Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nông sản đang leo thang
08 | 04 | 2011
AGROINFO - Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), trong báo cáo tháng 4, đã giữ nguyên dự báo về dự trữ ngô và đậu tương cuối vụ 2010/11 so với dự báo đưa ra trong tháng 3, làm ngạc nhiên nhà đầu tư - những người cho rằng dự trữ sẽ giảm sâu.
Giá ngô giao dịch kỳ hạn tại Mỹ đã leo lên mức cao kỷ lục trong phiên giao dịch ngày 5/4 sau khi trải qua chuỗi ngày tăng mạnh nhất trong 6 tháng, bởi giới thương nhân ngày càng lo lắng về nguồn cung, trừ khi các nhà sản xuất ethanol cắt giảm nhu cầu. Chỉ trong 4 phiên giao dịch vừa qua, giá ngô đã tăng hơn 15%, từ khi Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) công bố báo cáo cho thấy dự trữ ngô đã giảm mạnh so với dự đoán.
Giá ngô giao tháng 5 tại Sở giao dịch thương mại Chicago (CBOT) tăng 9 cent, tương đương 1,2% lên 7,68 USD/bushel. Ước tính dự trữ ngô cuối vụ của USDA không giảm là điều làm ngạc nhiên nhất cho nhà đầu tư. Trước đó, USDA nhận xét cung ngô vụ mùa đông đang thấp hơn nhiều so với dự kiến đã đẩy giá ngũ cốc này lên trên 7,70 USD/bushel lần đầu tiên trong lịch sử.
Giá ngô cho đến nay đã tăng gấp đôi so với mùa hè năm ngoái bởi nhu cầu của các nhà nhập khẩu, của ngành sản xuất ethanol và thức ăn chăn nuôi. Trong báo cáo hàng tháng công bố ngày 8/4, USDA giữ nguyên dự đoán dự trữ ngô cuối vụ này (kết thúc vào 31/8) ở 675 triệu bushel - thấp nhất trong 15 năm qua.
Nhìn vào thị trường cà phê, cà phê thế giới vừa trải qua phiên giao dịch đầu tháng 4 sụt giảm mạnh do hoạt động bán thanh lý của nhà đầu tư, kết hợp với nguồn cung tăng từ Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam. Giá cà phê arabica giao tháng 5 tại New York mất 4,25 cent còn 2,599 USD/lb. Giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 5 tại London giảm 107 USD xuống còn 2.421 USD/tấn.  Các nhà đầu tư cho biết, nguồn hàng đưa ra thị trường đang dồi dào hơn từ 3 nước sản xuất cà phê robusta quan trọng là Việt Nam, Indonesia và Ấn Độ.
Trong khi đó, tại Việt Nam, quý đầu năm 2011 đã xuất đi hơn 500.000 tấn cà phê, và nguồn hàng có sẵn ở các kho ngoại quan đủ để xuất khẩu trong 2 tháng nữa. Tại Indonesia, vụ mùa bắt đầu vào thời gian thu hoạch rộ, nguồn cung ra thị trường gia tăng, bất chấp sản lượng vụ này thấp hơn năm ngoái. Nguồn hàng xuất khẩu của Ấn Độ cũng tăng mạnh, khi trong tháng trước đã tăng tới hơn 50%.
Ở thị trường trong nước, giá cà phê nhân xô hôm nay còn 46 triệu đồng/tấn, giảm 1,5 triệu đồng so với ngày hôm qua. Giá cà phê xuất khẩu ở mức 2.240 USD/tấn, FOB, trừ lùi 100 USD so với kỳ hạn tháng 7 tại London.
Giá cà phê nước ta năm nay cao hơn gấp 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy giá giảm trong phiên hôm qua nhưng đây vẫn là vụ mùa được giá nhất từ trước tới nay của cà phê nước ta.
Nguồn hàng trong dân đã cạn kiệt, chỉ còn một số các hộ gia đình có điều kiện kinh tế hay các đại lý còn lưu giữ, nhưng khối lượng cũng chẳng đáng bao nhiêu, chỉ bằng 10% so với tổng khối lượng xuất khẩu dự kiến. Bà con hầu hết đã bán ra từ trước để tái đầu tư cho vụ mới.
Theo ước tính của các thương nhân, Việt Nam đã xuất khẩu 75% tổng khối lượng xuất đi dự kiến của vụ này, và chỉ còn khoảng 4 triệu bao chưa xuống tàu.
Song song với ngành hàng ngô và cà phê, các loại nông sản chủ yếu khác như đậu tương, lúa mì, nhất là lúa gạo đã có sự tăng giá đáng kể trong tuần qua.
Giá đậu tương giao tháng 5 trên sàn này tăng 28,75 cent, tức 2,1% lên 13,9225 USD/bushel. USDA cũng giữ nguyên dự đoán dự trữ đậu tương cuối vụ này ở 140 triệu tấn và cho rằng giá cần giữ ở mức cao để khuyến khích nông dân trồng trọt.
Giá lúa mì đỏ mùa đông giao tháng 5 trong khi đó tăng 3,1% lên 7,9750 USD/bushel. USDA giảm 0,5% dự báo dự trữ lúa mì cuối vụ xuống còn 839 triệu bushel, trong khi các nhà đầu tư và thương nhân dự báo sẽ tăng. Chính phủ cho rằng, người chăn nuôi sẽ tăng cường sử dụng lúa mì để thay thế ngô trong thức ăn chăn nuôi khi giá ngô quá cao. Đó là lý do khiến giá lúa mì tăng vọt hơn 3%.
Tại Việt Nam, giá lúa gạo ở các tỉnh ĐBSCLbắt đầu tăng trở lại với mức tăng 200-250 đồng/kg. Sáng 1.4, lúa thường được thương lái thu mua dao động từ 5.500-5.600 đồng/kg, lúa hạt dài từ 5.650-5.800 đồng/kg, tăng từ 200-250 đồng/kg so với tuần trước. Giá gạo nguyên liệu làm gạo 5% tấm tăng lên mức 7.450-7.550 đồng/kg, 25% tấm là 7.250-7.400 đồng/kg. Giá gạo thành phẩm cũng tăng bình quân 200 đồng/kg, lên mức 8.800-8.950 đồng/kg (5% tấm)... So với mọi năm, năm nay giá lúa hạt dài và lúa thường chênh lệch không nhiều, từ 50-200 đồng/kg.
Tổng hợp


Báo cáo phân tích thị trường