Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Người tiêu dùng có thể yên tâm?
27 | 06 | 2011
Từ 1.7, luật An toàn thực phẩm có hiệu lực. Ngoài kiểm tra dịch hại thông thường, cơ quan chức năng còn kiểm tra thêm các chất độc hại có trên các mặt hàng rau, củ quả, nông sản. Tuy nhiên, với điều kiện hiện nay, các cửa kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) của Việt Nam có đủ giúp người tiêu dùng yên tâm?

Bà Nguyễn Lâm Giang, phó trạm trưởng Kiểm dịch thực vật Tân Thanh cho biết, có tới 90% hàng hoá thông quan qua cửa khẩu này là các loại rau, củ, quả giữa Việt Nam và Trung Quốc. Mỗi ngày có hàng chục, thậm chí lúc cao điểm như dịp tết, có hàng trăm chuyến xe nhập hoa quả từ Trung Quốc thông quan.

Chặn độc từ cửa khẩu

Theo bà Giang, tất cả các lô hàng có nguồn gốc thực vật xuất, nhập khẩu qua cửa khẩu đều được lấy mẫu kiểm tra dịch hại. Thông thường, trong vòng 24 giờ sau khi lấy mẫu kiểm dịch, phải có kết quả thông báo cho chủ hàng; nếu lô hàng bị nghi ngờ có đối tượng dịch hại, thời gian kiểm tra sẽ lâu hơn.

Bà Nguyễn Thị Hà, phó chi cục trưởng Kiểm dịch vùng 7 (thuộc cục Bảo vệ thực vật, bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, đóng tại Lạng Sơn) cho biết, hiện máy móc trang bị cho trạm ở cửa khẩu chỉ soi được các đối tượng dịch hại, chưa kiểm tại chỗ được các chất độc hại về an toàn vệ sinh thực phẩm. Bà Hà nói: “Lâu nay, dù chưa được giao nhiệm vụ chính thức, nhưng để kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản, kim loại nặng… trên nông sản, chi cục vẫn lấy mẫu thường xuyên gửi về cục Bảo vệ thực vật kiểm tra, phân tích; thậm chí cán bộ của cục cũng định kỳ lên lấy mẫu. Đến thời điểm này, qua kiểm tra nhiều đợt, các dư chất trên rau, củ, quả, nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn nằm dưới ngưỡng cho phép”.

Theo bà Hà, từ 1.7 này, việc kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm là công việc thường xuyên.

Có hoàn toàn yên tâm?

Từ 1.7, theo quy định, các lô hàng đều được lấy mẫu để kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm. Do sức ép về thời gian, nên việc lấy mẫu vẫn phải đảm bảo cho thông quan trong vòng 24 tiếng. Tuy nhiên, để kiểm tra về an toàn vệ sinh thực phẩm, từ lúc lấy mẫu, kiểm tra phân tích, đến lúc báo kết quả cho khách hàng cũng phải 3 – 4 ngày sau.

Ông Hoàng Trung, phó cục trưởng cục Bảo vệ thực vật cho hay: “Kiểm tra lấy mẫu rồi, nhưng không nhất thiết phải giữ hàng hoá đó, vì không thể giữ các loại rau, củ quả tươi sống lâu được. Tất nhiên, địa điểm hàng hoá đó tới đâu, chúng tôi phải nắm được. Và hàng hoá khi chưa có kết quả kiểm dịch mà đã bán ra thị trường, điều này rất khó quản lý, và chúng ta buộc phải chấp nhận một sự rủi ro nào đó”.

Tuy nhiên, theo ông Trung, trong trường hợp phát hiện thấy lô hàng vi phạm các vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ xử lý và tăng cường các biện pháp kiểm tra chặt chẽ, lô hàng có thể tiêu huỷ, bắt tái chế, thay đổi mục đích sử dụng. Nếu lần đầu vi phạm, sẽ tăng tần suất kiểm từ bình thường 10%, lên 30%; còn lần thứ hai vi phạm sẽ tăng tần suất kiểm tra lên 100%, đồng thời chế tài tiếp theo là tạm đình chỉ nhập khẩu với các loại hàng hoá đó.

“Còn về sau này, sẽ tiến tới cách phòng vệ từ xa là kiểm tra tại gốc. Chúng tôi sẽ cùng với cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản (bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), cho kiểm tra tại gốc về kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm ở những nước có nhu cầu xuất khẩu hàng hoá nông sản sang Việt Nam” ông Trung nói.

Hiện nay, cục Bảo vệ thực vật có chín chi cục trực thuộc, với 60 trạm kiểm dịch thực vật đóng tại các cửa khẩu đường bộ, cảng, sân bay. Đối với các cửa khẩu quan trọng, hàng hoá nhiều, sẽ được tăng cường thêm máy móc, cán bộ kiểm dịch cho cửa khẩu đó.

Theo SGTT



Báo cáo phân tích thị trường