khai gấp việc kiểm soát việc sử dụng Chloramphenicol và các loại kháng sinh khác. Liên quan đến vấn đề bảo vệ nguồn lợi và môi trường, ông Dũng cho biết, 90% tàu đánh bắt hiện nay là tàu gỗ, nếu không có biện pháp thay thế thì rừng sẽ bị tàn phá. Muốn chất lượng nguyên liệu thủy sản đạt yêu cầu cần có sự hỗ trợ của nhà nước, cho các đơn vị thực hiện thí điểm, hỗ trợ vốn để đầu tư, thay thế nguyên liệu đóng tàu, VD: tàu nhựa composite (có thể NK).
Về bảo vệ nguồn lợi, ông Phan Thanh Chiến – Phó Chủ tịch VASEP, Giám đốc Công ty Cổ phần Hải Việt đề nghị Nhà nước phải thực hiện điều tra sản lượng, bãi đẻ, nguồn lợi thủy sản; kiểm tra các phương tiện đánh bắt khi tàu ra khơi. Kiên quyết cấm các phương tiện đánh bắt làm hủy diệt nguồn lợi thủy sản…
Theo Vasep