Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu gạo - Đi tìm đầu ra
16 | 06 | 2011
Quốc gia nhập khẩu gạo nhiều nhất những năm qua là Philippines, mỗi năm khoảng 1,5-1,6 triệu tấn nhưng năm nay chỉ nhập 860.000 tấn.

Hết tháng 5, Việt Nam xuất khẩu 3,3 triệu tấn gạo, đạt giá trị 1,5 tỷ USD, tăng 22% về lượng và 27% về giá so cùng kỳ năm 2010, giá gạo bình quân tăng 19 USD/tấn. Tháng 6 dự kiến xuất khẩu 650.000 tấn gạo. Như vậy 6 tháng đầu năm có thể xuất khẩu khoảng 4 triệu tấn gạo (cao hơn cùng kỳ hơn 117%). Đến hết tháng 5 các doanh nghiệp đã ký hợp đồng xuất 4,7 triệu tấn gạo

Thị trường biến động

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, thị trường xuất khẩu gạo những tháng đầu năm 2011 có nhiều biến động. Quốc gia nhập khẩu gạo nhiều nhất những năm qua là Philippines, mỗi năm khoảng 1,5-1,6 triệu tấn nhưng năm nay chỉ nhập 860.000 tấn.

Trong khi đó, những thị trường cũng được xem là truyền thống như châu Phi, các nước Ả Rập và Trung Đông hàng năm chiếm khoảng 35% thị phần xuất khẩu, nhưng thời gian qua do bất ổn về chính trị đang xảy ra tại nhiều nước nên lượng gạo nhập khẩu từ Việt Nam giảm hẳn. Trong đó, thị trường Iraq cho đến nay gần như Việt Nam chưa trúng thầu hợp đồng nào.

Để bù lại, doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã trở lại thị trường Bangladesh, không chỉ xuất khẩu gạo trắng mà còn mở ra hướng xuất khẩu gạo đồ (mặt hàng khá mới của Việt Nam), góp phần giải quyết việc tiêu thụ lúa tươi (mua trực tiếp lúa tươi và luộc chín trước khi xay xát của bà con). Trung Quốc năm nay cũng ký hợp đồng mua chính ngạch thay vì theo đường tiểu ngạch. Nhưng sự trở lại ấn tượng nhất là Indonesia, thị trường đã nhập khẩu khoảng 2 triệu tấn gạo. Trong đó, nhập từ Việt Nam 1,3 triệu tấn từ tháng 10-2010 đến tháng 4-2011.

Điều đáng nói, những tháng qua, giá gạo Việt Nam xuất khẩu đều cao hơn gạo Thái Lan. Đây là lý do không ít thị trường truyền thống Việt Nam đã chuyển qua mua gạo của Thái Lan như các nước châu Phi, Iraq, Philippines…

Mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo

Tuy nhiên vào thời điểm này, giá gạo Thái Lan lại cao hơn Việt Nam khoảng 5-20 USD/tấn, đây là cơ hội Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu và khách hàng quay lại mua gạo Việt Nam.

Theo Viện Nghiên cứu Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp (Ipsard), giá gạo những tháng cuối năm 2011 tiếp tục chịu áp lực giảm giá do sản lượng lúa hè thu dự kiến tăng. Tổ chức Nông lương của Liên hiệp quốc (FAO) dự báo sản lượng lúa toàn cầu năm 2011 có thể đạt 719,8 triệu tấn (tương đương 479,9 triệu tấn quy gạo), tăng 3% so với năm 2010, dự báo tổng sản lượng lúa Việt Nam năm 2011 tăng 2% đạt 40,7 triệu tấn (27,15 triệu tấn quy gạo).

Trong khi đó, Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) lại cảnh báo có thể tái diễn cuộc khủng hoảng gạo như năm 2008. Dù trong 8 tháng tính đến tháng 2-2011, giá gạo chỉ tăng 17%, nhưng giá lúa mì đã tăng 121%, giá bắp tăng 92%. Theo IRRI, điều này có thể hối thúc các nước gia tăng lượng dự trữ hoặc áp đặt lệnh cấm xuất khẩu.

Theo VFA, giá gạo thế giới tăng hay giảm phụ thuộc lớn vào sự thay đổi bất ngờ của thời tiết (bão, lũ, khô hạn) ở nhiều nơi trên thế giới. Như năm 2010, khi mất mùa lúa mì, Nga đã đóng cửa thị trường xuất khẩu, làm cho giá lương thực cuối năm đột ngột tăng mạnh. Ngược lại, hiện nay Ấn Độ, quốc gia có lượng dự trữ lương thực rất lớn, trên 40 triệu tấn, nếu mở cửa thị trường, chắc chắn giá lương thực thế giới sẽ giảm.

Trước tình thế này, ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA cho biết, lượng gạo hàng hóa vùng ĐBSCL vụ hè thu sắp thu hoạch khoảng 2 triệu tấn, dù diễn biến thế nào cũng phải đảm bảo tiêu thụ hết lượng lúa cho bà con. Vì vậy, dự kiến từ 17-7 đến 30-8, thời điểm thu hoạch rộ lúa hè thu, VFA sẽ phân bổ 80 DN hội viên mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo (khoảng 2 triệu tấn lúa) trong 3 tháng.

VFA đang làm việc với các ngân hàng để có lãi suất hợp lý nhất. Giá mua lúa hè thu dự kiến không dưới 5.000 đồng/kg (tương đương vụ đông xuân dù chất lượng không bằng vụ đông xuân), đảm bảo bà con trồng lúa có lãi. 

Theo Công Phiên

SGGP


Báo cáo phân tích thị trường