Theo ông Mười, khác với các loại hoa màu khác như dưa hấu, cà chua hay dưa leo, trồng rau không thể dùng màng phủ công nghiệp giữ ẩm cho đất vì không hiệu quả. Qua đúc kết kinh nghiệm, người trồng rau nhận thấy dùng rơm giữ ẩm cho đất là tốt nhất, đặc biệt là trong điều kiện nắng nóng kéo dài trong thời gian qua. Chính vì vậy, bà con nông dân giành nhau mua rơm khiến giá tăng liên tục.
Qua kết quả khảo sát giá bán rơm ở các huyện Chợ Gạo, Châu Thành, Cai Lậy cho thấy, rơm có giá cao hay thấp phụ thuộc vào nhu cầu ở mỗi nơi, như: ở Châu Thành rơm có giá khoảng 500.000-700.000 đồng/ha, ở Cai Lậy có giá 800.000-1.000.000 đồng/ha, đặc biệt ở Chợ Gạo rơm có giá tới 1.500.000-2.000.000 đồng/ha. Đó là chưa kể tiền thuê người thu gom, phương tiện chuyên chở. Tuỳ theo địa điểm gần hay xa, có khi giá rơm về tới chỗ cần dùng đã đội lên gấp đôi so với giá mua.
Ông Trần Văn Minh – xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) cho biết, khu vực này cây thanh long phát triển rất mạnh. Theo đó, nhu cầu mua rơm để ủ gốc thanh long cũng tăng cao, cung không đủ cầu. "Đầu năm nay, tôi định mua 2-3 ha rơm để ủ gốc thanh long nhưng đến nay, tìm mãi mới mua được hơn 1ha rơm”.
Trữ rơm cho bò ăn vào mùa khô cũng là nhu cầu có thật, dù đã có từ thời xa xưa nhưng càng ngày nhu cầu này càng lớn, góp phần làm cho rơm thêm có giá. Nguyễn Văn Thiệt – thị trấn Tân Hiệp, huyện Châu Thành (Tiền Giang) đang ôm bó rơm cho bò ăn cho biết: "Kiếm cỏ tươi cho bò ăn vào mùa mưa đã khó, tới mùa khô lại càng khổ hơn. Do đó, bà con nuôi bò cũng kiếm rơm mua dự trữ để làm thức ăn cho gia súc khi thiếu cỏ tươi”.
Theo ông Thiệt, rơm có giá trị dinh dưỡng thấp hơn rất nhiều so với cỏ tươi hay thức ăn công nghiệp dành cho gia súc. Tuy nhiên, nếu bà con dùng phương pháp ủ với phân urê đúng liều lượng, đúng phương pháp thì vẫn có nguồn thức ăn có khả năng đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho bò, nhưng giá rẻ hơn rất nhiều so với các loại thức ăn công nghiệp dùng cho bò đang bán trên thị trường.
Không chỉ dùng trong trồng trọt, chăn nuôi, rơm còn được cánh thương lái thu mua trái cây săn lùng để lót, chêm vào các giỏ trái cây, đặc biệt là dưa hấu để tránh bị dập, xây xát khi vận chuyển xa. Bà Lê Thị Thắm – thương lái thu mua trái cây ở xã Bàng Long, huyện Châu Thành (Tiền Giang) tâm sự: "Nghề thu mua trái cây cần rơm nhiều lắm. Vì thế mà trong vườn nhà tôi lúc nào cũng có sẵn cây rơm dành để lót trái cây khi đưa hàng về TP. Hồ Chí Minh”.
Nhờ công dụng ngày càng đa năng của rơm, mà phụ phẩm này đã giúp người trồng lúa có thêm khoảng phụ thu kha khá. Ông Lê Văn Khanh - xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) cho biết: "Gia đình tôi có 15.000m2 đất ruộng. Trước kia sau mỗi vụ lúa là thời gian vất vả do mất công trải rơm cho khô để đốt bỏ. Chẳng những thế, khi đốt rơm thì cánh đồng ngập khói, gây ô nhiễm môi trường. Giờ đây rơm được giá, chẳng mất công đốt bỏ rơm, mà mỗi vụ thu hoạch lúa lại có thêm 2-3 triệu đồng”.
Từ một loại phụ phẩm bị đốt làm phân, giờ đây rơm đã trở nên có giá và được nhiều người tranh mua. Đây là điều tốt, bởi đã giúp cho nông dân có thêm khoản thu nhập dù không lớn, và đặc biệt có ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
Theo Thành Công
Trung tâm Thông tin Phát triển Nông nghiệp Nông thôn