Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ngành cá tra: Sự thiếu kiểm soát đang phá hỏng điều kỳ diệu
16 | 06 | 2011
"Russian Fish" không phải là một loại cá có nguồn gốc từ Nga mà là tiếng lóng chỉ những lô cá bị trả về từ thị trường Nga.
Giới kinh doanh cá tra gọi nó bằng một cái tên riêng vì những lô cá này, một khi thị trường Nga mà còn không chấp nhận thì không một thị trường nào chấp nhận.
Là một trong hai sản phẩm chủ lực dẫn dắt quá trình vươn ra toàn cầu của thủy sản Việt Nam, đương nhiên cá tra không thể tránh khỏi những sự  vận động theo tín hiệu của thị trường thế giới, thể hiện ở sự dao động của giá và sản lượng.
Tuy nhiên, trên thực tế, do nhu cầu lớn từ thế giới, với năng suất lớn và khả năng gia tăng sản lượng nhanh chóng, trong suốt quá trình từ khi xuất hiện, lượng xuất khẩu cá tra chỉ có tăng , nhưng đi kèm đó là mặt bằng giá đầu ra liên tục giảm.
Trong khi ngành chế  biến, dưới sức ép của các nhà nhập khẩu và các hệ thống bán lẻ, phải tuân thủ theo những đòi hỏi ngặt nghèo và những chứng chỉ, thì khu vực nghề nuôi vẫn là khu vực thiếu  kiểm soát.

Việc gia tăng sản lượng và mở rộng quy mô nhanh chóng cùng với sự tụt giảm liên tục về giá rõ ràng đã làm cho nhiều ngành sản xuất tại các thị trường nhập khẩu có cảm giác bị tấn công mà một trong các  phản ứng từ các nước nhập khẩu là kiện bán phá giá hay những chiến dịch bôi xấu.

Sản lượng dư thừa từ sự bùng nổ quá nhanh, không đủ chất lượng để đi qua những cánh cửa hẹp tại các thị trường truyền thống cũng nhanh chóng tìm ra những nguồn tiêu thụ mới.  Những lô sản phẩm không tìm được đường vào các thị trường lớn luôn được chuyển hướng sang những thị trường dễ tính hơn.
Trở lại với loại “cá Nga” kỳ quặc trên. Trong quá trình bùng nổ, thị trường Nga đã được coi là một thị trường dễ tính, cởi mở, và các doanh nghiệp thi nhau chuyển mọi loại cá sau khi đã bị từ chối tại mọi thị  trường khác về. Cái giá phải trả là sự mất lòng tin của thị trường này vào con cá Việt Nam và sự thắt lại của thị trường Nga. Và mặc dù chỉ một số doanh nghiệp gây ra, nhưng ảnh hưởng của nó thì lên toàn cộng đồng.

Bất đối xứng thông tin

Tình trạng giá cá tra sụt giảm liên tục trong thời gian gần đây, nhiều người nuôi bỏ đầm vì không chịu nổi tình trạng giá sụt giảm, giá thị trường thấp hơn giá thành nuôi. Tình trạng này thường được quy cho nguyên nhân lượng cung tăng vọt trong thời gian ngắn gây ra tình trạng dư thừa.
Nguyên nhân này đúng, nhưng trong khi nhu cầu của thị trường vẫn lớn, sự gia tăng về sản lượng và mô hình cung cầu không đủ và không thể là nguyên nhân duy nhất giải thích cho sự sụp đổ giá. Một mô hình khá đơn giản và nổi tiếng của lý thuyết thông tin do Arkelof đưa ra có thể góp phần giải thích cho vấn đề này.
Có thể mô tả đơn giản như sau: Nếu một mặt hàng phẩm cấp tôt có giá 20.000đ/kg và nếu chất lượng tệ hại giá 10.000đ/kg. Và nếu những người bán không có cách gì cung cấp thông tin đủ tốt để người mua có thể phân biệt (bất đối xứng thông tin), người mua sẽ có xu hướng lựa chọn một mức nào đó ở giữa, chẳng hạn  15.000dd/kg. Dĩ nhiên, tín hiệu phát ra từ thị trường sẽ loại dần những nhà cung cấp sản phẩm có phẩm cấp tốt với mức 20.000/kg ra khỏi thị trường, mà dần dần thị trường chỉ còn loại 15.000đ/kg trở xuống. Người mua rồi cũng sẽ nhận ra thị trường chỉ còn lại những sản phẩm từ 15.000đ trở xuống, và sự lựa chọn sẽ tạo nên mặt bằng giá mới ở mức 12.500 đồng.
Quá trình cứ tiếp diễn như vậy và nói chung thị trường sẽ có xu hướng hội tụ về mức giá thấp mà chúng ta gọi là cuộc đua về đáy. Tại đó tất cả những nhà cung cấp sản phẩm tốt đã bị loại ra khỏi thị trường mà nguyên do là vì thị trường đã thất bại trong việc thiết lập mức giá chính xác ở mức đủ tốt.
Sự thiếu vắng những hệ thống phân loại và kiểm soát chất lượng đầu ra của khu vực nuôi đã không cho phép phân loại những người nuôi sản phẩm chất lượng cao và những nhà cung cấp sản phẩm phẩm cấp thấp.
Thực tế ngay tại những thời điểm mà cá nguyên liệu dư thừa, thì nhiều doanh nghiệp lớn cho biết vẫn thiếu loại cá chất lượng tốt để xuất đi. Và trong một thị trường thiếu khả năng cung cấp thông tin chính xác đến người mua như vậy thì những sản phẩm phẩm cấp cao bị loại ra khỏi thị trường là điều tất yếu.

