Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Vì sao xuất khẩu cá tra tăng, nhưng giá giảm?
25 | 07 | 2011
Ngày 22.7, cuộc họp giao ban của Ban chỉ đạo sản xuất và tiêu thụ cá tra do thứ trưởng bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám chủ trì tại TP Cần Thơ cho thấy 3 vấn đề lớn có những ý kiến trái chiều: sản xuất cá tra đối diện vấn nạn khi bất ngờ các doanh nghiệp chỉ mua cá 750-850 gr/ con thay vì 1 kg/con như lâu nay; giá thức ăn nguyên liệu thế giới giảm nhưng giá thức ăn trong nước không hề giảm; hạn mức vay vốn phát triển nguyên liệu thích ứng công suất nhà máy quá lạc hậu và không được ngân hàng ủng hộ….

Người nuôi tự làm lỗ!?

Ông Nguyễn Văn Kịch, giám đốc Cafatex, tỉnh Hậu Giang cho rằng giá xuất khẩu phi lê cá tra từ 2,5 USD/kg kéo lên tới 3,6-3,7 USD/kg, sau đó sụt giá tới mức này chắc chắn có nguyên nhân. Từng là lãnh đạo VASEP (Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam) những năm đầu thành lập, từng là người phát ngôn của VASEP trong 180 phút thuyết phục 300 doanh nhân Nhật Bản mở cánh cửa cho cá tra ĐBSCL vào Nhật, ông Kịch nhấn mạnh” Giá xuất khẩu giảm từ tháng 5-2011, mỗi tháng đồng bằng mất 25 triệu USD”.

Ông Kịch khẳng định việc kéo giá cá tra xuất khẩu lên cho thấy vị thế của mặt hàng này và cố gắng của doanh nghiệp. Nhưng việc làm cho giá xuống không phải là không có lý do. Ông Nguyễn Hữu Dũng, phó chủ tịch VASEP xác nhận: Tới 30-6, sản lượng cá tra xuất khẩu 319.000 tấn, giá trị kim ngạch: 828 triệu USD, về giá trị tăng 27% so cùng kỳ năm 2010 dù sản lượng chỉ tăng 5%. Hiện nay, cá tra vẫn là mặt hàng được ưa chuộng. Xuất khẩu vô Mỹ tăng gấp đôi năm ngoái.

Nhưng tại sao giá lại tụt giảm? Tại cuộc họp, nhiều thành viên VASEP cứ đổ thừa báo chí trong nước đã thông tin khiến nước ngoài biết nên ký hợp đồng xong, hầu hết đơn vị nước ngoài đồng loạt phá vỡ hợp đồng.

Theo ông Kịch, trong nước có sự thay đổi quy cách mua cá. Thay vì trọng lượng 1 ký, các doanh nghiệp chỉ mua loại 750-850 gr, đẩy số cá có trọng lượng trên 850 đến 1 ký vào loại quá lứa, người nuôi không cách gì chuyển kịp. Nhiều hộ, thậm chí nhiều nhà máy sẽ không dám thả nuôi sau khi thu hoạch. Nguyên liệu đúng kích cỡ phụ thuộc rất lớn vào menu của thị trường, vấn đề là làm sao đủ nguyên liệu có kích cỡ phù hợp.

Tình trạng thiếu nguyên liệu vào những tháng cuối năm khó tránh khỏi; khi đưa ra nhận xét này, ông Kịch cho rằng VASEP là tổ chức của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, nếu gây tổn thương người nuôi thì bộ NN-PTNT cũng không khiển được VASEP. Đã đến lúc cơ quan Quản lý cạnh tranh phải vào cuộc, đi sâu, điều tra nghiêm túc xem tại sao giá xuống, có tình trạng thao túng, có sử dụng sức mạnh từ những doanh nghiệp lớn xuống người nuôi không? Người nuôi không tự làm lỗ vậy ai làm người nuôi lỗ? “Bài đầu tiên đi học”, sau đó tốt cho mọi người thì càng phải làm. Ai cũng đi kiếm tiền, nhưng con cá dính tới an sinh xã hội nên càng phải làm rõ.

