Theo báo cáo của Bộ Công Thương trong 3 năm gần đây, xuất khẩu nhân điều Việt Nam tăng trưởng liên tục, nhưng việc trồng điều của Việt Nam lại có dấu hiệu thụt lùi.
Tình hình trồng điều của Việt Nam trong vài năm vừa qua suy giảm cả về diện tích, năng suất và sản lượng. Sản lượng điều trong nước đã từng chiếm từ 70 - 80% công suất chế biến của toàn ngành giai đoạn 2005 - 2008 thì năm 2009 chỉ đạt 49% tổng công suất, năm 2010 đạt 39% và năm 2011 ước đạt 33% công suất chế biến.
Diện tích trồng điều sau khi đạt đỉnh vào năm 2006 với 444.200 ha đã liên tục suy giảm trong các năm sau đó.
Số liệu mới nhất của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho thấy, diện tích điều năm 2010 chỉ còn 372.000 ha, giảm 20.696 ha so với năm 2009. Đến tháng 7/2011, tuy các tỉnh chưa có số liệu thống kê chính xác về diện tích điều hiện tại, nhưng theo ước tính của Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) có khoảng 3.000 ha tiếp tục chuyển sang các cây trồng khác như cao su, khoai mì...
Năng suất trồng điều chủ yếu đạt trong khoảng 7 - 8 tạ/ha, trong khi trong vườn thực nghiệm đạt tới 2,5 - 3 tấn/ha. Như vậy, có thể nói năng suất trồng điều đại trà của Việt Nam là rất thấp.
Kéo theo điều này là hiệu quả kinh tế trồng điều kém hơn khá nhiều so với các cây trông công nghiệp khác. Cụ thể, tính theo thời điểm hiện tại, hiệu quả kinh tế của trồng điều bằng 1/5 so với cà phê, xấp xỉ 1/8 so với cao su và hồ tiêu. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng nông dân chặt bỏ điều để chuyển sang các cây trồng khác.
Không những vậy, hiện tại Việt Nam còn có rất nhiều đơn vị chế biến điều. Tổng công suất chế biến của toàn ngành năm 2011 đạt 800.000 tấn, đứng thứ 2 thế giới sau Ấn Độ (khoảng 1 triệu tấn). Tuy nhiên các nhà máy lớn, thiết bị hiện đại, đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, an toàn thực phẩm chỉ khoảng gần 20 doanh nghiệp (chiếm khoảng 30 - 35% tổng công suất), còn lại khoảng 300 lò chẻ tư nhân chiếm khoảng 60 - 65% tổng công suất.
Cạnh đó, cùng với sự tăng trưởng mạnh về xuất khẩu tốc độ tăng trưởng của nhập khẩu điều thô còn cao hơn trong giai đoạn 2005 - 2011. Sự sụt giảm của sản lượng điều trong nước đã khiến sự phát triển của xuất khẩu nhân điều của Việt Nam ngày càng lệ thuộc vào điều thô nhập khẩu.
Nếu xét về khía cạnh sự chênh lệch giữa xuất khẩu và nhập khẩu nhân điều thì lượng ngoại tệ chênh lệch từ năm 2008 đến nay lại có xu hướng giảm. Còn xét theo tiêu chí lượng ngoại tệ thu về trên 1 đơn vị xuất khẩu thì hiệu quả từ 4.200 USD/tấn năm 2008, đến năm 2011 ước đạt chỉ khoảng 3.500 - 3.600 USD/tấn.
Sản lượng xuất khẩu ngày một tăng, kim ngạch xuất khẩu tăng nhưng 2 tiêu chí nêu trên lại giảm cho thấy ngành điều Việt Nam đang phát triển theo hướng tăng trưởng quy mô chứ chưa chú trọng phát triển chất lượng và hiệu quả. Đây là điều đáng lo ngại nếu Việt Nam muốn hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Hiện tại tỉ lệ chế biến sâu của Việt Nam theo thống kê của Vinacas cũng chỉ là 3%, một tỉ lệ quá khiêm tốn so với quy mô chế biến điều cả nước. Trong khi đó, theo báo cáo của Hiệp hội Điều Việt Nam về chiến lược phát triển bền vững ngành điều Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020 thì một trong các tiêu chí là tỉ lệ chế biến sâu phải đạt tới trên 30%.
Dự báo về tình hình xuất khẩu của ngành điều trong năm 2011, Trung tâm Tin học và Thống kê (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho rằng, lượng điều Việt Nam có thể xuất khẩu sẽ đạt 163.000 tấn, với giá trị kim ngạch ở mức 1,32 tỷ USD, giảm 17,6% về lượng nhưng tăng 16% về giá trị so với năm 2010; giá xuất khẩu nhân điều cả năm dự báo sẽ ở mức 8.098 USD/tấn, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm 2010.
Vinacas thì đưa ra con số ước đoán về kim ngạch là 1,4 tỷ USD. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, Vinacas kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần xem xét đưa hạt điều thô ra khỏi nhóm hàng bắt buộc kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hoá có nguồn gốc thực vật dùng làm thực phẩm nhập khẩu vào Việt Nam.
Tiếp đến, Bộ Tài chính nên đưa thuế nhập khẩu đối với điều nguyên liệu về mức 0%, thay cho mức 3% đã được công bố và sẽ có hiệu lực từ 25/8 tới đây.
Hiệp hội cũng đề nghị Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thu mua tạm trữ nguyên liệu trong nước kể từ niên vụ 2012.
Theo Vneconomy