Theo Bộ Công Thương: Tuy kim ngạch xuất khẩu (XK) tháng 2-2009 đạt khoảng 4,3 tỉ USD, tăng 15,5% so với tháng 1 nhưng tính chung kim ngạch của hai tháng đầu năm đạt trên 8 tỉ USD vẫn thấp hơn 5% so với cùng kỳ năm trước và chỉ đạt 11% kế hoạch XK của cả năm nay. Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên nhận xét: Để đạt được mục tiêu đề ra là 70,85 tỉ USD, phải giải được bài toán tìm đầu ra cho sản phẩm.
Lượng giảm, giá cũng giảm
Trong các nhóm hàng có kim ngạch giảm trong hai tháng đầu năm, cao su giảm mạnh nhất với 50,5%, tiếp đến là dây điện và cáp điện giảm gần 45%, gỗ giảm 26,3%, dệt may giảm 12%, máy tính và linh kiện giảm 13,7%, thủy sản giảm 6%... Cũng theo ông Biên, kim ngạch XK giảm không chỉ do lượng XK giảm mà giá sản phẩm XK cũng có xu hướng giảm theo. Giá của các mặt hàng chủ lực như cà phê, chè, cao su, điều, rau củ quả đều giảm từ 20% - 25% so với cùng kỳ năm trước. Giá cả hàng hóa trên thị trường thế giới có khả năng tiếp tục đứng ở mức thấp và khó tăng trong năm 2009 nên việc tăng kim ngạch XK do giá sẽ không còn cơ hội. Bên cạnh đó, cơ cấu và năng lực sản xuất nhiều mặt hàng nông sản, khoáng sản như gạo, cà phê, cao su, thủy sản, than đá... đã đến ngưỡng, khó có khả năng tăng trưởng cao.
Theo Hiệp hội Chế biến và XK Thủy sản VN (VASEP): Tuy thị trường XK tháng 2 ít nhiều có dấu hiệu hồi phục nhưng so với cùng kỳ năm ngoái, XK tôm sang Mỹ vẫn giảm 30,9% về giá trị, EU giảm 18,3%, Canada giảm 36,3%... Đối với ngành gỗ và chế biến gỗ, khó khăn cũng không kém. Chủ tịch Hội Thủ công Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM, ông Nguyễn Chiến Thắng, cho hay sức tiêu thụ của thị trường XK đã giảm khoảng 25% - 30%. Còn theo ông Dương Quốc Nam, Giám đốc Công ty Hoàng Nam: XK đồ gỗ hai tháng đầu năm của công ty giảm khoảng 30% và có thể giảm đến 50% vào giữa năm nay.
Dự báo những tháng sắp tới, XK gỗ còn phải đối mặt với nhiều thử thách khi mà Mỹ - thị trường XK lớn nhất của VN sẽ áp dụng đạo luật Lacey vào ngày 1-4-2009. Theo đó, tất cả các sản phẩm gỗ phải chứng minh xuất xứ. Bên cạnh đó, XK dệt may cũng khó khăn hơn khi Mỹ vừa bỏ hạn ngạch cho Trung Quốc nên các doanh nghiệp (DN) dệt may trong nước sẽ chịu áp lực cạnh tranh cao hơn.
Tự tìm lối ra
Theo nhiều DN, mặc dù đã có chính sách vĩ mô nhằm thúc đẩy thị trường XK nhưng các DN không thể thụ động chờ mà phải tự tìm giải pháp nhằm mở ra hướng làm ăn mới.
Để nối lại thị trường XK đã bị sụt giảm 25% vào cuối năm 2008, Công ty CP Thực phẩm Thuận Phát đã chấp nhận giảm giá sản phẩm. Bà Trương Mai Anh, tổng giám đốc công ty, cho biết: Nhờ phương án “lùi một bước” này mà công ty vừa ký được hợp đồng 60 container 40 feet (100.000 sản phẩm/container) vào Nga. Bên cạnh việc giảm giá thành sản phẩm như Thuận Phát, Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang đã mở rộng thị trường tiềm năng ở khu vực Trung Đông, Nam Mỹ, Bắc Phi. Theo ông Võ Phước Hưng, trợ lý tổng giám đốc công ty: Sẽ có chiến lược đẩy mạnh XK sản phẩm có giá trị gia tăng, đa dạng hóa sản phẩm thay vì xuất hàng thô.
Ông Dương Quốc Nam cho biết, từ đầu năm đến nay, Công ty Hoàng Nam tổ chức hàng chục chuyến tìm kiếm khách hàng mới tại các thị trường truyền thống nhưng vẫn không có đối tác đặt hàng. Vì vậy, công ty phải chuyển sang các thị trường mới như Trung Đông, Lào, Campuchia... bằng cách tổ chức các cuộc triển lãm, quảng bá sản phẩm và thực hiện các đợt nghiên cứu tập quán, văn hóa của địa phương để sản xuất những sản phẩm phù hợp. Ngoài phương án chấp nhận “cắt” lãi, công ty còn cho thanh toán chậm nhằm thu hút khách hàng. Với phương án trên, đã có một vài đơn vị xem xét đơn chào hàng của Công ty Hoàng Nam.
Hỗ trợ DN may mặc XK vào châu Âu Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM triển khai chương trình hỗ trợ XK may mặc vào thị trường châu Âu dành cho các DN VN có từ 25 – 500 nhân công. Đây là chương trình do Chính phủ Hà Lan tài trợ cho mỗi công ty khoản kinh phí 60.000 euro (DN chỉ đóng khoản cam kết 1.000 euro khi đã được lựa chọn tham gia chương trình) để thực hiện mục tiêu nâng cao năng lực sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế; trợ giúp về khâu thiết kế sản phẩm nhằm tăng GTGT cho sản phẩm XK. Chương trình còn cung cấp cho các DN kiến thức, thông tin thị trường; làm kế hoạch marketing XK; giới thiệu và tìm khách hàng cho các DN đạt chuẩn quốc tế. |