Trong 6 tháng qua, cả nước đã XK 101.872 tấn tôm, trị giá 971,109 triệu USD, tăng 16,9% về khối lượng và 35,2% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là nhóm hàng có mức tăng trưởng cao nhất trong các nhóm hàng thủy sản XK chủ lực của Việt Nam. Chiếm đa số trong nhóm hàng tôm là sản phẩm tôm sú với 56.115 tấn, trị giá 611,2 triệu USD, tăng 15% về khối lượng và 30,9% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá trị XK tôm chân trắng chỉ bằng 1/3 giá trị XK tôm sú nhưng lại có mức tăng trưởng cao gấp đôi so với tôm sú. 6 tháng đầu năm nay, XK tôm chân trắng đạt 31.014 tấn và 248,4 triệu USD, tăng 37,7% về khối lượng và 72,5% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá XK trung bình sản phẩm tôm các loại trong 6 tháng đầu năm đạt 9,53 USD/kg, tăng so với 8,24 USD/kg của cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, mức tăng này còn khá khiêm tốn so với mức tăng giá tôm nguyên liệu trong nước. Giá tôm nguyên liệu tăng cao nhưng vẫn không đủ nguồn cung cấp cho các nhà máy chế biến vì dịch bệnh vẫn tiếp tục xảy ra, tôm bị chết nhiều trên diện rộng, mà nguyên nhân một phần do thời tiết không ổn định, cùng với chất lượng con giống thả nuôi không đạt yêu cầu.
Các mặt hàng thủy sản đã được XK sang 144 quốc gia và vùng lãnh thổ trong 6 tháng đầu năm nay, trong đó Mỹ là thị trường đơn lẻ có khối lượng và giá trị NK thủy sản lớn nhất trong số các thị trường NK thủy sản của Việt Nam, với 83.974 tấn, trị giá 502,3 triệu USD, tăng 40% về khối lượng và 48% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Sự kiện đáng chú ý và có lợi cho thủy sản Việt Nam trong nửa đầu năm nay tại thị trường này là việc mới đây Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) ra phán quyết cho rằng Mỹ đã áp dụng phương pháp quy về 0 để tính thuế chống bán phá giá (CBPG) đối với tôm Việt Nam trong giai đoạn xem xét từ 1/2/2006 đến 31/1/2007 và từ 1/2/2007 đến 31/1/2008 là vi phạm quy định của WTO, khiến cho thuế suất tôm của Việt Nam luôn ở mức cao. Kết luận này không chỉ tạo thuận lợi hơn cho XK tôm của Việt Nam mà còn đem lại niềm tin cho các nhà NK Mỹ khi tiếp tục NK tôm của Việt Nam trong thời gian tới. Cùng với đó, mặt hàng cá tra cũng có mức thuế CBPG thấp hơn khi Bộ Thương mại Mỹ quyết định lựa chọn Bănglađet làm quốc gia thay thế để tính giá trị đầu vào trong quyết định cuối cùng về thuế CBPG cá tra giai đoạn từ 1/8/2008 đến 31/7/2009.
Nhật Bản hiện chiếm 14,5% tỷ trọng giá trị XK thủy sản Việt Nam với 378,0 triệu USD và khối lượng NK 51.051 tấn. Tuy nhiên, mức tăng trưởng giá trị NK thủy sản của thị trường này lại khá khiêm tốn, chỉ 1,3% trong khi khối lượng NK lại giảm 18,2%. Sự sụt giảm này có một phần nguyên nhân do thảm họa động đất và sóng thần xảy ra hồi tháng 3 vừa qua khiến người dân Nhật Bản phải thắt chặt chi tiêu, chủ yếu tập trung vào mặt hàng “xa xỉ” như tôm, trong khi mặt hàng cá tra với giá “mềm” hơn vẫn có chỗ đứng tại thị trường này mặc dù thị phần còn nhỏ.
Giá trị XK thủy sản của cả nước trong nửa đầu năm nay vẫn tiếp tục đà tăng trưởng 2 con số với mức tăng 27,7%, đạt 2,61 tỷ USD với khối lượng 632.107 tấn, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là con số đáng mừng của ngành thủy sản Việt Nam, trong đó có phần đóng góp rất lớn của DN, ngư dân và người nuôi thủy sản trên toàn quốc, đặc biệt trong bối cảnh nhiều loại nguyên liệu như tôm và các mặt hàng hải sản khai thác khác bị thiếu trầm trọng.
Theo Vasep