Chi phí bị mất kiểm soát

Chiếm tỷ trọng 80% chi phí nuôi cá tra, thức ăn đang nằm ngoài sự kiểm soát. Trong quý II/2011, giá thành cá tra từ 16.500-20.000 đ/kg lên 18.000-24.000 đ/kg. Theo bộ NN-PTNT, 98/126 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi tập trung cho cá tra, sản lượng 1 triệu tấn. Nghịch lý là giá thức ăn tăng 10% so hồi đầu năm 2011, tăng 30-40% so cùng kỳ năm ngoái. Ngược lại, từ tháng 5 đến nay, giá cá từ 23.000 -29.000 đ/kg còn 21.000 – 22.000 đ/kg.

Người nuôi cá nhỏ lẻ, lo lắng khi thiếu vốn, nói: Một năm, thức ăn tăng giá không biết bao nhiêu lần, một lần là bao nhiêu, không ai kiểm soát. Trong thức ăn có 17 – 18 thành phần, nhưng chỉ kiểm tra đạm, lại không kiểm tra đạm tiêu hóa. Mua thức ăn cho cá, doanh nghiệp được khấu trừ VAT, còn người nuôi nhỏ lẻ không được khấu trừ khiến chi phí của người nuôi nhỏ lẻ bao giờ cũng cao hơn các nhà máy tự nuôi (diện tích lớn) từ 20% trở lên. Làm gì để giá thành của người nuôi riêng lẻ giảm? Làm gì và chọn thức ăn của công ty nào để được hưởng chiết khấu 5% VAT phụ thuộc rất lớn vào việc doanh nghiệp chọn lựa người nuôi cá thể hay HTX làm đối tác. Nếu không phải là “người nhà” thì người nuôi không được chiết khấu, khó bán được hàng là chuyện bình thường.

Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Hùng Vương nói: “ Cá quá lứa 1, 2 kg vẫn mua được thay vì 800 gr nhưng nếu chất lượng xấu sẽ không ai mua. Hiện nay nếu xài thức ăn của Việt Thắng, Con cò thì có người mua liền.

Theo ông Minh, cá bị tồn đọng do chất lượng, điều kiện nuôi trồng. Từ tháng 6, Hùng Vương, Agifish mua 15.000 tấn, ưu tiên mua cá đúng , kế đó là nuôi thức ăn chất lượng tốt. Vì như vậy, thành phẩm sẽ có giá thành thấp.

Xếp thứ tự ưu tiên, loại thức ăn tự chế sẽ mua sau cùng. Sở dĩ tháng 7-2011 mua cá với giá 24.000 đ/kg do tỷ giá 20.500 đ/USD, trong khi tháng 2-2011 giá mua cá 27.000 đ/kg do tỷ giá 21500 đ/USD, ông Minh cho biết thêm.

Theo bộ NN-PTNT, Việt Nam có 129 thị trường, 155 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra. 20/129 thị trường có mức giá tăng 3-11%, 6 thị trường giảm không đáng kể. Châu Âu chiếm 32% thị phần toàn cầu của cá tra Việt Nam, giá tăng 7,4% trong khi Mỹ tăng rất mạnh. Hiện nay, có hai mắt xích yếu trong chuỗi thị trường các nước châu Âu là Đức và Tây Ban Nha sau sự kiện WWF (quỹ bảo tồn động vật hoang dã thế giới) đưa cá tra vào sách đỏ. Hội nghề cá, VASEP đã tổ chức chuyến thăm cho Thượng nghị sĩ EU Struan Stevenson thăm vùng nuôi, cơ sở chế biến và đối thoại với bộ NN-PTNT .

Ông Nguyễn Hữu Dũng, phó chủ tịch VASEP, nhận xét: Khó nhất là thị trường châu Âu, 3 tập đoàn bán lẻ ở Anh đã rút cá tra ra khỏi quầy do phát hiện sản phẩm lạm dụng dung dịch giữ nước. Tây Ban nha, sau sự kiện WWF đến nay thị trường sụt giảm 20% chưa kéo lên được. Theo ông, đã cá tra là sản phẩm chủ lực rồi thì phải có giải pháp, sau sự kiện “xin lỗi cá tra”, Việt Nam cần có phương thức tập trung xây dựng hình ảnh cá tra ở châu Âu.

Theo Hoàng Lan

SGTT



Báo cáo phân tích thị trường