Vấn đề thực sự vì vậy, không chỉ là kiểm soát sản lượng nguồn cung để cải thiện mặt bằng giá, mà còn là kiểm soát thông tin nguồn cung để tạo sự minh bạch về chất lượng sản phẩm.

Giải pháp tổ chức thị trường

Tại hội nghị “Cá tra Việt nam – Tầm nhìn 2015, xu hướng xuất khẩu, và phân tích lợi thế cạnh tranh” do Trung tâm nghiên cứu GAFIN tổ chức dưới sự bảo trợ của Ủy ban cá nước ngọt VASEP, cả hai diễn giả trình bày về mặt vĩ mô, một là đại diện của giới nghiên cứu, tiến sĩ Nguyễn Đức Thành và một là người đã từng có thời gian rất dài gắn bó với ngành trên cương vị quản lý vĩ mô, tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Minh, đều chia sẻ một quan điểm trung: sự thiếu tổ chức của ngành có một phần lỗi rất lớn từ năng lực yếu kém của cơ quan quản lý nhà nước.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Minh rất mạnh mẽ cho rằng cơ quan nhà nước ôm quá nhiều việc trong khi không đủ năng lực giải quyết.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, trong kiến nghị về việc nâng cao năng lực của ngành cho rằng chỉ có thể kiểm soát chất lượng hiệu quả thông qua cơ chế phi tập trung, xuất phát từ bản thân cộng đồng và các thành phần tham gia thị trường thay vì dồn việc quản lý về trung ương.
Làm rõ hơn cho khái niệm quản lý phi tập trung, tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Minh, với kinh nghiệm nhiều năm quản lý, có đề nghị mô hình quản lý từ cộng đồng.
Tất cả các doanh nghiệp và những  người sản xuất đều phải là thành viên của một tổ chức cộng đồng như hội, hiệp hội hay liên minh, có qui tắc chung, cùng phát triển thị trường và xây dựng thương hiệu chung. Nguồn tài chính thực hiện theo cơ chế đóng góp của hội viên. Nhà nước hỗ trợ bằng cách tạo cơ chế, được pháp luật bảo vệ, giao quyền cho tổ chức.
Doanh nghiệp kinh doanh ngành hàng phải tham gia tổ chức của ngành hành và nghĩa vụ đóng góp cho Quỹ phát triển thị trường. Các hội viên chia sẻ thông tin, chấp hành qui tắc, mang lợi ích thiết thực cho hội viên, tạo nên sự phát triển bền vững.
Việc phát triển cộng đồng này nhờ  vào xây dựng và sở hữu các giá trị mềm như thương hiêu, hình ảnh sản phẩm …, chứ không dựa vào sở hữu chung tài sản của mô hình hợp tác xã.
Việc thành lập một quỹ phát triển thị trường, với sự hậu thuẫn và đảm bảo về mặt cơ chế từ Nhà nước, là một mô hình đã có nhiều tiền lệ và rất thành công ở các nước, như ngành cá hồi của Chile, cá hồi Na Uy hay rượu cognac Pháp. Tuy chi tiết cụ thể có thể khác nhau, nhưng điểm chung nhất là những doanh nghiệp, để xuất khẩu, bắt buộc phải tham gia vào cộng đồng, cùng đóng góp và cùng chịu trách nhiệm về hình ảnh và giá trị thương hiệu của sản phẩm như một phần trách nhiệm xã hội.
Quỹ này, theo ông Nguyễn Hữu Dũng, phó chủ tịch VASEP, chủ yếu là để giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh xúc tiến thương mại và gia tăng việc bán lẻ sản phẩm.
Nói như ông Nguyễn Hữu Dũng, tham dự trong hội thảo, đã đến lúc chúng ta phải từ bỏ tư duy tăng trưởng dựa vào sản lượng. Gia tăng hàm lượng chất xám cho sản phẩm bằng việc đầu tư mạnh mẽ và công nghệ mới có thể là động lực bền vững cho sự phát triển.
Từ phía doanh nghiệp, những doanh nghiệp như Vĩnh Hoàn hay Agifish, Hùng Vương đã táo bạo và quyết liệt khi đầu tư vào những công nghệ mới như  sản xuất collagen từ phụ phẩm cá hay đầu tư nghiên cứu gia tăng hàm lượng Omega3 cho con cá tra.  Còn từ phía cơ quan Nhà nước, thị trường đang chờ đợi một sự thay đổi quyết liệt về tư duy để chuyển sang công nghệ quản lý hiện đại thay cho cơ chế tập trung cũ kỹ và bất lực.

Theo SGTT



Báo cáo phân tích thị trường